img
Bức tranh toàn cảnh dân số của Việt Nam nói lên điều gì? - Ảnh 1.

Dự báo trong tháng 4/2023, Việt Nam sẽ đón công dân thứ 100 triệu, chính thức trở thành quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới. Giới chuyên gia nhận định, con số 100 triệu này vừa là cơ hội vừa là thách thức, đòi hỏi Chính phủ Việt Nam cùng các bộ ngành liên quan phải có những bước đi và chiến lược để tận dụng cơ hội phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế.

Bức tranh toàn cảnh dân số của Việt Nam nói lên điều gì? - Ảnh 2.

Việt Nam hiện nay đang ở vào cuối của quá trình quá độ dân số. Tức là, mức sinh đã giảm xuống mức khá thấp và mức chết dần tăng lên do tỷ lệ người già trong dân số tăng. Đây là quá trình mà dân số của mỗi quốc gia đều phải trải qua. Độ dài của thời gian diễn ra đối với mỗi quốc gia là khác nhau. Điều đó cũng mang tới cho dân số của mỗi quốc gia những đặc điểm riêng có.

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cụ thể với Việt Nam, đất nước sẽ bước vào danh sách quốc gia thứ 3 trong 11 quốc gia Đông Nam Á và thứ 15 trong 195 quốc gia Liên Hợp Quốc có quy mô dân số đạt 100 triệu người.

Bức tranh toàn cảnh dân số của Việt Nam nói lên điều gì? - Ảnh 3.

Sự biến đổi trong quy mô dân số Việt Nam ghi nhận rõ nét nhất qua hai giai đoạn. Theo dòng thời gian, từ đầu những năm 1950, quy mô dân số Việt Nam chỉ khoảng 25 triệu người. Đến những năm 1970, quy mô tăng lên 50 triệu người.

"Hiện nay, quy mô đạt 100 triệu người. Như vậy, mất 20 năm để dân số tăng lên gấp đôi, từ 25 triệu lên 50 triệu trong giai đoạn 1950-1970. Nhưng phải mất 50 năm để quy mô dân số tiếp tục tăng lên gấp đôi, từ 50 triệu lên 100 triệu trong giai đoạn từ sau những năm 1970 đến nay. Tốc độ tăng bình quân hàng năm khoảng 0,9%, tương đương hơn 900.000 người, trong khi giai đoạn 1999-2009, tốc độ tăng bình quân hàng năm là trên 1%" - Theo số liệu cụ thể của Tổng cục Thống kê.

Đáng chú ý trong bức tranh dân số Việt Nam là yếu tố dân số trong độ tuổi lao động tăng cao, đạt trên 60 triệu, chiếm hơn 60% tổng dân số, cung cấp nguồn vốn nhân lực dồi dào cho đất nước. Dân số trong độ tuổi lao động cũng được dự đoán tiếp tục tăng cho đến khi kết thúc giai đoạn cơ cấu dân số vàng và những năm 2030-2040.

Bức tranh toàn cảnh dân số của Việt Nam nói lên điều gì? - Ảnh 4.

Bên cạnh đó, xu hướng già hoá dân số cũng đang ngày càng rõ rệt. Cụ thể, tỷ lệ sinh đã giảm nhiều so với giai đoạn trước đó và đã đạt dưới mức sinh thay thế, với tổng tỷ suất sinh (TFR) giảm từ 3,80 con/phụ nữ vào năm 1989 xuống còn 2,09 con/phụ nữ vào năm 2019. Năm 2022, TFR giảm còn 2 con/phụ nữ. Cùng với mức sinh giảm, mô hình sinh của Việt Nam cũng chuyển từ mô hình sinh sớm sang mô hình sinh muộn tương tự mô hình sinh của các nước phát triển.

Trong giai đoạn 2009-2019, dân số cao tuổi tăng từ 7,45 triệu lên 11,41 triệu, tương ứng với tăng từ 8,68% lên 11,86% tổng dân số. Dân số cao tuổi tăng thêm chiếm gần 40% tổng dân số tăng thêm.

Bức tranh toàn cảnh dân số của Việt Nam nói lên điều gì? - Ảnh 5.

Theo kết quả Tổng điều tra dân số 2019, cả nước có hơn 6 triệu người di cư và đây là chỉ con số thống kê với những người có thời gian di cư dài và ổn định. Xu hướng di cư và cường độ di cư của người dân sẽ ngày càng tăng lên.

Luồng di cư chủ yếu của Việt Nam hiện nay là thành thị - thành thị. Tức là di chuyển của dân số giữa các khu vực thành thị là rất mạnh, chiếm gần 50% trong số các luồng di cư. Cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, số lượng người và loại hình di cư sẽ ngày càng tăng, đặc biệt đối với các loại hình di cư ngắn hạn.

