Có thể nhiều người chưa biết, nhưng một trong những loài chim thông minh nhất thế giới chính là quạ. Chúng thậm chí có thể bắt chước tiếng người, và có trí tuệ vượt trội so với một số loài chim nổi tiếng lanh lợi như khướu, vẹt két...
Và mới đây, các nhà tự nhiên học tại Úc đã tìm ra thêm một bằng chứng nữa cho thấy loài quạ thực sự rất thông minh. Tất cả là vì chúng thể hiện được một kỹ năng sinh tồn chưa từng được trông thấy tại bất kỳ sinh vật nào tại Úc.
Trước tiên, cần biết rằng giới chuyên gia Úc đã phải tốn hàng thập kỷ để ngăn chặn sự lây lan của một loài sinh vật xâm thực nguy hiểm - cóc mía (cane toad). Chúng phát triển rất nhanh, ăn tạp, ăn nhiều, lại mang độc tố mạnh, khiến chẳng có sinh vật nào có thể động đến chúng.
Cóc là loài động vật nguy hiểm tại Úc
Vốn là sinh vật bản địa của Mỹ, cóc mía được đưa đến Queensland vào năm 1935 nhằm kiểm soát các loài sâu bệnh gây hại cho vườn mía của nông dân. Nhưng rồi kế hoạch phản tác dụng, có mía sinh sôi quá nhanh, từ 3.000 con thuở ban đầu nay đã lên tới 1,5 tỉ, trải rộng khắp miền Đông Bắc Úc.
Do có độc tố (bufotoxin, tiết ra từ tuyến da sau lưng), chúng không có thiên địch ngoài tự nhiên. Dù có một số loài vật đã tiến hóa để xử lý cóc mía, nhưng bufotoxin hiện tại vẫn là chất chết người đối với hầu hết các loài vật tại Úc, kể cả cá sấu. Thậm chí chó hay mèo nhà tiếp xúc với cóc mía cũng có thể bị tổn thương.
Nhằm bảo vệ các loài vật hoang dã, giới bảo tồn thiên nhiên Úc đã phải "huấn luyện" chúng. Họ sử dụng những miếng xúc xích chứa hàm lượng nhỏ thịt cóc, rồi rải chúng ở những nơi cóc mía chưa xâm phạm. Các loài vật khi ăn phải sẽ bị ngộ độc tạm thời, và học được rằng chúng không nên đụng đến loài cóc "ác ôn" này.
Nhưng loài quạ đã khiến tất cả phải ngạc nhiên. Chúng chẳng cần đến con người
Steve Wilson - nhiếp ảnh gia người Úc mới đây đã tung ra bộ hình cho thấy loài quạ thông minh như thế nào. Cụ thể, bức hình tả cảnh một con quạ tại Brisbane (Úc) tìm cách xử lý và xơi gọn một con cóc mía mà không bị nhiễm độc.
Bức hình cho thấy loài quạ thực sự quá thông minh
"Chúng chỉ tóm chân tay lũ cóc, hoặc tóm vào phần xương đầu phía trên mắt, nhằm tránh phải chạm vào cơ thể cóc." - Wilson viết trong bản báo cáo.
"Quạ đã học được cách lật ngửa lũ cóc ra, và đó không phải là tình cờ, vì chúng lập lại hành vi đó nếu con cóc may mắn lật lại được. Chúng biết phần nào ăn được - đùi, lưỡi, ruột - và tránh chạm vào những phần nguy hiểm hơn."
Trên thực tế, đã từng có báo cáo cho rằng quạ đã thành thục giải pháp xử lý cóc từ năm 2007, nhưng không đưa ra được bằng chứng xác thực.
Có một điểm thú vị được Wilson chia sẻ, đó là trong khi chú quạ thông minh dành tới 40 phút để xử lý con cóc một cách thật cẩn thận, thì có một đàn quạ đang... hóng xung quanh.
Theo Wilson, đây là cách để truyền thụ kinh nghiệm. Quạ vốn nổi tiếng với khả năng học hỏi từ các cá thể cùng loài.
Điều này giải thích vì sao những con quạ sống cách Brisbane tới cả ngàn cây số cũng biết cách xử lý loài cóc tai quái này.
Nguồn: National Geographic, IFL Science