Từ một điểm đến du lịch “giá rẻ”, trong hơn một thập kỷ, Việt Nam đã bứt tốc trở thành điểm đến hấp dẫn trên thế giới với các công trình, sản phẩm du lịch chất lượng, đẳng cấp, khác biệt, ghi dấu ấn trên bản đồ du lịch hạng sang toàn cầu.

Từ nóc nhà Đông Dương ẩn hiện trong làn mây trắng với những lễ hội truyền thống được làm mới quy mô, khác biệt đến vùng di sản Vịnh Hạ Long cát trắng, nắng vàng và loạt công trình nghỉ dưỡng cao cấp. Từ Đà Nẵng - thành phố đáng đến, đáng sống nhất Việt Nam đến Phú Quốc – hòn đảo thiên đường của giải trí, nghỉ dưỡng và đầu tư. Đến nay, khi chia sẻ về những trải nghiệm sang trọng, những điểm đến mới nổi trên bản đồ Việt Nam, khách du lịch trong và ngoài nước không thể không nhắc đến những cái tên quen thuộc như Sa Pa, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Tây Ninh hay Đảo Ngọc Phú Quốc…

Mời quý độc giả nhấn chọn để trải nghiệm chi tiết 5 vùng đất đáng đến bậc nhất Việt Nam.
QUẦN ĐẢO
HOÀNG SA
QUẦN ĐẢO
TRƯỜNG SA

"Chưa bao giờ mình hết ám ảnh về cái nghèo 6 năm trước" – đó là những lời tâm sự thật lòng của anh Chảo Láo Ú - một chàng trai người Dao sinh năm 1992 hiện đang là đầu bếp tại khu du lịch Sun World Fansipan Legend (Sapa, Lào Cai).

Ú sinh ra trong gia đình thuần nông ở một bản vùng sâu của Lào Cai, cuộc sống vốn bữa đói bữa no thì mẹ lại mắc bệnh ung thư khiến gia đình càng thêm túng quẫn. Chàng trai người Dao cố lắm mới học hết lớp 9 rồi đi làm kiếm tiền nuôi cả nhà, không quản ngại khó khăn làm từ phụ hồ đến trông quán net… Nhưng cái nghèo vẫn chưa từng buông tha. Năm 18 tuổi, Ú lấy vợ nhưng vì quá nghèo nên vợ anh dù có bầu vẫn phải trèo đèo lội suối, lên nương làm việc. Gần ngày chuyển dạ, vợ Ú trong lúc làm nương bị rắn độc cắn, may mắn giữ được 2 mẹ con nhưng đôi tay từ đó biến dạng không thể làm nông.

Năm chàng trai người Dao 24 tuổi, cơ hội đổi đời đã thực sự tới khi có thông tin khu du lịch Sun World Fansipan Legend ưu tiên tuyển dụng người dân tộc thiểu số.

Cùng với nhiều thanh niên khác trong bản, anh Ú nộp đơn ứng tuyển ngay với niềm hi vọng lớn lao. May mắn, anh được tuyển vào làm phụ bếp. Chạy vạy làm đủ nghề suốt bao nhiêu năm, dù trong mơ Ú cũng chưa từng nghĩ có ngày mình sẽ có mức lương cao như vậy cùng một công việc ổn định ở một khu du lịch hàng đầu đất nước.

Mỗi ngày Ú dậy từ 3-4h sáng, chăm chỉ băng rừng hàng chục cây số trong cái lạnh thấu xương của núi rừng Fansipan để học việc. Ú tiến bộ rất nhanh, từ phụ bếp tiến lên thành bếp chính, không chỉ nấu ăn, anh còn học thêm cách tỉa rau, củ, quả, trang trí món ăn cho thật chuyên nghiệp.

Sau này, thương anh Ú mỗi ngày đi làm hàng chục cây số đường rừng vất vả, Sun Group đã tuyển dụng cả vợ anh vào làm việc rồi hỗ trợ ở khu nhà ở dành cho CBNV. Bây giờ, gia đình nhỏ của anh Ú đã có 4 người. Ngày ngày vợ chồng anh cùng nhau tới khu du lịch Sun World Fansipan Legend làm việc, tối đến lại hạnh phúc trở về khu nhà ở Sun Home bên các con.

Trong đại gia đình Sun Home ở Sapa, hàng xóm của Chảo Láo Ú, có nhiều cuộc đời cũng “sang trang” như vậy.

Với mọi người, Sun World Fansipan Legend là công trình thế kỉ, góp phần to lớn thúc đẩy du lịch Sa Pa (Lào Cai) đạt tới con số hàng triệu khách du lịch mỗi năm. Còn với những người dân vùng cao như anh Ú, anh Chủ, anh Tông,… đây chính là “công trình đổi đời”.

2. Tàu hỏa leo núi Mường Hoa

Tàu hỏa leo núi Mường Hoa là tuyến tàu hỏa leo núi dài và hiện đại nhất Việt Nam, nối liền trung tâm thị xã Sa Pa và ga đi cáp treo Fansipan. Ngồi trên tàu hoả leo núi Mường Hoa, bạn sẽ thu trọn toàn bộ khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ với núi đồi trập trùng, thung lũng Mường Hoa bảng lảng trong sương, những nếp nhà ẩn hiện trong khói chiều… , một trải nghiệm không thể bỏ qua khi tới Sa Pa.

3. Quần thể văn hóa kiến trúc tâm linh trên đỉnh Fansipan

Trải dài từ độ cao 2.900 m cho đến khu vực đỉnh Fansipan, quần thể tâm linh Fansipan gồm 12 công trình kiến trúc văn hoá mang dáng dấp của những ngôi chùa Việt cổ xưa từ thế kỷ 15, 16. Tất cả các công trình đều được kiến tạo kỳ công từ các vật liệu tự nhiên, nương theo thế núi.

Trong đó, đặc biệt nhất là Tượng Phật A Di Đà bằng đồng cao nhất Việt Nam (21,5m) nằm tại độ cao hơn 3000m, sừng sững, uy nghiêm giữa đất trời Tây Bắc, được đúc bởi hơn 50 tấn đồng theo công nghệ hiện đại với những đường nét trang trí mang tinh hoa của mỹ thuật thời Trần.

Nơi đây thường xuyên diễn ra các hoạt động Phật giáo ý nghĩa thu hút đông đảo du khách và tăng ni, Phật tử như đến nghe giảng về đạo hiếu, tìm hiểu nguồn gốc ngày Lễ Vu Lan…

Trước đây, khu Hòn Gai nhà anh không có bãi cát nào để tắm biển, chỉ có cái bờ kè gạch đá ngổn ngang với rác thải bồng bềnh, nếu có xuống tắm biển thì nguy hiểm luôn trực chờ. Năm 2021, dự án bãi tắm Hòn Gai trị giá 100 tỷ được khởi công và khai trương hoành tráng tháng 4 vừa qua với sức chứa hàng trăm nghìn người, đặc biệt là hoàn toàn miễn phí. Nối liền bãi tắm là con đường bao biển Trần Quốc Nghiễn 6 làn xe như cầu vồng uốn lượn theo vịnh Hạ Long.

Mỗi năm, Quảng Ninh lại có thêm công trình, địa điểm du lịch mới và hoành tráng. Nếu lúc trước việc mời bạn về Quảng Ninh du lịch khiến anh Trung ngại ngùng thì giờ đây lại là việc anh thích nhất. Anh muốn giới thiệu hết sức hấp dẫn mới của quê hương: đi cáp treo Nữ hoàng vượt biển hay ngồi trên vòng quay Sun Wheel để nhìn vịnh Hạ Long đẹp tuyệt vời từ trên cao; trải nghiệm công viên Sun World Ha Long đẳng cấp quốc tế với vô vàn trò chơi lý thú; hay tới Yoko Onsen Quang Hanh để thử một lần trải nghiệm đắm mình trong làn khoáng nóng như ở xứ sở hoa anh đào.

“Trên hành trình khám phá Việt Nam, bạn nhất định nên một lần đặt chân đến Vịnh Hạ Long. Vẻ đẹp ngoạn mục của nơi này và vô vàn trải nghiệm kỳ thú chắc chắn sẽ để lại dấu ấn không thể nào phai mờ trong ký ức của bất kì ai”, anh Trung tự hào.

Muốn mua trà sữa phải đi 20 cây số còn muốn mua quần áo đẹp thì phải đi cả một chuyến bay - Trần Thị Thu Hoà (An Thới, Phú Quốc) kể chuyện cách đây gần 10 năm.