GS.TS Hoàng Văn Cường, Đại học Kinh tế Quốc dân đánh giá, lịch sử đã nhiều lần chứng kiến tình trạng di dân, di cư, phá rừng, phát triển đô thị tự phát… do gia tăng dân số. Đặc biệt, sự tăng dân số này không kiểm soát tốt mà tạo ra các dòng di cư về đô thị, sẽ gây ra áp lực về hạ tầng và môi trường rất phức tạp.

"Con số 100 triệu dân thể hiện quy mô dân số khá lớn so với các quốc gia trên thế giới cho Việt Nam 2 tiềm năng lớn. Thứ nhất là dân số của Việt Nam vẫn đang tiếp tục gia tăng tự nhiên, chưa bị rơi vào nguy cơ như một số quốc gia là dân số giảm. Thứ hai dân số tăng cao sẽ tạo ra các thế hệ trẻ tương lai, cơ cấu tuổi trẻ gia tăng khiến nguồn lực lao động cho xã hội tiếp tục được bổ sung. Điều này giúp làm chậm quá trình bị già hóa dân số và kéo dài thời kỳ dân số vàng của đất nước", GS.TS Hoàng Văn Cường nói.

Bức tranh toàn cảnh dân số của Việt Nam nói lên điều gì? - Ảnh 6.

Theo các chuyên gia, việc mở rộng và đa dạng các hình thức di cư sẽ mang tới cho đất nước cũng như các vùng miền, địa phương những nguồn lực và lợi thế riêng để phát triển kinh tế - xã hội. Di cư sôi động cũng sẽ tạo ra sự tích tụ dân số với quy mô khác nhau tại mỗi vùng miền, địa phương. Chính vì vậy, nó cũng đặt ra những áp lực lớn lên cơ sở hạ tầng xã hội, tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên cũng như đưa tới các vấn đề xã hội cần giải quyết như vấn đề nghèo đói đô thị, chất lượng cuộc sống của người di cư… Và cùng với việc mở cửa, hội nhập của nền kinh tế thì vấn đề di cư quốc tế cũng sẽ trở thành vấn đề rất cần được quan tâm trong thời gian tới.

"Dân số gia tăng đặt áp lực lên các nguồn lực như đất đai, tài nguyên, môi trường ngày càng lớn và có thể dẫn đến nguy cơ quá tải áp lực dân số trên các nguồn lực. Nếu không kiểm soát tốt có thể khai thác quá mức giới hạn, gây hủy hoại tài nguyên, môi trường. Điều này đã từng xảy ra rất nhiều trong lịch sử", GS.TS Hoàng Văn Cường đánh giá thêm.

Bức tranh toàn cảnh dân số của Việt Nam nói lên điều gì? - Ảnh 7.

Quy mô dân số đạt 100 triệu người là một dấu mốc quan trọng, mang đến cho Việt Nam nhiều lợi thế nhưng cũng tiềm ẩn những thách thức. Quy mô dân số lớn đồng nghĩa với việc phải giải quyết số lượng lớn các nhu cầu phục vụ đời sống của người dân. Mỗi vùng miền, mỗi địa phương đều có quy mô và đặc điểm dân số khác nhau.

Nâng cao chất lượng dân số là thách thức rất lớn. Một trong những thước đo của chất lượng dân số là chỉ số phát triển con người (HDI), đây được cho là thước đo tổng hợp và toàn diện nhất để phản ánh vấn đề về chất lượng dân số của một quốc gia. Hiện nay, chỉ số phát triển con người của Việt Nam là 0,726, thuộc vào nhóm các nước có trình độ phát triển con người ở mức cao trên thế giới. Tuy nhiên, đạt được thành tựu này phần nhiều là nhờ việc nâng cao sức khỏe, tuổi thọ của người dân, vẫn còn khá khiêm tốn trong các lĩnh vực như giáo dục, kinh tế.

Trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế toàn cầu, tất cả các quốc gia đều coi nguồn nhân lực là công cụ quan trọng nhất để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, việc Việt Nam đón công dân thứ 100 triệu được coi là một dấu mốc giúp nâng cao vị thế của Việt Nam đối với bạn bè và đối tác quốc tế./.

Bức tranh toàn cảnh dân số của Việt Nam nói lên điều gì? - Ảnh 8.
Bức tranh toàn cảnh dân số của Việt Nam nói lên điều gì? - Ảnh 9.

Tác giả: Hoàng Lê, Vân Anh - Trình bày: Kiều Anh

Ảnh, Flycam: Đỗ Hưng