Lập “bến” riêng cho tài xế dùng tiền lẻ
Sáng 29/11, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Phú Hiệp – Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư QL1 tỉnh Tiền Giang – đơn vị quản lí BOT Cai Lậy (Tiền Giang) cho biết, trước khi trạm trở lại hoạt động, tất cả mọi thứ được nhà đầu tư đã tính toán và lên phương án.
Cụ thể, về công tác chuẩn bị khi trạm thu phí hoạt động trở lại và phương án khi tài xế trả tiền lẻ, ông Hiệp nói: “Chúng tôi vừa bố trí thêm hai chòi ở hai đầu BOT, có gắn biển báo “Giải đáp thắc mắc và thu tiền mệnh giá thấp” nếu tài xế cố tình sử dụng tiền lẻ.
Tôi sẽ bố trí một số nhân viên ở đây để thu tiền lẻ tránh ùn tắc giao thông. Đến thời điểm này mọi thứ cơ bản đã ổn định”, ông Hiệp nói.
Theo ông Hiệp, ngày 30/11 khi trạm hoạt động trở lại, đơn vị quản lí BOT Cai Lậy sẽ huy động tất cả cán bộ, nhân viên thu phí khoảng 100 người chia làm 3 ca để túc trực.
Ngoài ra, còn thuê thêm 15 nhân viên bảo vệ đứng ở mỗi quầy nhằm hỗ trợ các nhân viên thu phí.
Theo ghi nhận của PV, hướng từ tỉnh Vĩnh Long đi Tiền Giang cách trạm thu phí BOT Cai Lậy khoảng 150m, nhà đầu tư đã đặt trạm thu phí phụ.
Tương tự hướng ngược lại từ tỉnh Tiền Giang về Vĩnh Long cũng đặt một trạm phụ cùng khoảng cách trên nhằm mục đích thu tiền lẻ.
Tại trạm, có treo bảng in dòng chữ “Địa điểm thu tiền mệnh giá nhỏ và giải đáp ý kiến của người điều khiển phương tiện”.
Trên tuyến đường QL1, một vạch sơn màu xanh lá dài hơn 200m vừa mới được vẽ. Ông Hiệp cho biết, vạch kẻ màu xanh này là làn đường dành cho thu phí tự động, xe qua đây không phải sử dụng tiền mặt mà sử dụng thẻ để quét.
Sắp tới nhà đầu tư sẽ đưa vào hoạt động, trước mắt mỗi chiều một làn.
Đối diện với trạm thu phí Cai Lậy 50m là ngôi nhà với diện tích khoảng 30m2 được nhà đầu tư thuê nhằm để phục vụ báo chí.
Trước đó một ngày, ngôi nhà này được treo tấm bảng “khu làm việc của báo chí, đài truyền hình khi đến tác nghiệp tại trạm BOT Cai Lậy”. Tuy nhiên, sáng nay tấm bảng này đã biến mất.
“Tôi bố trí khu vực cho các anh em báo chí tiện tác nghiệp, nơi đây có chỗ làm việc và có wifi, có người trực để cung cấp thông tin.
Chứ không có việc chúng tôi ngăn cản, bắt buộc nhà báo tác nghiệp phải xin phép, đó là thông tin không chính xác” – ông Hiệp nói.
Tài xế tiếp tục phản đối
Anh Huỳnh Bửu Long - người dân kinh doanh vận tải ở huyện Cai Lậy nói: “Chúng tôi không đồng thuận với mức giá cho dù đã giảm như hiện tại. Bởi vì trạm Cai Lậy đặt trên tuyến QL1 là quá phi lý, người dân không có quyền lựa chọn, nói sử dụng dịch vụ mà không được lựa chọn thì làm sao gọi bằng từ dịch vụ được”.
Anh Long cho biết thêm, trước thông tin nhà đầu tư cho đặt hai trạm thu phí phụ cách đó không xa để thu tiền lẻ, anh cho rằng đó là phân loại khách hàng và hoàn toàn không đồng ý.
Anh Trịnh Hoàng Hải (DN kinh doanh vận tải Ngọc Lan – TP Cần Thơ) cũng yêu cầu nên di dời trạm Cai Lậy vào tuyến đường tránh.
“Đã sai mà không biết khắc phục thì người dân và doanh nghiệp tụi tôi không hài lòng. Ví dụ: doanh nghiệp làm sai thì nhà nước phạt, bắt phải dẹp.
Còn khi đó, BOT làm sai mà vẫn tồn tại. Không có ai đứng ra giải quyết triệt để thì làm sao yên lòng dân được”, anh Hải bức xúc nói.
Cũng theo anh Hải, mỗi ngày doanh nghiệp của anh có hơn chục chiếc xe container qua trạm BOT Cai Lậy.
Với mức giá 140 ngàn đồng/chiếc như hiện nay thì doanh nghiệp của anh tốn một khoản tiền khá lớn, trong khi đó hằng năm anh đã đóng phí đường bộ.
Trao đổi với Tiền Phong, Đại tá Trương Văn Sáng – Trưởng công an huyện Cai Lậy thông tin: "Thực hiện ý kiến của lãnh đạo công an tỉnh Tiền Giang, sáng mai chúng tôi sẽ cử lực lượng xuống tại trạm Cai Lậy để bảo vệ an ninh trật tự, an toàn giao thông nhằm tránh xảy ra ùn tắc".