Ảnh: TASS
Tại Diễn đàn Nghị viện BRICS lần thứ X tại St. Petersburg (Nga) vào ngày 11/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, những thành viên của nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS có thể thành lập nghị viện riêng trong tương lai. Theo ông Putin, số lượng các quốc gia tham gia vào BRICS đã tăng lên trong năm nay. Với tư cách là chủ tịch hiện tại của BRICS, Nga sẽ tăng cường nỗ lực hơn nhằm đảo bảo rằng các thành viên mới của nhóm được hội nhập hiệu quả, sau khi gia nhập vào đầu năm nay.
Tổng thống Putin cho biết: "BRICS không có cơ cấu nghị viện được thể chế hóa riêng. Tuy nhiên, tôi tin rằng, ý tưởng này chắc chắn sẽ thành hiện thực trong tương lai".
Theo Tổng thống Putin, bằng cách cùng nhau hành động, BRICS sẽ có thể phát huy được tiềm năng trong việc hợp tác kinh tế, đầu tư, công nghệ. Người đứng đầu nước Nga nhấn mạnh rằng, những sự kiện như Diễn đàn Nghị viện BRICS không chỉ là tăng cường ảnh hưởng của nhóm đối với những vấn đề toàn cầu mà còn giúp là cho thế giới trở nên an toàn và hài hòa hơn.
Những ưu tiên của BRICS bao gồm đạt được những thay đổi tích cực trong nền kinh tế thế giới, thông qua việc phát triển những công cụ tài chính đáng tin cậy nhằm giải quyết những khoản thanh toán trong nhóm.
Trước đó, vào tháng 6, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov tuyên bố rằng, các Bộ trưởng Tài chính BRICS đang tiến hành xem xét về khả năng ra mắt một hệ thống thanh toán tài chính chung dựa trên blockchain. Hệ thống này có thể được sử dụng để thay cho hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT của phương Tây.
Trên thực tế, kể từ khi bị loại khỏi SWIFT do bị trừng phạt vì chiến dịch quân sự ở Ukraine, Nga đã tăng cường thực hiện giao dịch với các quốc gia BRICS bằng cách dùng tiền tệ nội địa. Xu hướng này đang ngày càng được những thành viên của nhóm ủng hộ.
Theo đó, các quốc gia trong BRICS nhanh chóng giảm sử dụng đồng USD và đồng Euro trong những thanh toán thương mại. Cụ thể, tỷ trọng tiền tệ quốc gia trong những khoản thành toán của Nga với các thành viên của BRICS từ 26% (hai năm trước đó) đã tăng lên tới 85% vào cuối năm 2023.
BRICS được thành lập vào năm 2009, với các thành viên ban đầu là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Nhóm được thành lập với mục tiêu thúc đẩy hợp tác về kinh tế, chính trị và văn hóa giữa các thành viên. Đến nay, số lượng thành viên của BRICS đã tăng lên 10.
Đồng tiền chung BRICS có thể làm "lung lay" vị trí của đồng USD
Theo tạp chí Foreign Policy, khác với những đồng tiền khác trong quá khứ, đồng tiền chung của BRICS hoàn toàn có khả năng làm "lung lay" vị trí của đồng USD trong các hoạt động thương mại quốc tế. Bởi lẽ, với việc xuất siêu lên tới hàng trăm tỷ USD, bản thân các quốc gia BRICS đã có thể đáp ứng gần như toàn bộ nhu cầu về nhập khẩu hàng hóa của nhau.
Hơn nữa, BRICS là tập hợp của nhiều quốc gia từ khắp nơi trên thế giới. Chính sự đa dạng về vị trí địa lý này khiến cho danh mục về xuất khẩu hàng hóa của các quốc gia thành viên của BRICS trở nên rất đa dạng, đồng thời bổ sung tốt cho nhau. Đây cũng chính là sự tương phản lớn với những đồng tiền chung trước đó.
Thế nhưng, thực tế cho thấy việc tạo ra một đồng tiền chung lại không hề đơn giản. Bởi tương tự như đồng Euro, đồng tiền chung của BRICS cần có một ngân hàng trung ương đa quốc gia. Việc thành lập ngân hàng quy mô lớn dạng này lại rất phức tạp và tốn thời gian. Tuy nhiên, điều này cũng không phải là việc bất khả thi.
Theo các chuyên gia, nếu thành công, đồng tiền chung của BRICS hoàn toàn có thể thay đổi được cục diện thương mại quốc tế khi biến trật tự về tiền tệ toàn cầu từ đơn cực thành đa cực. Đây sẽ là một bước nhảy vọt trong tiến trình phi đô la hóa.
Diễn đàn Nghị viện BRICS lần thứ X tại thành phố St. Petersburg, Nga, diễn ra trong 2 ngày (11-12/7), với sự tham gia của 400 đại diện đến từ 16 quốc gia. Diễn đàn được tổ chức tạo cơ hội trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm những cách thức hợp tác mới giữa các nghị viện của các quốc gia BRICS.
Tham dự Diễn đàn này có nghị sĩ của các quốc gia BRICS, đại diện của các quốc gia và những tổ chức quốc tế khác. Một trong những mục tiêu trọng tâm của Diễn đàn Nghị viện BRICS lần thứ X là thúc đẩy sự hợp tác kinh tế của các nước thành viên.
Trong 2 ngày làm việc, các đại biểu tham dự tập trung bàn thảo về các vấn đề cấp bách của hợp tác nghị viện quốc tế, bao gồm: Vai trò của nghị viện trong việc củng cố hệ thống quan hệ quốc tế đa phương; Những giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ chế nghị viện; Hỗ trợ lập pháp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia BRICS; Vai trò của nghị viện trong việc thúc đẩy phát triển bền vững; Hợp tác nhân đạo và văn hóa giữa các quốc gia BRICS.
Các phát biểu tại phiên khai mạc đều khẳng định rằng, BRICS hiện đang đóng một vai trò quan trọng trong thể chế chính trị và kinh tế thế giới. Các nước BRICS chiếm 1/3 diện tích toàn cầu và hiện chiếm 45% dân số thế giới. Về mặt kinh tế, quy mô của BRICS cũng đã rất lớn với sản lượng dầu hiện chiếm 80% của thế giới và GDP chiếm hơn 32%.
Bài tham khảo nguồn: TASS, Anadolu Ajansi, Foreign Policy