Cuộc họp bị hoãn vào thời điểm Tổng thống Zelensky đang quyết liệt vận động ủng hộ cho kế hoạch của ông trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng tới.
Để cứu vãn, ông Zelensky đã bắt đầu chuyến công du tới London, Paris, Berlin và Rome để trình bày chi tiết về chiến lược của mình.
Kế hoạch bao gồm trao tư cách thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho Ukraine, cho phép sử dụng tên lửa phương Tây để tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga và cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine.
Ngày 10/10, ông Zelensky gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thư ký NATO Mark Rutte để đề xuất "các bước quyết định nhằm kết thúc cuộc xung đột chậm nhất vào năm 2025”.
Tính cấp thiết của kế hoạch gắn với sự không chắc chắn của cuộc bầu cử sắp tới ở Mỹ. Các quan chức Ukraine đặc biệt coi những tháng cuối năm - từ sau ngày bầu cử 5/11 và trước khi một tổng thống mới nhậm chức vào tháng 1 - là cơ hội để đảm bảo sự ủng hộ lớn hơn từ Tổng thống Biden.
Tổng thống Zelensky đang thúc giục tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm dùng những tháng cuối cùng trong nhiệm kỳ để củng cố di sản của mình với tư cách nhà lãnh đạo đã giúp Ukraine chống lại Nga bằng những cam kết an ninh mới, củng cố vị thế của Kiev trong bất kỳ cuộc đàm phán nào trong tương lai để chấm dứt chiến sự.
Tuy nhiên, phản ứng yếu ớt từ một số quan chức Mỹ về kế hoạch chiến thắng của ông Zelensky cho thấy Kiev có thể không nhận được sự ủng hộ mà họ hy vọng.
Ngày 9/10, tướng Charles Q. Brown Jr., Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, nói rằng kế hoạch chiến thắng của ông Zelensky nêu ra những điều mà các quan chức Ukraine "trước đây đã yêu cầu phần nào", và các quan chức Mỹ đang xem xét kế hoạch để "xem điều gì thực sự khả thi".
Phát biểu với các phóng viên tại Keflavik, Iceland, tướng Brown cho biết có sự khác biệt về quan điểm giữa các đồng minh NATO về việc có nên kết nạp Ukraine vào liên minh hay không.
Các quan chức Mỹ cũng sẽ tham khảo thêm với Ukraine về số lượng và loại đạn cụ thể mà họ muốn cung cấp. "Chúng tôi sẽ phải ngồi lại với người Ukraine và xem xét những gì thực sự có thể làm so với những thứ nêu trong danh sách này", ông Brown nói.
Thủ tướng Anh Starmer phát biểu khi bắt đầu cuộc họp với ông Zelensky, rằng "điều rất quan trọng là chúng tôi thể hiện cam kết liên tục của mình trong việc hỗ trợ Ukraine". Ông cho biết cuộc họp lần này là cơ hội để "xem xét kế hoạch ".
Tổng Thư ký NATO Mark Rutte cũng có mặt tại cuộc họp, sau đó ông nói với các nhà báo, rằng sự ủng hộ dành cho Ukraine là vững chắc và phù hợp với lợi ích cốt lõi của liên minh.
"Nếu Nga đạt được mục đích của họ ở Ukraine, điều đó sẽ gây ra những tác động nghiêm trọng với an ninh của tất cả chúng ta trong NATO”, ông Rutte nói.
Tuy nhiên, không có thông báo công khai nào về nội dung cụ thể trong kế hoạch của ông Zelensky. Tổng thống Ukraine sang Đức trong ngày 11/10 để tiếp tục trình bày về kế hoạch.
Cởi mở hơn với đàm phán
Các nhà ngoại giao phương Tây cho biết họ cảm thấy ông Zelensky đã cởi mở hơn với việc khởi động đàm phán với Nga, dù lực lượng Nga đang kiểm soát hơn 20% lãnh thổ Ukraine và khó có khả năng sẽ từ bỏ những nơi đó.
Một dấu hiệu thể hiện điều đó là ông Zelensky nói rằng Nga sẽ được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình tiếp theo mà Ukraine định tổ chức, dù chưa biết khi nào sẽ diễn ra. Ông Zelensky luôn nhấn mạnh phải chấm dứt chiến tranh theo các điều khoản của Ukraine, nhưng vị thế của ông suy yếu trong năm qua khi Nga chiếm được lợi thế trên chiến trường, đặc biệt ở Donetsk.
Dù Kiev đã tạo ra bất ngờ mới với chiến dịch tấn công qua biên giới vào tỉnh Kursk của Nga, nhưng bước tiến của họ đã chững lại, đồng thời không thể buộc Nga rút lực lượng khỏi mặt trận ở miền đông Ukraine giới chức ở Kiev kỳ vọng.
Gần đây nhất, Ukraine buộc phải rút quân khỏi thị trấn Vuhledar. Giới phân tích dự đoán Kiev sẽ hứng nhiều tổn thất hơn trong những tháng tới. Dù niềm tin của dư luận Ukraine vào ông Zelensky vẫn cao, nhưng nỗi thất vọng về quỹ đạo đi xuống của cuộc xung đột đã trở nên rõ ràng hơn.
Và người dân Ukraine sẽ phải trả nhiều tiền hơn để duy trì nỗ lực chiến tranh. Quốc hội Ukraine vừa phê duyệt đề xuất tăng thuế thu nhập cá nhân từ 1,5% lên 5%, để phục vụ chi tiêu quân sự
“Chúng ta ngày càng nghe từ ‘chiến thắng’ ít hơn nhưng từ ‘đàm phán’ được nói đến nhiều hơn. Kế hoạch chiến thắng giờ là trách nhiệm của ông Biden và chúng ta sẽ không can thiệp vào nữa. Thành phố pháo đài Vuhledar hóa ra không phải là một điểm chiến lược, và chúng ta đã quen với việc mất đi một ngôi làng mỗi ngày”, Oleh Sentsov, một nhà làm phim nổi tiếng người Ukraine đang phục vụ trong quân đội, viết trong bài đăng trên Facebook tuần này.
Volodymyr Fesenko, một nhà phân tích chính trị người Ukraine, viết trong bài đăng trên Facebook rằng “khuyết điểm chính trị và tâm lý truyền thống của người Ukraine là kỳ vọng quá cao, và điều này đang tái diễn”.
“Kỳ vọng vào cái gọi là kế hoạch chiến thắng là quá cao, và sau đó điều tương tự xảy ra với cuộc họp Ramstein. Điều quan trọng là không nên mong đợi phép màu”, ông Fesenko viết.