"Bước đột phá không gian của ta vẫn phải cần 1 thứ từ Nga" - Người Trung Quốc thừa nhận sự thật phũ phàng

Hoài Giang |

Bài viết miêu tả thực tế "không vui" nói trên được Sohu (Trung Quốc) đăng tải ít giờ trước.

"Bước đột phá"

Chang'e-6 (Thường Nga-6 ) là một robot đã được Trung Quốc lên kế hoạch phóng lên không gian vào tháng 5/2024.

Dự kiến robot sẽ vượt qua các thử thách trong quá trình hạ cánh xuống lưu vực Nam Cực-Aitken ở phần tối của Mặt trăng và sẽ cố gắng mang theo 2.000 gam đất trên bề mặt trở lại Trái đất.

Điều này được đánh giá là bước đột phá trong chương trình khám phá Mặt trăng của Trung Quốc.

Và theo một bản tin vào ngày 10/1 vừa qua của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), Chang'e-6 hiện đã được chuyển đến bãi phóng trên Đảo Hải Nam.

Bản tin của CCTV cũng đã để lộ một chi tiết, đó là việc vận chuyển các phần của robot sẽ do các vận tải cơ cỡ lớn bao gồm Xi'an (Tây An) Y-20 do Trung Quốc sản xuất đảm nhiệm. Tuy nhiên bên cạnh hàng "nội", một số người đã phát hiện dấu vết của một vận tải cơ "ngoại".

"Bước đột phá không gian của ta vẫn phải cần 1 thứ từ Nga" - Người Trung Quốc thừa nhận sự thật phũ phàng- Ảnh 1.

Vận tải cơ Y-20 của Trung Quốc tham gia vận chuyển linh kiện cho Chang'e-6.

'Bàn tay' của người Nga?

Và chiếc vận tải cơ "ngoại" đó rất có thể là An-124.

Một số người Trung Quốc còn đăng tải lên Internet thông tin và hình ảnh liên quan cho thấy rằng một chiếc An-124 đang đậu tại Sân bay Quốc tế Mỹ Lan Hải Khẩu ở Hải Nam và được cho là thuộc sở hữu của Volga-Dnepr Airlines (Nga).

Antonov An-124 Ruslan (Định danh NATO: Condor) là loại vận tải cơ lớn nhất từng được Liên Xô sản xuất hàng loạt trước Antonov An-225 Mriya (chiếc duy nhất đã bị phá hủy vào mùa xuân năm 2022 tại Ukraine).

An-124 hiện chủ yếu do Nga và Ukraine nắm giữ nên nhiều khả năng Trung Quốc đã phải thuê chiếc An-124 chở Chang'e-6 từ Nga.

Nhiều người Trung Quốc đang đặt câu hỏi rằng tại sao phải thuê An-124 khi đã có Y-20?

"Bước đột phá không gian của ta vẫn phải cần 1 thứ từ Nga" - Người Trung Quốc thừa nhận sự thật phũ phàng- Ảnh 2.

Chiếc An-124 đang đậu tại Sân bay Quốc tế Mỹ Lan Hải Khẩu ở Hải Nam.

Mặc dù Y-20 có thể sánh vai với vận tải cơ Il-76 của Nga, thậm chí không cách quá xa C-17 của Mỹ nhưng cả 3 loại máy bay nói trên không thể so sánh được với C-5 của Mỹ và An-124 của Nga.

Lockheed C-5 Galaxy là vận tải cơ tầm xa xuyên lục địa của Mỹ.

Sau khi nâng cấp, C-5M có trọng lượng cất cánh lên tới 418 tấn, trọng tải gần 130 tấn, thậm chí khi đầy tải vẫn có thể bay được hơn 9.000 km.

"Bước đột phá không gian của ta vẫn phải cần 1 thứ từ Nga" - Người Trung Quốc thừa nhận sự thật phũ phàng- Ảnh 3.

C-5 có thể dễ dàng xử lý trực thăng siêu tải Sikorsky CH-53 Sea Stallion.

Chỉ có An-124 mới có thể so sánh với C-5.

An-124 cũng có trọng lượng cất cánh hơn 400 tấn, tải trọng tối đa 150 tấn, tầm bay tối đa theo lý thuyết là hơn 16.000 km và khi đầy tải thì phạm vi là 3.200 km.

Nếu so với Il-76 cũng của Nga, ưu điểm về hiệu suất của An-124 không chỉ ở trọng tải lớn hơn và tầm bay xa hơn mà An-124 có thể mang những hàng hóa cồng kềnh hơn.

Cụ thể Il-76 có trọng tải 50 tấn nhưng khoang chở hàng chỉ rộng 3,4 mét còn khoang này ở An-124 rộng 6,4 mét. Tức là An-124 có thể dễ dàng vận chuyển những thứ mà Il-76 không thể như xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT), trực thăng...

"Bước đột phá không gian của ta vẫn phải cần 1 thứ từ Nga" - Người Trung Quốc thừa nhận sự thật phũ phàng- Ảnh 4.

An-124 hiện chủ yếu được sở hữu bởi Nga và Ukraine.

Đây cũng có thể là lý do tại sao Trung Quốc cần phải thuê An-124 để vận chuyển Chang'e-6.

Mặc dù có sẵn Y-20 nhưng xét về kích thước của khoang chở hàng, những bộ phận lớn của robot chỉ có thể được vận chuyển bằng An-124. Và dù người Nga chỉ có khoảng 10 chiếc An-124 vẫn đang có thể bay nhưng chúng có thể vận chuyển bất cứ thứ gì.

"Bước đột phá không gian của ta vẫn phải cần 1 thứ từ Nga" - Người Trung Quốc thừa nhận sự thật phũ phàng- Ảnh 5.

Cảnh Xi'an Y-20 mở khoang chở hàng trong hoạt động hỗ trợ nước láng giềng Pakistan ứng phó đại dịch Covid-19 của Trung Quốc.

Vấn đề là gì?

Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, hai nước đã ngừng hợp tác sản xuất An-125 và thay vào đó Nga tự phát triển các vận tải cơ cỡ lớn bao gồm IL-106 có tải trọng 120 tấn và một máy bay khác được cho là tải trọng lên tới 180 tấn.

Những gì Nga đang làm cũng là lời nhắc nhở rằng trong tương lai gần, Trung Quốc vẫn phải đầu tư vào vận tải cơ cỡ lớn có tải trọng trên 100 tấn và khoang chở hàng lớn hơn để đáp ứng những "mặt hàng" cồng kềnh”.

Ngành hàng không Trung Quốc cũng đã bày tỏ quan điểm này từ lâu. Tờ Nhân dân Nhật báo từng đề cập rằng Trung Quốc sẽ không ngủ quên trên chiến thắng với Y-20 và các mẫu máy bay khác mà sẽ tiếp tục nỗ lực chế tạo những mẫu tốt hơn.

"Bước đột phá không gian của ta vẫn phải cần 1 thứ từ Nga" - Người Trung Quốc thừa nhận sự thật phũ phàng- Ảnh 6.

An-124 có thể chuyên chở cả máy bay chở khách.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại