Không có thông cáo báo chí, vì ekip bận... cãi nhau
Nỗ lực của ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump bị đánh giá là đang yếu đi vì đấu đá nội bộ, thiếu một ekip có thể thực hiện những công việc cơ bản, không phối hợp chặt chẽ với các đồng minh và thông điệp đưa ra thường gắn với những ý nghĩ nhất thời của tỷ phú.
"Bạn có thể thuê những người giỏi nhất thế giới. Nhưng rốt cuộc để làm gì? Trump chỉ làm những gì ông ta muốn", một nguồn tin thân cận với ekip tranh cử của tỷ phú chia sẻ.
Trả lời phỏng vấn của NBC, một số nhân vật kỳ cựu trong đội ngũ trợ lí của Trump cho biết, họ rất ngạc nhiên vì chiến dịch tranh cử của tỷ phú Trump không thực hiện được những nhiệm vụ cơ bản.
Trump không có đội ngũ truyền thông để làm việc với hàng trăm hãng thông tấn đưa tin về cuộc tranh cử, không có người phụ trách phản ứng nhanh để kịp thời đáp lại các cuộc tấn công của đối thủ và tung cú phản đòn. Nhóm đại diện ít ỏi của ông cũng không có một thông điệp gắn kết.
"Họ không muốn hoặc không thể bao quát toàn bộ chiến dịch tranh cử. Có những việc cần được xử lý ngay nhưng họ lại không giải quyết. Chính điều này làm ảnh hưởng tới Trump".
Theo New York Times, Jim Murphy, một chuyên gia cấp cao mới vừa xuất hiện trong chiến dịch tranh cử. Nhiều trợ lý truyền thông khác cũng sẽ được ông Trump tuyển thêm.
Tuy nhiên, bấy nhiêu vẫn còn thua xa so với đội ngũ phụ tá của bà Clinton, với hàng chục chuyên viên truyền thông cấp cao, cùng nhiều đội thu thập và phân tích dữ liệu – lĩnh vực ông Trump công khai tuyên bố là không tin tưởng nên không thuê người.
Nhờ đội ngũ tranh cử, các hoạt động của bà Clinton đều được truyền thông theo sát.
Sự việc càng trở nên khó khăn hơn khi các thành viên chóp bu trong nhóm thân cận của ông Trump mâu thuẫn kịch liệt.
Xung đột lên đến đỉnh điểm ở bang California vài tuần trước: Paul Manafort, cố vấn cấp cao của Trump tập hợp các xác nhận ủng hộ từ đại biểu địa phương trước khi tỷ phú tới vận động tranh cử. Nhưng tin này sau đó không hề xuất hiện trên truyền thông. Lý do là vì nhóm trợ lý của Trump, dù đã tranh cãi kịch liệt, vần không thể thống nhất với nhau về nội dung thông cáo báo chí.
Sự vô tổ chức đang ngày càng rõ khi Trump đối mặt với một giai đoạn khó khăn: Một cuộc chiến liên quan đến khoản tiền mà tỷ phú này hứa hẹn quyên góp cho các cựu chiến binh, những cáo buộc lừa đảo mới chống lại Đại học Trump và cuộc tấn công mạnh của Hillary Clinton về việc Trump có xứng làm Tổng thống Mỹ hay không.
Trong mỗi vụ việc, Trump cuối cùng đều phải lên tiếng thông qua chính các trang mạng xã hội của mình hoặc qua các cuộc trả lời phỏng vấn với báo chí, với sự ủng hộ ít ỏi từ nhóm tranh cử và Đảng của ông.
Công cụ tranh cử hữu dụng nhất: Chỉ có Twitter
Bài phát biểu được truyền thông đưa tin rộng rãi về chính sách đối ngoại của Hillary đã cho thấy nhiều điều. Trong bài phát biểu này, bà Clinton đã tấn công phẩm chất và mức độ thích hợp của ông Trump với vị trí Tổng thống.
