Đối với sinh viên Trung Quốc, thư viện là "thánh địa" của việc học. Sinh viên thường truyền tai nhau rằng, cứ bước chân vào thư viện là "ngửi" thấy "mùi" đặc biệt - "mùi" của sự nỗ lực không ngừng nghỉ.
Mới đây, bức ảnh chụp bóng lưng của sinh viên trường Đại học Sư phạm Quý Châu (Trung Quốc) vào năm 2018 bỗng hot trở lại. Theo đó, dù mới sáng sớm, nhưng các bạn sinh viên này đã xếp hàng trước thư viện để "xí" được chỗ vào đây học tập.
Thật ra, nhiều sinh viên cho rằng ký túc xá ồn ào, khó tập trung học nên họ thường tìm đến thư viện. Nơi đây vừa không chỉ có không gian yên tĩnh, thoáng mát vào mùa đông, ấm áp vào mùa hè, mà còn có wifi, máy tính miễn phí để phục vụ nhu cầu học tập. Quan trọng hơn, không hiểu vì lý do gì mà khi học tại thư viên luôn có một nguồn động lực học tập rất mãnh liệt. Nên dù có "khốc liệt" đến mấy, các bạn sinh viên cũng cố gắng "xí" một chỗ học tập tại thư viện trường bằng được.
Ở một diễn biến khác, khi nhìn thức ảnh này, không ít netizen bày tỏ sự ngưỡng mộ trước nỗ lực học tập của các bạn sinh viên của trường. Thậm chí nhiều người nhận xét, chỉ nhìn bóng lưng cũng có thể dự đoán được tương lai của một người thế nào. Cúi đầu hôm nay để ngẩng đầu về sau, hôm nay chỉ cần cặm cụi học bài một chút, tương lai của bạn cũng sẽ thay đổi một chút, tươi sáng và đầy triển vọng hơn.
Đặc biệt là trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay. Vào năm 2023, Trung Quốc lần đầu tiên công bố số liệu về tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong độ tuổi 16-24. Từ mức 11,2% tháng 1/2018, tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ đất nước tỷ dân này trong tháng 4/2023 đã đạt mức kỷ lục 20,4%. Có nghĩa là cứ 5 người trẻ lại có 1 người không có việc.
Theo Citigroup, xu hướng thất nghiệp của giới trẻ dự báo sẽ chưa giảm, thậm chí tỷ lệ này có thể tăng lên mức 25%. Trong bối cảnh thị trường lao động Trung Quốc chuẩn bị đón con số kỷ lục 11,6 triệu tân cử nhân.
Để cạnh tranh được với những "đối thủ" khác và tìm kiếm được công việc ổn định sau khi ra trường, sinh viên Trung Quốc càng phải nỗ lực hơn nữa để có thể phát triển bản thân, đáp ứng những yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Tuy nhiên, điều này vô hình trung đã gây áp lực không nhỏ cho các bạn sinh viên. Từ lâu, điểm số đã trở thành "ngoại tệ mạnh" - tức thứ tài sản có giá trị cao đối với sinh viên đại học Trung Quốc. Chính sự cạnh tranh gay gắt để giành được những điểm số này có thể khiến một số sinh viên mắc kẹt trong vòng xoáy căng thẳng và áp lực không cần thiết. Vậy nên, một số trường đại học hàng đầu châu Á như Thanh Hoa, Bắc Kinh, Phúc Đán... đã thí điểm bỏ bảng điểm và sử dụng phương pháp đánh giá theo cấp bậc A - F để giảm thiểu căng thẳng cho sinh viên.
Theo hệ thống mới, kết quả học tập của sinh viên được tính theo thang điểm 5 cấp độ từ A đến F thay cho thang điểm 100. Sinh viên đạt trên 85 điểm sẽ nhận điểm A trong khi dưới 60 điểm quy thành điểm F. Theo nhiều sinh viên, cách tính điểm mới này giúp các bạn không còn phải lo "hơn thua" về điểm số với bạn bè chỉ vì 1-2 điểm.