Vụ kiện biển Đông: Quan điểm bất nhất của Trung Quốc

Hải Võ |

Giới học giả và truyền thông Trung Quốc đang đẩy mạnh tuyên truyền để phủ nhận tính hợp pháp của phán quyết sắp được Tòa trọng tài thường trực (PCA) đưa ra về vụ kiện biển Đông.

Trung Quốc tuyên bố "không chấp nhận, không thừa nhận, không chấp hành" phán quyết vụ kiện với Philippines tại PCA, sẽ được công bố vào ngày 12/7 tới.

Trước đó, hôm 29/6, đại diện Bộ ngoại giao Mỹ đã khẳng định nước này ủng hộ giải quyết tranh chấp trên biển một cách hòa bình, bao gồm áp dụng các cơ chế luật pháp quốc tế.

Tố Mỹ "lũng đoạn", học giả Trung Quốc phủ nhận thẩm quyền của PCA

Trả lời phỏng vấn Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc (CRI), Phó viện trưởng Viện quan hệ quốc tế, Đại học nhân dân Trung Quốc, giáo sư Kim Xán Vinh nói rằng nếu Mỹ đối đầu với Trung Quốc ở biển Đông, Bắc Kinh sẽ là "kẻ thắng cuộc sau cùng".

CRI cho rằng Mỹ đang lợi dụng Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 để tạo ra cuộc chiến pháp lý với Trung Quốc nhằm đạt 4 mục đích: Xây dựng liên minh chống Trung Quốc; xác định các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông là phi pháp; bảo đảm vị thế của Mỹ trong vấn đề biển Đông; định nghĩa lại trật tự quốc tế ở biển Đông.

Theo đài này, luật quốc tế chỉ là một trong số các biện pháp đấu tranh quốc tế và "không phải mọi luật pháp đều bình đẳng", đồng thời ngụy biện rằng nước này "không tâm phục khẩu phục khi bị áp đặt giải quyết vấn đề chủ quyền lãnh thổ bằng luật pháp không công bằng".

Ông Kim Xán Vinh bình luận, việc Trung Quốc "quyết kiềm chế hành động pháp lý vượt quyền" chính là "thể hiện sự tôn trọng đối với luật quốc tế".

Để củng cố cho quan điểm của Bắc Kinh nhằm phủ nhận phán quyết vụ kiện biển Đông của PCA, ông Kim "quay mũi giáo" đổ vấn đề cho Mỹ.

Ông này lập luận: "Hệ thống quốc tế mà chúng ta sống trong đó từ sau Thế chiến II, bao gồm hệ thống luật pháp quốc tế, chính là do Mỹ thiết lập nên. Mỹ đặc biệt giỏi trong việc pháp lý hóa một vấn đề chính trị."

Học giả người Trung Quốc cáo buộc Mỹ dùng "quyền lực lũng đoạn" để tham gia chế định các điều luật quốc tế và tuyên bố "các nước nhỏ không làm được gì, nhưng 'đụng' Trung Quốc thì chúng tôi tất nhiên là không chấp nhận".

Bằng lập luận này, ông Kim đòi hỏi quốc tế thừa nhận "sự tôn trọng luật quốc tế của Trung Quốc", nhưng phải chấp nhận Trung Quốc "lý giải và chấp hành luật quốc tế"... theo cách của riêng mình.

Vụ kiện biển Đông: Quan điểm bất nhất của Trung Quốc - Ảnh 1.

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hôm 30/6 tiếp tục tuyên bố nước này không thừa nhận, không tham dự và không chấp hành phán quyết của PCA. (Ảnh: BNGTQ)

Mâu thuẫn trong chính lập trường của Trung Quốc

Không khó để "bẻ gãy" luận điểm trên của học giả Trung Quốc khi chính giới phân tích và các cơ quan thông tấn lớn của Trung Quốc như Nhân dân Nhật báo, Thời báo Hoàn Cầu, Tân Hoa Xã... đã quyết liệt phủ nhận vai trò của Mỹ trong việc thúc đẩy thực hiện các quy định của UNCLOS với lý do Quốc hội Mỹ chưa chính thức phê duyệt công ước quốc tế này.

Mặt khác, chính phủ Trung Quốc lại khẳng định sẵn sàng giải quyết các tranh chấp trên biển với các bên dựa trên cơ sở quy định của UNCLOS.

Như thế, mệnh đề "Mỹ áp đặt quyền lực lên luật pháp quốc tế" mà Trung Quốc rêu rao khó thành lập. Ngược lại, Bắc Kinh đã tạo ấn tượng tiêu cực đối với dư luận thế giới về nước lớn tuân thủ luật quốc tế một cách "tùy ý", "chọn lọc", làm suy giảm lòng tin của các nước đối với chính phủ nước này.

Trung Quốc là một phần của UNCLOS, và tòa PCA cũng vậy. Theo quy định của UNCLOS, mọi nước thành viên phải tuân thủ phán quyết cuối cùng của tòa trọng tài.

Trong vấn đề vụ kiện biển Đông ở PCA, Trung Quốc dường như "cố tình" quên một thực tế rằng đây là một tòa trọng tài quốc tế ra đời sau Công ước Hội nghị The Hague thứ Nhất (1899) và được Trung Quốc thừa nhận.

Chính quyền Trung Quốc khi đó, cùng với Mỹ, Anh, Pháp, Nga... cũng đứng đầu nhóm ủng hộ tòa trọng tài có tính chất ràng buộc quốc tế về mặt pháp lý.

Ngay cả khi chính phủ Trung Quốc hiện nay tìm cách phủ nhận quyền tài phán của PCA đối với vụ kiện biển Đông, họ cũng không thể làm điều đó mà không thông qua một hội nghị quốc tế với sự đồng thuận của 118 thành viên còn lại.

Phó trợ lý phụ trách an ninh và an toàn biển, Bộ Điều phối Các vấn đề hàng hải Indonesia, ông Basilio Araujo khẳng định tất cả các quốc gia đều bình đẳng trên bình diện luật pháp quốc tế và chỉ chính PCA mới đủ tư cách xác định thẩm quyền thụ lý một vụ kiện quốc tế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại