Họa sĩ Bruno Amadio (1911-1981) là người gốc Scotland sống tại Tây Ban Nha. Những tác phẩm nổi tiếng nhất của Bruno là loạt 28 bức tranh chủ đề trẻ em khóc, được đặt tên là The Crying Boy (Cậu bé khóc). Dù gương mặt có thể khác nhau nhưng những bức tranh này đều thể hiện hình ảnh các cậu bé đang khóc với ánh mắt u buồn, trông như đang oán giận. Loạt ảnh này được đánh giá cao bởi đại chúng và được sao chép hàng loạt phiên bản.
Đồn đại về bức tranh bị trúng "lời nguyền"
Một ngày năm 1985, vào lúc nửa đêm, một vụ hỏa hoạn kinh hoàng đã xảy ra tại Yorkshire, nước Anh khiến một căn biệt thự lớn bị thiêu rụi toàn bộ. Mọi thứ trong ngôi nhà đều cháy đen, chỉ trừ duy nhất một bức tranh, chính là bức Cậu bé khóc.
Sau khi tin tức về vụ cháy được đăng tải lên báo, rất nhiều người dân đã sững sờ vì họ cũng đã gặp phải trường hợp tương tự như vậy: gặp hỏa hoạn cháy nhà, mọi thứ đều thành than nhưng những bức tranh thuộc chủ đề Cậu bé khóc thì vẫn cứ nguyên vẹn một cách kỳ lạ.
Hàng chục nhân chứng đã trả lời phỏng vấn báo chí và khẳng định mình cũng không rõ tại sao lại như vậy. Sự trùng hợp này bắt đầu khiến mọi người sợ hãi và đồn đoán. Tại sao những ngôi nhà treo tranh Cậu bé khóc đều cháy, và tại sao bức tranh này không bắt lửa?
Một số phiên bản nổi tiếng của Cậu bé khóc
Những vụ cháy liên tiếp xảy ra khiến tin đồn bức tranh bị ma ám càng lan rộng khắp nước Anh
Vì những bức tranh Cậu bé khóc khá nổi tiếng và được người Anh mua về treo trong nhà số lượng lớn nên lời đồn này đã làm bùng lên một cơn hoảng loạn lớn toàn quốc. Trong khoảng vài ngày sau khi báo chí đưa tin, 2500 người đã đem tranh Cậu bé khóc ở nhà mình đi tiêu hủy và cơ quan cứu hỏa nhà nước còn tổ chức những buổi đốt tranh tập thể để giám sát an toàn.
Thế nhưng con số này vẫn là quá ít với số lượng phiên bản tranh đã được sản xuất và bán ra thị trường. Về sau, một số vụ hỏa hoạn vẫn xảy ra và những bức tranh Cậu bé khóc vẫn hoàn toàn không bị "thần lửa" hỏi thăm. Sự việc rùng rợn này khiến tiếng tăm của nó càng trở nên nổi tiếng, thậm chí số tranh bán ra còn tăng lên theo thời gian.
Sự tích về Cậu bé khóc
Giữa lúc những lời đồn đang được lan truyền mạnh mẽ, nguồn gốc của bức tranh được đăng tải còn khiến dư luận sợ hãi hơn nữa.
Nguyên mẫu của Cậu bé khóc là một cậu bé ăn xin người Tây Ban Nha tên Don Bonillo. Cậu bé mồ côi cha mẹ và sống ngoài đường vì họ đều đã chết trong một đám cháy. Không có người họ hàng nào muốn nhận nuôi Don vì họ cho rằng cậu bị "nguyền rủa", mang vận xui, đi đến đâu sẽ có hỏa hoạn ở đó.
Về sau, họa sĩ Bruno Amadio đã tình cờ gặp Don và đôi mắt u buồn ám ảnh của bé trai đã giúp ông có cảm hứng tạo nên tuyệt tác. Khi hoàn thành xong bản đầu tiên của tranh, Bruno Amadio đã treo nó trong studio của mình. Thế nhưng không bao lâu sau, studio của ông bốc cháy. Nhiều năm về sau, trong một vụ cháy ở Tây Ban Nha, người ta tìm được một thi thể bị cháy đen không ai đến nhận xác. Manh mối duy nhất để xác định người này là một tấm bằng lái xe mang tên Don Bonillo chưa cháy hết.
Câu chuyện về Don Bonillo - nguyên mẫu của tranh càng khiến người ta thêm rùng mình
Sự thật "ngã ngửa"
Lời đồn về Cậu bé khóc lan rộng đến nỗi truyền thông Anh sau đó phải lên tiếng đính chính, trấn an người dân rằng những vụ cháy chỉ là trùng hợp hi hữu. Nhưng tất nhiên không phải ai cũng tin tưởng được lời giải thích đơn giản này.
Để giải mã bí ẩn đằng sau Cậu bé khóc, một số nhà báo đã đem bức tranh đi hỏi các chuyên gia nghiên cứu. Các nhà khoa học đã thử đốt Cậu bé khóc, và kết quả khiến họ cũng giật mình kinh ngạc. Bức tranh thực sự không bắt lửa, dù dùng phương pháp gì để đốt đi chăng nữa. Chỉ có viền khung tranh là cháy, còn bức tranh vẫn nguyên vẹn.
Thế nhưng khi đi sâu vào nghiên cứu, các nhà khoa học đã dễ dàng hiểu ra nguyên nhân. Lý do khiến Cậu bé khóc "bất tử" vô cùng đơn giản: trên tranh được phủ một lớp vecni chống cháy, chất liệu in tranh còn là bìa cứng nên càng kỵ lửa. Nhà bán tranh chưa bao giờ công bố thông tin này nên mọi người không hề hay biết.
Sự thật về khả năng "siêu nhiên" của bức tranh đơn giản đến không ngờ
Để củng cố thêm lòng tin của người dân, lãnh đạo thành phố Yorkshire đương thời là Mick Riley còn thực hiện một cuộc điều tra diện rộng về những đám cháy bị cho là do tranh Cậu bé khóc "ám".
Ông tuyên bố rằng thực chất, việc Cậu bé khóc xuất hiện nhiều đến vậy chỉ là do ngẫu nhiên và không phải bí ẩn gì sâu xa cả. Lúc bấy giờ bức tranh rất nổi tiếng, được in liên tục rất nhiều. Hầu hết gần nửa gia đình người Anh trong thời gian đó đều sở hữu một bức Cậu bé khóc nên xác suất xuất hiện của nó phải cao là đương nhiên. Những lời đồn đậm màu sắc huyền bí được tạo nên do hiểu nhầm, tâm lý hoảng sợ của người dân và sự phóng đại của báo chí mà thôi.