Tuổi thơ của Hoà chỉ quanh quẩn ở gần khu chợ An Thới. Cách đường lớn một chút thôi là những con đường đất đỏ đầy ổ gà, ổ voi, nắng thì bụi mà mưa thì bùn bám đến mắt cá chân. Người dân xung quanh chỉ trồng dừa, trồng đào, đốt than và đánh cá.

Khó khăn như vậy nên từ nhỏ, bố mẹ luôn động viên cô học thật giỏi, thi đỗ đại học, lên thành phố Hồ Chí Minh để tìm cơ hội thoát nghèo. Nhưng khi cô tốt nghiệp đại học năm 2017, bố mẹ cô lại nằng nặc… bắt cô về.

“Con ít ở nhà nên không biết đấy thôi, Phú Quốc bây giờ khác lắm. Cáp treo, khách sạn, khu nghỉ dưỡng có cả, khách du lịch nườm nượp. Phú Quốc nhà mình sắp ngon rồi. Giỏi tiếng Anh như con, lo gì không có việc”.

Tuần nào bố mẹ Hoà cũng gọi 3-4 lần. Nhiều lúc Hoà ám ảnh đến mức tắt điện thoại đi. Nhưng 4 tháng sau, Hoà quyết định thay đổi, trở về Phú Quốc để sống trong bầu không khí bình yên hơn.

Ngày đầu tiên về quê, Hòa đã được cho đi thử cáp treo Hòn Thơm. Từ trên cao, lần đầu cô thấy biển quê mình đẹp đến thế. Những làn nước xanh như ngọc, cảng An Thới với những con tàu mang cờ đỏ phấp phới, và đặc biệt là một công viên nước đang dần thành hình trên đảo Hòn Thơm.

Nam đảo đang dần phát triển. Và trước làn sóng của khách du lịch, những dịch vụ vốn rất xa xỉ với người dân quê như hàng trà sữa, quần áo thiết kế, nhà hàng cũng được mở ngày một nhiều. Hoà đã có thể sống với những dịch vụ gần như TP. HCM mà lại thoáng đãng, nhẹ nhàng, vui vẻ hơn nhiều.

Không giống như Thu Hoà, Đỗ Thị Hải Ngân sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng. Mang khát vọng được làm việc cho một resort lớn, Ngân chuyển đến Phú Quốc làm việc tại một bãi biển biệt lập với thế giới bên ngoài. Mỗi tối, xe buýt chở các nhân viên đi 30 phút trong bóng tối mới ra đến khu dân cư. Chưa dừng lại ở đó, vài tháng sau, cô được bố trí ở lại ngay gần resort. Mạng không có, hàng quán không có, chỉ có tiếng ếch, tiếng dế, tiếng tắc kè vang suốt ngày đêm. Mỗi tối, con đường đất đỏ lại bụi mù. Nếu soi đèn xe máy, Ngân sẽ nhìn thấy cả một màn sương. Vốn là người năng động, Ngân dần sống khép mình vì chẳng có gì chơi. Nếu mượn được xe máy, Ngân cũng không dám ra ngoài buổi tối vì sợ ma.

Nhưng JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay Resort của Sun Group ra đời đã khiến Ngân như được sống với con người của mình. Cô gia nhập khu nghỉ dưỡng, hạnh phúc khi được làm ở một resort đẹp và đặc biệt là có rất nhiều hoạt động cho nhân viên. Ngân đã luyện tập để thi chạy bộ, đã tham dự Tết trung thu lớn nhất trong đời với 4.000 người dân Phú Quốc, đã có dịp dậy từ 5h sáng để đi… nhặt rác. Hàng trăm nhân viên vừa làm sạch môi trường, vừa nói cười rộn ràng. Và đó là những tháng ngày thật khó quên.

Phú Quốc từ nơi mà mỗi đứa trẻ lớn lên đều được dạy phải tìm cách ra đi để thoát nghèo đã trở thành nơi trở về, thành miền đất hứa. Lượng khách du lịch tăng từ 230.000 năm 2010 lên 5,1 triệu người năm 2019 đã khiến tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của nơi này tăng đến 36% mỗi năm. Số vốn đầu tư từ chỗ chỉ tính bằng triệu thì nay đã lên hơn 16 tỷ USD. Trong đó, Sun Group đóng góp hàng tỷ USD thông qua 50 dự án đẳng cấp.

“Ở lại hay về quê?”

Câu hỏi này cứ lởn vởn trong đầu Châu Tuấn (26 tuổi) suốt đêm. Mặt trời ló dạng, Tuấn khi ấy đang làm trưởng phòng ở một công ty quảng cáo tại Tp. Hồ Chí Minh, quyết định gấp quần áo, dọn hết đồ đạc và viết mail xin nghỉ việc. Trong thư, Tuấn bày tỏ mong muốn được quay về Tây Ninh, quê hương cậu. Sếp phản hồi: “Anh ủng hộ em”.

Tuấn kể, núi Bà Đen gắn liền với kí ức tuổi thơ cậu. Mỗi khoảnh khắc trong ngày, núi Bà như được khoác lên mình chiếc áo khác nhau. Sáng sớm, chòm mây hồng lững thững trôi ngang, để màn sương sà xuống triền núi. Hoàng hôn, anh sẽ đứng thật lâu để nhìn thấy từng ánh dương vàng vọt tắt dần. Tây Ninh quê Tuấn đẹp như một bức tranh.

“Dịch Covid-19 làm thay đổi khá nhiều suy nghĩ của tôi. Trong thời gian giãn cách xã hội, một mình giữa thành phố tôi nhớ nhiều về quê hương mình. Tôi nhận ra quê mình có đầy ắp những cơ hội phát triển, nhưng chưa được đầu tư một cách bài bản. Vì thế, khi nghe quê mình được đầu tư mở rộng về du lịch, có hệ thống cáp treo mất 8 phút để đi từ chân đến đỉnh núi, tôi đã quyết định trở về. Tôi chỉ có một mong muốn duy nhất, được góp sức mình cho quê hương”, Tuấn kể.

Giờ đây Tuấn đã là một thành viên của khu du lịch Sun World Ba Den Mountain. Tuấn có thể tự hào kể với khách du lịch về quê hương mình, có Toà thánh Tây Ninh – thánh địa lớn nhất của đạo Cao Đài, có chùa Bà linh thiêng gần 300 năm tuổi, có tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn đạt kỷ lục châu Á trên đỉnh núi Bà Đen, tượng trưng cho trí tuệ, đức hạnh và lòng từ bi. Vào tháng Lễ hội Xuân, lễ vía bà Linh Sơn Thánh Mẫu hay rằm Trung Thu, dòng người lại nô nức đổ về.

Cũng giống như Tuấn, chị Nguyễn Thị Hương (28 tuổi) cũng là một người trẻ trở về quê hương. “Những đứa con xa xứ trở về Tây Ninh luôn mang trong mình tình yêu lạ kì. Tôi yêu dòng chảy văn hoá, yêu món ăn dân dã, yêu phong cảnh hữu tình của quê mình. Kỉ niệm theo tôi suốt thời thơ bé là những lần đi núi Bà với ngoại. Nhiều năm trôi qua, chân ngoại tôi cũng không còn khoẻ để thực hiện điều đó nữa”.

Tết năm 2020, chị Hương về quê nghỉ lễ và vào làm thời vụ tại Sun World Ba Den Mountain. Ở bộ phận chăm sóc khách hàng, chị chứng kiến niềm vui và bất ngờ của người dân, du khách khi nhìn Tây Ninh đổi khác.

Sau cùng, Hương quyết định về Tây Ninh bỏ lại tấm bằng thạc sĩ còn dang dở, công việc tại một công ty tổ chức sự kiện lớn. “Lúc biết tôi về quê làm việc, bố mẹ vui mừng lắm. Thời điểm đó, tôi thấy mình “liều”, nhưng tôi chưa bao giờ hối hận về quyết định của mình. Trước đây, những người trẻ như tôi rất khó tìm được việc làm tại quê nhà. Tp. HCM vốn là vùng đất hấp dẫn, cơ hội việc làm rộng mở cùng mức lương tốt. Nhưng, đối với tôi, có niềm hạnh phúc mang tên “về quê” để cống hiến”, Hương nói.

Theo ước tính, khu du lịch Sun World Ba Den Mountain, nơi Tuấn và Hương đang làm việc đã thu hút hàng triệu khách du lịch trong vòng 2 năm, mở ra nhiều cơ hội để du lịch Tây Ninh cất cánh.

Dịp lễ 2/9, anh Tuyền (ngụ TP.HCM), cũng là người con của đất Tây Ninh, đưa vợ con, bố mẹ vợ về lại quê nhà. Chính anh cũng ngạc nhiên trước sự thay da đổi thịt của vùng đất mà mình sinh ra và lớn lên.

Chị Quý (vợ anh) vốn là dân leo núi. Cảm giác đứng trên đỉnh cao chon von, nhìn xuống những đập nước hay quả đồi xanh rì vốn là niềm hạnh phúc của chị. Bố mẹ chị Quý đã gần 70 tuổi, chỉ có thể “cảm nhận” vẻ đẹp núi non qua lời kể của con gái. Đôi chân đi lâu lại tê, mỏi không cho phép ông bà leo núi. Nhờ có tuyến cáp treo mới, anh chị đã đưa được bố mẹ lên đỉnh Bà Đen. Ngắm nhìn vẻ đẹp trên cao, ông bà vô cùng thích thú.

“Tách tách..”, chiếc máy ảnh của gia đình ghi lại khoảnh khắc cả nhà cười tươi, bên “suối hoa” rực rỡ.

“Chỉ có thể nói là tuyệt vời, không đến Đà Nẵng du lịch là thiệt thòi lớn”, bác Nguyễn Thanh Hiệp (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) thốt lên khi ngồi trên cáp treo từ đỉnh Bà Nà về lại chân núi.

Bác Hiệp nhớ lại lần đầu đến Đà Nẵng cách đây gần 20 năm. Đường phố nhỏ hẹp, bụi bẩn, sông Hàn nhếch nhác, bãi biển đầy rác. Thành phố gói gọn trong 1 khu vực nhỏ thuộc quận Hải Châu với một vài toà nhà cao chừng chưa đến 10 tầng.

“Đà Nẵng bây giờ to, rộng, đẹp, sạch sẽ. Đi thuyền trên sông Hàn ngắm 2 bên bờ chẳng khác gì đi giữa châu Âu. Mấy điểm du lịch như Bà Nà Hills, công viên châu Á - Asia Park…thì đẹp miễn chê. Đây, cái tuyến cáp treo đưa khách lên đỉnh Bà Nà này phải nói là quá vĩ đại. Tôi từng thấy nó trên tivi nhưng leo lên để nó đưa đi mới thấy quá tuyệt vời”, bác Hiệp nói.

Đi cùng đoàn khách với bác Hiệp, chị Như Trang (du khách Hà Nội) cho hay sau 5 năm mới có dịp quay trở lại Đà Nẵng. Đặc biệt, chị Trang dù đến Đà Nẵng ít hay nhiều ngày thì đều dành thời gian tham quan Bà Nà Hills.

“Đà Nẵng luôn thay đổi, luôn mới mà ai cũng muốn đến và Bà Nà Hills cũng luôn có bất ngờ mới cho du khách khám phá”, chị Trang chia sẻ.

Đoàn khách của chị Trang, bác Hiệp theo dòng người bước xuống cabin kết thúc chuyến tham quan miền tiên cảnh Bà Nà với nụ cười rạng rỡ. Tại đây, anh Trần Thanh Lợi - nhân viên làm việc tại Sun World Bà Nà Hills cũng đang nở nụ cười thân thiện, vẫy tay chào từ biệt từng khách hàng.

Tranh thủ trò chuyện khi vãn khách, anh Trần Thanh Lợi (SN 1984, trú xã Hoà Ninh, huyện Hoà Vang, Đà Nẵng) kể, anh là người gắn bó với Sun World Ba Na Hills lâu nhất tại bộ phận hướng dẫn. Năm 2006, anh Lợi tốt nghiệp Đại học và được nhận về làm tại Ban quản lý rừng đặc dụng Bà Nà. Đến năm 2009, Sun Group hoàn thành tuyến cáp treo đưa du khách lên đỉnh núi Chúa và có nhu cầu tuyển người, anh Lợi tham gia ứng tuyển.

“Đó là một quyết định mạo hiểm thời điểm đó nhưng lại chính xác vô cùng. Tôi mạo hiểm rời bỏ công việc ở Ban quản lý để thi vào Sun Group vì thấy họ có cách làm quyết liệt, mới, mạnh mẽ phù hợp với tuổi trẻ của mình. 13 năm làm việc tại đây, tôi được đào tạo trong một môi trường làm việc cực kỳ chuyên nghiệp nhưng cũng rất ấm áp”, anh Lợi nói.