Việc Trường Giang nổi giận bỏ diễn vì bị một khán giả ném chai nước lên sân khấu đã khiến dư luận vô cùng bức xúc.
Đa số các ý kiến cho rằng đó là cách hành xử không đẹp của một nghệ sĩ, thiếu tôn trọng khán giả. Thậm chí, đích thân Hoài Linh đã phải thay mặt Trường Giang xin lỗi mọi người.
Clip Trường Giang bỏ diễn
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách thẳng thắn từ góc độ khác, Trường Giang không đáng trách, chỉ là khán giả Việt vẫn đang mơ hồ và áp đặt nhiều tư tưởng vào nghệ sĩ.
Nhìn từ nghệ sĩ nước ngoài
Ở nước ngoài, đặc biệt là với nền nghệ thuật - giải trí phát triển như Âu Mỹ, việc nghệ sĩ bộc lộ cá tính trực tiếp trên sân khấu là chuyện hết sức bình thường. Họ có thể nổi giận, bỏ về, thậm chí mắng lại khán giả.
Diva kì cựu Yma Sumac trong một buổi biểu diễn đã nhất quyết bỏ về khi vừa hát câu đầu tiên chỉ vì nhìn thấy một nữ khán giả đang cười mình. Bà còn nói to giữa sân khấu "Tôi không hát nữa, cô ta đang cười tôi" và mặc kệ sự can ngăn của MC, cứ thế bước xuống.
Diva Yma Sumac
Tương tự như Yma Sumac, huyền thoại nhạc Jazz Nina Simonè sẵn sàng chỉ tay, trừng mắt và quất lớn: "Ngồi xuống ngay" khi trông thấy một khán giả đang đứng lên giữa lúc bà đang hát câu đầu tiên.
Diva Barbra Streisand còn ghê gớm hơn khi mắng xối xả vào mặt một khán giả chỉ vì anh ta tỏ thái độ chế giễu câu chuyện của bà.
Dù đang trong show diễn riêng của chính Barbra, nhưng bà vẫn thẳng thừng: "Câm cái mồm lại đi và cút khỏi đây!".
Barbra Streisand
Đối diện trước những thái độ như vậy, khán giả nước ngoài vẫn tỏ ra bình thường. Họ vẫn tiếp tục thưởng thức màn trình diễn của nghệ sĩ như không có gì xảy ra. Và chẳng ai lên tiếng chỉ trích, phê phán về thái độ của người nghệ sĩ đó.
Khán giả vẫn yên lặng nghe Nina Simone hát khi bà tỏ thái độ quát nạt
Với khán giả nước ngoài, cái họ quan tâm là tài năng của nghệ sĩ và sản phẩm nghệ thuật anh ta đang trình diễn, chứ không phải thái độ ứng xử hay những chuyện ngoài lề.
Nghệ sĩ thì thường bốc đồng, càng giỏi cái tôi lại càng cao, càng dễ nóng giận, nhất là khi họ cảm thấy mình không được tôn trọng. Khán giả hiểu và thông cảm cho điều đó.
Nhìn lại khán giả Việt
Rõ ràng, hành động ném chai từ dưới lên là có ý xúc phạm tới Trường Giang, nhưng khán giả lại chỉ tập trung vào việc anh bỏ về để chỉ trích anh.
Nhiều người còn lôi các trường hợp của Đàm Vĩnh Hưng, Tuấn Hưng, Noo Phước Thịnh… ra để so sánh với Trường Giang mà quên rằng, mỗi nghệ sĩ là một cá tính khác nhau, không thể áp người nọ với người kia.
Thanh Lam và Tùng Dương cũng từng là một nạn nhân như Trường Giang khi bị chỉ trích về thái độ nóng giận trên sóng truyền hình. Họ nóng giận vì họ tài năng và cái tôi lớn.
Thanh Lam và Tùng Dương nóng giận trên sóng truyền hình
Văn hóa người Việt trọng sự "dĩ hòa vi quý", điều đó không có nghĩa ai cũng phải đi theo chuẩn mực cố định đó. Khán giả Việt nên làm quen với việc chấp nhận cá tính của nghệ sĩ, có như vậy nghệ sĩ mới được tự do sáng tạo, thể hiện cái tôi nghệ thuật. Nếu bó buộc trong chuẩn mực sẽ khiến nền giải trí bị rập khuôn.
Tuy nhiên, về phía nghệ sĩ cũng cần biết trau dồi tài năng của mình, phải làm sao để cái tài của anh khiến khán giả nể phục và chấp nhận được cá tính đi kèm nó. Tức là cái tài phải đi cùng với cái tôi. Đừng để cái tôi lấn át cái tài, khi tài năng chưa tới mà đã chảnh chọe.