Để đối phó, Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa (RNC) công bố một bản tóm lược nghiên cứu, một thông cáo báo chí, và một tuyên bố của Chủ tịch Ủy ban, Reince Priebus trước khi bà Clinton phát biểu.
Phe bảo thủ đã háo hức mong chờ ekip của ông Trump tung cú phản đòn sau đó bằng cách đặt câu hỏi về thành tựu đối ngoại của bà Clinton trong vấn đề Syria, Libya và Iran khi bà làm Ngoại trưởng. Thế nhưng, cuối cùng, tất cả những gì mà ông Trump làm chỉ là đăng một dòng Tweet chế giễu việc bà Clinton sử dụng máy nhắc chữ khi phát biểu.
Cánh phóng viên sau đó vẫn cố chờ đợi ekip tranh cử của Trump hoặc RNC đưa ra một tuyên bố đầy đủ hơn nhằm phản bác bài phát biểu của bà Clinton. Nhưng điều đó không bao giờ xảy ra.
Sự im lặng này đã khiến những người ủng hộ ông Trump, trong đó, không ít người vốn đã mất phương hướng vì lập trường thay đổi luôn xoành xoạch của ông, càng không biết đằng nào mà lần.
Đội ngũ của bà Clinton đã tận dụng khoảng trống này, tiếp tục ra đòn bằng cách "chiếm chỗ" truyền thông với những phát biểu của các chuyên gia như cựu Ngoại trưởng Madeleine Albright.
Điều khiến chiến lược gia Cộng hòa Ryan Williams, người từng là phó thư ký báo chí quốc gia trong chiến dịch tranh cử năm 2012 của ông Mitt Romney, thấy lạ là ông Trump dường như ý thức rõ vấn đề về nhân sự của mình dù không thể xác định được nguyên nhân.
Có lần, trước một buổi diễn thuyết, ông Trump đã đăng trên Twitter: "Các anh có thấy là CNN đưa quá ít về các chính sách của tôi không. Nhìn xem, chẳng ai biết gì về chính sách đối ngoại của tôi cả".
Williams nhận định, nếu trong một chiến dịch tranh cử thông thường, trợ lý của Trump lẽ ra phải nhận thấy và giải quyết vấn đề này từ lâu, trước khi ứng cử viên của họ phải tự kêu ca trên mạng xã hội.
Việc đảm bảo những người ủng hộ luôn hiểu và đồng tình với ứng cử viên có vai trò đặc biệt quan trọng trong trường hợp Trump, vì quan điểm của ông rất hay thay đổi.
Trump chối rằng mình từng nói nước Mỹ sẽ có lợi nếu để Nhật Bản có vũ khí hạt nhân, dù ông từng khăng khăng như vậy.
Trump cũng đã quay ngoắt 360 độ khi nói về chiến dịch lật đổ nhà lãnh đạo Libya Gadhafi. Ông tuyên bố ủng hộ một cuộc tấn công "đại phẫu" nhằm lật đổ ông Gadhafi, trong khi trước đó ông từng cho rằng nên để yên cho Gadhafi, còn trước đó nữa thì lại kêu gọi hất cẳng ông này.
Williams giải thích: "Họ tạo ra cấu trúc mà ở đó không có ai thực sự được phép nói thay ứng cử viên, ngoại trừ chính ông ta".
Buổi sáng sau khi bà Clinton phát biểu về đối ngoại, tỷ phú Trump đã đăng trên Twitter rằng, đối thủ của ông "đã làm những điều mà ông từng nói hay nghĩ nhưng không có cơ sở trên thực tế".
Đây cũng là việc mà đáng lẽ một trợ lý phải làm, chứ không phải chính Trump. Trong các chiến dịch tranh cử Tổng thống, ứng viên thường có một nhóm hỗ trợ đặc biệt để theo sát mọi phát ngôn của đối phương, chộp lấy bất kỳ sơ hở nào để tấn công hay phản đòn.
