Bước chuyển vũ khí của Mỹ tại Biển Đông

Thùy Dung |

Trước sự khó lường của tình hình Biển Đông liên quan đến tranh chấp, Mỹ đã có bước chuyển vũ khí lớn từ theo dõi sang khả năng chiến đấu trực tiếp.

Động thái của Trung Quốc và Mỹ

Những động thái mới đây của cụm tàu sân bay Trung Quốc đang khiến tình hình Biển Đông thêm nóng. Hôm 23/12/2016, tàu sân bay Liêu Ninh của Hải quân Trung Quốc đã mang theo nhiều nhiều chiến đấu cơ và trực thăng tổ chức tập trận tại Hoàng Hải. Ngày 26/12 Liêu Ninh cùng với 5 tàu lớn hộ tống đã đi đến phía Bắc Biển Đông.

Chỉ đạo trực tiếp cuộc diễn tập này là chỉ huy trưởng hải quân Đô đốc Wu Shengli của Hải quân Trung Quốc. Trong nội dung diễn tập, những chiếc tiêm kích J-15 xuất phát từ tàu Liêu Ninh và phóng tên lửa trúng các mục tiêu đã định.

Hoạt động của tàu Liêu Ninh được thực hiện theo các quy định của quốc tế, phía Trung Quốc cho rằng: "Tàu Liêu Ninh thực hiện chuyến đi trong khuôn khổ tự do hàng hải được quốc tế quy định và Trung Quốc hi vọng các nước tôn trọng quyền này của Trung Quốc".

 Bước chuyển vũ khí của Mỹ tại Biển Đông  - Ảnh 1.

Khu trục hạm USS Lassen Mỹ tuần tra Biển Đông hồi cuối năm 2016

Tuy nhiên, hoạt động của tàu Liêu Ninh trên Biển Đông đã khiến nhiều quốc gia trong khu vực lo lắng, cảnh giác. Theo chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc hải quân Harry Harris cho biết Mỹ sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc tại Biển Đông.

Hãng tin Reuters dẫn lời đô đốc Harry Harris: "Mỹ không cho phép việc lãnh thổ chung bị đơn phương "kiểm soát" dù cho có bao nhiêu căn cứ được xây trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Khi có thể, Mỹ sẽ hợp tác nhưng cũng sẵn sàng đối đầu nếu ở tình thế bắt buộc".

Ông Harris nói thêm: "Cuộc chiến đầu tiên của Mỹ sau khi độc lập là để đảm bảo tự do hàng hải. Đây là mục tiêu lâu dài và là một trong những lý do khiến chúng tôi sẵn sàng chiến đấu".

Tuyên bố này của đô đốc Harris dự kiến sẽ khiến tình hình giữa Mỹ và Trung Quốc căng thẳng hơn sau khi tổng thống đắc cử Donald Trump điện đàm với lãnh đạo Đài Loan và xem xét lại chính sách "Một Trung Quốc".

Mỹ nhiều lần kêu gọi Trung Quốc tôn trọng phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế (PCA) bác bỏ cái gọi là đường chín đoạn của Trung Quốc thâu tóm Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn bỏ ngoài tai. Mỹ ước tính trong vòng ba năm qua, Trung Quốc đã xây thêm 1.300 ha đảo nhân tạo tại Biển Đông, xây dựng đường băng, nhà chứa máy bay, cảng...

Đáp lại, Mỹ đã thực hiện nhiều cuộc tuần tra theo phương châm tự do hàng hải tại khu vực này, lần gần nhất là vào tháng 10/2016. Hãng tin Reuters cho biết các cuộc tuần tra này đã làm Bắc Kinh tức giận nhiều lần đe dọa các cuộc tuần tra có thể kết thúc trong "thảm họa".

Bước chuyển vũ khí

Từ triển khai chiến hạm, tàu ngầm, tàu sân bay, và sắp tới là tiêm kích tàng hình F-35 cho các hoạt động ở Biển Đông, Mỹ tiếp tục hiện thực hóa năng lực chiến đấu của mình tại vùng biển này với kế hoạch triển khai pháo phòng không.

Tờ Scout.com đã dẫn phân tích của chuyên gia quân sự Kris Osborn cho rằng, Lầu Năm Góc nên triển khai thêm vũ khí đến gần Biển Đông nhằm đối phó Trung Quốc. Vị chuyên gia gợi ý, quân đội Mỹ có thể điều động lựu pháo tự hành M109 Paladin đến khu vực này và hoạt động như một vũ khí phòng không.

Ông giải thích thêm, Paladin bắn đạn pháo có điều khiển Excalibur có thể chuyển đổi từ tấn công mặt đất sang phòng không. Đạn Excalibur dẫn hướng bằng GPS với độ chính xác rất cao nên có thể tiêu diệt máy bay, đánh chặn tên lửa đối phương với chi phí thấp.

Ngoài ra, việc chuyển đổi này sẽ giúp tăng số lượng vũ khí phòng không mà không làm gia tăng kinh phí trong bối cảnh ngân sách quốc phòng Mỹ ngày càng eo hẹp.

Song song kế hoạch đưa pháo M109 Paladin, Mỹ có thể đồng thời triển khai lựu pháo hạng nhẹ cơ động cao là M777 đến Biển Đông. Một quan chức quân đội Mỹ cấp cao nói với National Interest: 

"Chúng tôi có thể sử dụng loại pháo pháo M777 Howitzer để đánh bật những mối đe doạ khi đối phương tìm cách tấn công từ trên không bằng các tên lửa đạn đạo và hoả tiễn".

Theo quan chức trên, pháo M777 Howitzer như biện pháp đối phó trực tiếp và cơ động trước các loại tên lửa. Quan chức này nói thêm: 

"Pháo M777 Howitzer có thể được triển khai cùng với sự hỗ trợ của các đồng minh trong khu vực. Đây là loại vũ khí có thể mang tới những cơ hội và lựa chọn mà chúng ta không có trước đây nhằm đối phó với các hệ thống tên lửa đặt trên mặt đất của đối phương".

Quan chức cấp cao của quân đội Mỹ trên cũng nói thêm: "Chính sách tái cân bằng ở châu Á không chỉ là về vấn đề quân sự mà còn cả về kinh tế. Quân đội Mỹ đang gặp nhiều thách thức ở Trung Đông rồi châu Âu cũng như các vấn đề mới nổi ở Bắc Phi. Do vậy, chúng tôi phải luân chuyển nhiều đơn vị tới các quốc gia khác nhau sao cho hợp lý".

Quân đội Mỹ đã triển 18.500 binh sĩ ở Hàn Quốc, 2.400 binh sĩ tại Nhật Bản, 2.000 binh sĩ ở Guam, 480 binh sĩ ở Philippines, 22.300 binh sĩ ở Hawaii và 13.500 binh sĩ ở Alaska. Và theo tuyên bố của Đô đốc Harry Harris, Lầu Năm Góc có đủ năng lực để chuyển lượng lớn quân và vũ khí hiện đại đến Biển Đông chỉ sau vai giờ nếu cần.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại