Thực tế chính phủ Anh đang đứng trước một thách thức pháp lý lớn để có thể biến kết quả trưng cầu Brexit thành sự thật, vì chỉ kết quả trưng cầu dân ý thôi thì không đủ mà còn phải có một đạo luật chấp nhận của Quốc hội, hãng tin AFP (Pháp) dẫn nhận định của nhiều luật sư tại Công ty luật Mishcon de Reya.
“Kết quả trưng cầu dân ý dĩ nhiên không có gì phải bàn cãi nhưng theo luật thì cần có một cuộc tranh luận rồi bỏ phiếu trong Quốc hội để thông qua một đạo luật cho phép chính phủ Anh tuyên bố kích hoạt điều khoản 50 trong Hiệp ước Lisbon, bắt đầu quá trình thương lượng rời EU”, AFP dẫn lời luật sư Kasra Nouroozi tại Công ty Mishcon de Reya.
Theo luật sư Nouroozi, bản thân kết quả trưng cầu dân ý không có giá trị pháp lý, cả đương kim Thủ tướng David Cameron hay thủ tướng tương lai đều không có quyền kích hoạt thương lượng rời EU nếu không được sự đồng ý của Quốc hội.
AFP dẫn lời một người phát ngôn Văn phòng Nội các Anh cho biết hiện chính phủ Anh đang xem xét, sắp xếp các chi tiết cụ thể, đồng thời khẳng định “Quốc hội rõ ràng có vai trò đảm bảo tìm ra con đường đi tốt nhất cho đất nước.”
Một khi điều khoản 50 Hiệp ước Lisbon được kích hoạt, Anh sẽ có tối đa hai năm để thương lượng rời EU.
Tuy nhiên, với tình hình phần lớn nghị sĩ Anh phản đối Brexit như hiện nay thì đây quả là một thách thức rất lớn và phức tạp để Anh bắt đầu tiến trình Brexit.
Mishcon de Reya là một trong những công ty luật lớn nhất của Anh, cho biết hiện đang có một nhóm khách hàng đang nhờ Công ty Mishcon de Reya hỗ trợ pháp lý để kiện chính phủ Anh nếu chính phủ kích hoạt thương lượng Brexit mà không thông qua Quốc hội.
Công ty Mishcon de Reya không nói cụ thể khách hàng này là những ai, thuộc thành phần nào, tuy nhiên theo tạp chí The Lawyer thì nhóm khách hàng này là “một nhóm thương nhân”.