Nhóm của Trump chưa bao giờ đưa ra được lập luận nào để thách thức sự chính xác trong các phát ngôn của bà Clinton. Trong khi đó ứng viên Dân chủ luôn đáp trả đối thủ bằng một loạt những trích dẫn được chuẩn bị kỹ lưỡng đối với từng câu mà bà nói trong bài phát biểu của mình.
Những cơ hội bị bỏ lỡ
Một đội ngũ tranh cử đủ năng lực và nhân sự không những có thể bảo vệ ứng viên mà còn có khả năng tấn công ngược lại đối thủ. Về điểm này, rõ ràng ekip của ông Trump đã bỏ lỡ quá nhiều cơ hội.
Thất bại dễ thấy nhất là ông Trump đã không thể hướng sự chú ý vào việc bà Clinton sử dụng thư điện tử cá nhân để trao đổi công việc khi còn làm Ngoại trưởng, trong khi đó là một vụ bê bối lớn.
Ông chỉ đề cập sơ qua vụ này trong bài phát biểu đúng ngày báo cáo thanh tra được công bố, nhưng lại gây sự chú ý bằng các cuộc tấn công mới nhằm vào ông Romney, gọi ông này là "kẻ bóp cổ", và nhằm vào đối thủ Jeb Bush trong cuộc bầu cử nội bộ đảng.
Sáng hôm sau, tỷ phú tiếp tục tấn công Thượng nghị sĩ Dân chủ Elizabeth Werren và tạo ra một câu chuyện khác. Điều này chỉ càng khiến dư luận không chú ý vào vụ thư điện tử của bà Clinton.
Cuộc biểu tình bạo lực phản đối Trump ở San Jose là một ví dụ khác. Thay vì viết về sự kiện này, Trump lại lên Twitter để nói về kế hoạch thăm khu nghỉ dưỡng sân golf sắp khai trương ở Scotland.
Biểu tình phản đối Donald Trump tại California.
Các cuộc biểu tình lẽ ra đã là một cơ hội lý tưởng để gây quỹ tranh cử từ những người ủng hộ vốn e sợ bạo lực, nhưng ông Trump, người tự bỏ tiền túi ra tranh cử trong giai đoạn bầu cử sơ bộ, vẫn đang khởi động chiến dịch thu hút tài trợ nhỏ lẻ của mình.
Lis Smith (người phụ trách phản ứng nhanh trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Obama) và Williams đã nêu ra một số ví dụ cho thấy, một cuộc vận động phải có sự phối hợp của rất nhiều cố vấn và người ủng hộ, nhằm tập hợp những vụ việc có thể hủy hoại đối thủ.
Ví dụ, đội ngũ tranh cử của Romney rêu rao câu nói của ông Obama "You didn't build that" (tạm dịch: Bạn không làm nên điều đó) khắp nơi bằng cách tổ chức sự kiện với những người ủng hộ trong cộng đồng doanh nhân tại các bang còn do dự trên khắp cả nước. Họ dùng câu nói này để cáo buộc ông Obama xúc phạm giới doanh nhân.
William cho biết: "Những việc như vậy đòi hỏi đội ngũ tranh cử phải xác định được đối tượng, đưa báo giới tới tham dự sự kiện và đưa tin cho mình".
Về phần mình, Smith nhắc lại cách mà ekip tranh cử của ông Obama đáp trả cáo buộc của đối thủ Romney về việc Jeep chuyển xưởng sản xuất ôtô từ bang Ohio sang Trung Quốc và biến cáo buộc này vũ khí trong cuộc vận động của họ.
Các chuyên viên xác minh thông tin đã chỉ trích Romney rất gay gắt về cáo buộc này, và khiến sự việc liên tục "nóng" trên mặt báo bằng các tuyên bố liên tiếp, các cuộc điện đàm cũng như những sự kiện với sự góp mặt của những nhân vật đại diện uy tín như Phó Tổng thống Joe Biden hay Cựu Tổng thống Bill Clinton.
Đây là những điều mà nhóm của Trump chưa bao giờ làm được.