Bức ảnh khiến dân mạng tranh cãi nảy lửa: Nếu dắt con đến nhà ai chơi mà thấy cảnh này, tôi sẽ rất xấu hổ!

Thanh Hương |

"Hình ảnh đó rõ ràng đang chỉ ra nhà tôi dạy con thất bại đến cỡ nào!", một cư dân mạng bình luận.

Mới đây, một cư dân mạng Trung Quốc đã chia sẻ lên mạng xã hội một câu chuyện kèm bức ảnh gây tranh cãi dữ dội. Người này cho hay: "Tối nay nhà họ hàng tới nhà tôi chơi và ăn cơm, đám trẻ nhà chị ấy còn rất nhỏ, lần trước dù tôi đã khoá cửa nhưng vẫn không cản được chúng xông vào phòng nghịch ngợm đồ đạc.

Bởi vì cửa phòng con gái tôi bị hỏng, chìa khoá cũng mất rồi, chỉ có thể khoá trái. Con gái tôi cũng không ở nhà, thế nên tôi bế luôn giá giày ra chặn, thế này có lẽ đám trẻ không vào được đâu nhỉ".

Dưới bức ảnh, rất nhiều người đã để lại bình luận. Nhiều ý kiến cho rằng, với sự nghịch ngợm của trẻ con thì dù có kệ giày chặn cửa thì cũng không tác dụng gì.

"Không khéo đám trẻ còn lôi cả giày ra nghịch ấy chứ"; "Vô ích thôi, bạn cứ chuẩn bị tinh thần là cửa phòng sẽ bị mở đi, rồi đám giày ngoài cửa cũng lộn xộn cả lên cho mà xem",... - là một số bình luận của cư dân mạng.

Bức ảnh khiến dân mạng tranh cãi nảy lửa: Nếu dắt con đến nhà ai chơi mà thấy cảnh này, tôi sẽ rất xấu hổ!- Ảnh 1.

Bức ảnh gây tranh cãi

Bên cạnh đó, nhiều cư dân mạng cũng tỏ ra bức xúc trước sự quậy phá quá mức của nhiều đứa trẻ. Một cư dân mạng đã làm mẹ đặt câu hỏi: "Tại sao bạn lại phải chặn cửa? Người họ hàng của bạn không biết dạy con hay sao? Đừng nói trẻ con không biết gì, nếu trẻ con không biết thì người lớn phải dạy. Còn nếu không biết dạy thì làm ơn giữ con mình ở nhà, đừng kéo đến nhà người khác phá phách".

Người này cho biết thêm, bản thân chị cũng có con nhỏ 5 tuổi, đứa trẻ chưa bao giờ dám tự ý động vào đồ đạc của người khác. Nếu con có hành động nghịch ngợm, chị sẽ lập tức phê bình nghiêm khắc, để con biết đấy là sai, thậm chí còn dùng cả mẹo "lấy độc trị độc".

"Có lần, tôi tự ý ăn hết kẹo của con. Lúc con khóc, tôi hỏi: "Mẹ đã tự ý lấy đồ của con, con rất khó chịu đúng không? Đó cũng là cảm giác của người khác khi con lấy đồ của họ". Từ sau lần đó, con "chừa" hẳn", bà mẹ này nói.

Một cư dân mạng khác cũng đồng tình và cho biết: "Nếu dắt con đến nhà ai chơi mà thấy cảnh này, tôi sẽ xấu hổ vô cùng! Vì sao ư, hình ảnh đó rõ ràng đang chỉ ra nhà tôi dạy con thất bại đến cỡ nào! Đến con mình còn không bảo được, lại còn gây phiền toái cho người khác. Trẻ dù bé đến mấy thì cũng hiểu được cái trừng mắt của cha mẹ. Đừng có bao biện "trẻ nhỏ", chẳng qua là do chính các bạn dung túng con mà thôi!".

Làm thế nào để dạy trẻ không động vào đồ của người khác?

Thực tế, nếu trẻ còn quá nhỏ, việc cha mẹ cố gắng giải thích và giảng giải về ranh giới giữa người với người, cũng như việc không được tự ý chạm vào đồ của người khác, có thể chưa hiệu quả. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là cha mẹ nên từ bỏ. Dưới đây là cách từ từ sửa chữa và hướng dẫn trẻ. Khi trẻ lớn hơn một chút, hành vi này sẽ được cải thiện:

1. Nhắc nhở bằng lời nói và ngăn cản hành vi

Nếu trẻ lục lọi đồ của người khác, cha mẹ cần chú ý nhắc nhở trẻ, ví dụ: "Đây là đồ của người khác, không được chạm vào bừa bãi". Nếu trẻ không phản ứng, có thể là do trẻ chưa hiểu hoặc không muốn tuân theo, cha mẹ cần kiên quyết ngăn chặn và nói rõ với trẻ rằng: "Không được".

Dù trẻ chưa hiểu lý do, trong những tình huống tương tự, trẻ sẽ dần học được cách điều chỉnh hành vi của mình.

2. Củng cố ý thức về quyền sở hữu cho trẻ

Khi trẻ được khoảng 2-3 tuổi, đã biết đi và chạy vững, ý thức về quyền sở hữu bắt đầu hình thành. Nếu trẻ có thói quen lục lọi đồ của người khác, cha mẹ nên nhân cơ hội này để dạy trẻ về "ý thức quyền sở hữu", chẳng hạn:

Giải thích cho trẻ rằng đồ của con thì không nên tùy tiện cho người khác chạm vào. Đồng thời, nhấn mạnh rằng con cũng không được tự ý chạm vào đồ của người khác.

Khi trẻ hiểu cách bảo vệ đồ đạc của mình và tôn trọng tài sản của người khác, trẻ sẽ học cách kiềm chế hành vi và không còn lục lọi đồ của người khác.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại