Khẩn trương điều tra làm rõ hành vi vi phạm pháp luật hình sự
Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình vừa có ý kiến chỉ đạo xử lý phản ánh của báo chí nêu về việc "tráo máy Nhật bằng máy Trung Quốc phát cho dân nghèo" tại xã La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận.
Xét báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận về kết quả xử lý phản ánh của báo Pháp luật Online về việc "tráo máy Nhật bằng máy Trung Quốc phát cho dân nghèo" tại xã La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc, Phó Thủ tướng giao Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận tiếp tục chỉ đạo cơ quan điều tra khẩn trương điều tra làm rõ hành vi vi phạm pháp luật hình sự.
Từ đó xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân có vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, thông báo kết quả trên các phương tiện truyền thông.
Trước đó, theo thông tin trên báo Pháp luật TP.HCM, UBND xã La Dạ và đại diện UBND huyện Hàm Thuận Bắc, cùng ông Hồ Minh Thắng (chủ cơ sở nông cụ Minh Thắng, thôn 2, xã Đồng Kho - người cung cấp nông cụ) đã phát 360 nông cụ được cho 360 hộ nghèo của xã La Dạ.
Việc cấp phát diễn ra đầu năm 2017, theo Quyết định 755 của Chính phủ.
Thế nhưng, khi nhận máy, người dân phát hiện "hầu hết các nông cụ đã nhận đều là vỏ của hãng Honda nhưng ruột là của Trung Quốc, thậm chí có nhiều máy cũ và mang nhãn hiệu rất lạ".
Ngoài ra, 6 hộ dân ở thôn 4, xã La Dạ được nhận máy bơm nước, bên ngoài ghi hiệu Honda của Nhật nhưng tháo lớp giấy trên lốc máy ra thì lại là hàng của Trung Quốc.
Sự việc khiến người dân rất bức xúc, yêu cầu nhà chức trách làm rõ việc đánh tráo nông cụ, "ăn bớt tiền của dân nghèo".
Ông Huỳnh Trọng Nghĩa (Giám đốc dịch vụ khách hàng - Công ty TNHH Honda Việt Nam) khẳng định trên VTV: "Lột cái tem có thương hiệu Honda ra, nếu bên trong có bất kỳ một cái tem với một cái thương hiệu nào khác hoặc thậm chí là cái tem trắng thì tôi khẳng định với anh, đó chắc chắn 100% không phải là hàng Honda chính hãng".
Báo Thanh niên thông tin, về giá trị, ngân sách phải trả cho một máy hiệu của Nhật là 5 triệu đồng, nhưng máy dân nghèo nhận được có giá bán trên thị trường chỉ hơn 2 triệu đồng/ 1 máy.
Ảnh: Báo Bình Thuận
Một lãnh đạo tỉnh Bình Thuận chia sẻ trên báo Thanh niên, sự việc tráo máy nông cụ của dân nghèo tạo hình ảnh xấu và tác động tiêu cực đến chính sách phát triển vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh này.
Có dấu hiệu của việc gian dối đánh tráo hàng hóa để thu lợi bất chính
Theo thông tin trên báo Bình Thuận online hồi tháng 3/2017, công an đã vào cuộc điều tra và cho hay, đơn vị cung ứng cung cấp máy móc không đúng theo hợp đồng và có biểu hiện gian dối. Chủ cơ sở đã thừa nhận hàng cấp phát cho dân nghèo là hàng Trung Quốc.
Đó là hàng loại 2 và không đúng với giá 5 triệu đồng. Hành vi của chủ cơ sở có dấu hiệu của việc gian dối đánh tráo hàng hóa để thu lợi bất chính.
Cũng theo cơ quan công an, UBND xã La Dạ đã không thực hiện phát tiền cho dân, không họp dân để thông báo trước khi ký hợp đồng với đơn vị cung ứng máy móc.
"Theo Nghị định 63 của Chính phủ, việc mua sắm tài sản trị giá 1 tỷ đồng trở lên thì phải đấu thầu nhưng UBND xã La Dạ hợp đồng mua sắm tài sản với số tiền 1,53 tỷ đồng mà lại chỉ định thầu là không đúng quy định.
Với Phòng Dân tộc huyện Hàm Thuận Bắc là cơ quan tham mưu cho UBND huyện thực hiện Quyết định 755 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng đã không hướng dẫn cụ thể cho xã La Dạ", nguồn trên dẫn thông tin từ phía công an.
Cũng theo nguồn trên, người cung cấp nông cụ là ông Hồ Minh Thắng nói, các nông cụ giao cho dân được mua lại của doanh nghiệp TS ở xã Đa Kai, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận.
Ông trần tình rằng bản thân "được phía doanh nghiệp TS tư vấn đây là các sản phẩm Honda loại II" và do không am hiểu máy móc nên ông chủ quan.
Theo thông tin từ ông Thắng thì doanh nghiệp TS "không thừa nhận là nhà cung cấp nông cụ cho ông".
Yêu cầu xử lý nghiêm vụ tráo máy Nhật bằng máy Trung Quốc (nguồn: VTC16)
(Tổng hợp)