"Hết hồn hết vía"
Anh N cho biết cảm thấy sốc và "hết hồn hết vía" khi nghe người quen kể lại hình ảnh của mình được "chưng" lên bảng thông tin các đối tượng sử dụng giấy tờ giả để yêu cầu công chứng của văn phòng công chứng Hoàng Xuân Hoan (Q.5, TP.HCM).
"Ban đầu tôi không tin, tưởng đùa, nhưng sau đó lên tận nơi thì mới thấy đúng là sự thật. Khi hỏi nhân viên ở đây thì được giải thích là đã có... sự nhầm lẫn", anh N kể.
Theo đó, cách đây không lâu, anh N có đến một văn phòng công chứng ở Q.Tân Phú để làm thủ tục công chứng việc mua đất từ một người tên là T. Nhưng vì T sử dụng giấy tờ giả nên văn phòng này đã báo cho công an. Vì T lừa cho anh N khoản tiền 50 triệu đồng, nên anh N cũng trình báo công an và chờ được giải quyết.
Nhưng khi mà tiền bị lừa chưa được lấy về thì anh N lại "được" "bêu" hình lên bảng tin "những đối tượng dùng giấy tờ giả để yêu cầu công chứng".
"Tôi rất bức xúc vì danh dự, uy tín ảnh hưởng. Tôi chẳng vi phạm gì mà lại bị "bêu" hình trong bảng tin có nội dung tiêu cực như thế. Tôi đã trình báo chuyện này đến công an", anh N cho biết thêm.
Chiều 8/5, trao đổi với Trí Thức Trẻ, đại diện của văn phòng công chứng Hoàng Xuân Hoan cho biết hình ảnh của anh N được lấy trên hệ thống thông tin nội bộ công chứng.
Cũng theo người này, hiện nay Hội Công chứng viên TP.HCM có thiết lập mạng nội bộ thông tin về công chứng. Nếu có những vụ làm giả giấy tờ đem đi công chứng, các văn phòng công chứng sẽ phát hiện, xử lý, đồng thời lưu lại hình ảnh, thông tin để đưa lên hệ thống tin nội bộ, nhằm tránh sự cố đáng tiếc xảy ra, tránh được các trường hợp sử dụng giấy tờ giả mạo.
"Việc dán hình có tác dụng cảnh báo, ngăn chặn đối tượng khi đối tượng đến văn phòng công chứng. Nhưng trong vụ việc của anh N thì chúng tôi đã sai vì có nhầm lẫn. Tôi đã xin lỗi anh ấy cũng như tháo bỏ hình ảnh của anh N ra khỏi bảng tin", đại diện văn phòng công chứng Hoàng Xuân Hoan cho biết thêm.
Văn phòng công chứng Hoàng Xuân Hoan đã có nhầm lẫn tai hại khi "bêu" hình ảnh của một người không vi phạm trên bảng tin "những đối tượng dùng giấy tờ giả để yêu cầu công chứng"
Có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại
Theo luật sư Trần Đăng Sĩ, hãng luật Giải Phóng (Đoàn Luật sư TP.HCM), về mặt nguyên tắc, tại Điều 32 Bộ Luật Dân Sự quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh, trong đó có nêu rõ:
"Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác"...
Như vậy trong trường hợp này, việc văn phòng công chứng sử dụng hình ảnh của anh N, dù là nhầm lẫn hay không nhầm lẫn, cũng là một hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định về quyền cá nhân đối với hình ảnh.
Giải thích của đại diện văn phòng công chứng cũng đã khẳng định thêm về điều này chỉ nhằm để các công chứng viên của văn phòng ghi nhớ hình ảnh của đối tượng dùng giấy tờ giả để kịp thời phát hiện, xử lý. Đồng thời, việc dán hình cũng có tác dụng cảnh báo, ngăn chặn đối tượng khi đối tượng đến văn phòng công chứng.
Như vậy, hoàn toàn là vì mục đích thuận tiện cho việc thực hiện công việc của công chứng viên, chứ không phải nhằm cảnh báo đối với cộng đồng về các đối tượng có hành vi xấu.
Và việc xác định một người có dấu hiệu tội phạm, có dấu hiệu vi phạm pháp luật hay không cũng là nhiệm vụ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứ không phải nhiệm vụ của văn phòng công chứng. Nên việc làm của họ là nóng vội, chủ quan và vi phạm pháp luật dân sự về quyền của cá nhân với hình ảnh.
Trong trường hợp này, anh N có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
Hiện nay nhiều văn phòng công chứng "bêu" hình trên bảng tin về "những đối tượng dùng giấy tờ giả để yêu cầu công chứng" tại trụ sở của các văn phòng
Không nên "bêu" hình
Nói về việc hiện nay nhiều văn phòng công chứng "bêu" hình trên bảng tin về "những đối tượng dùng giấy tờ giả để yêu cầu công chứng" tại trụ sở của các văn phòng, LS Sỹ cho rằng:
"Điều này không chắc sẽ có lợi, chỉ phục vụ cho mục đích của văn phòng công chứng trong việc giảm thiểu các sai sót về nghiệp vụ nếu không phát hiện ra đối tượng sử dụng giấy tờ giả.
Theo quy định của Luật công chứng thì Công chứng viên phải tuân thủ các nguyên tắc hành nghề công chứng, trong đó có các quy chuẩn để đánh giá tính hợp pháp hay không hợp pháp của một loại giấy tờ được yêu cầu công chứng, chứng thực.
Việc đưa ra các hình ảnh, niêm yết công khai có thể là một cách làm của VPCC trong việc hỗ trợ và cảnh báo, nhưng điều này đã vi phạm quy định đối với hình ảnh của cá nhân.
Đồng thời theo tôi là không hiệu quả trong việc đấu tranh, phòng ngừa sai phạm trong lĩnh vực công chứng. Vì người đã từng sử dụng giấy tờ giả không chắc là họ sẽ tiếp tục sử dụng giấy tờ giả trong các lần công chứng tiếp theo, đây là một suy luận rất thiếu logic.
Để hạn chế tình trạng giấy tờ giả "lọt" cửa công chứng, LS Sỹ hiến kế: "Các văn phòng công chứng cần trang bị đầy đủ, hoàn thiện các phương tiện kỹ thuật để phát hiện sai phạm, giả mạo trong giấy tờ.
Vấn đề này hoàn toàn có thể phát hiện thông qua máy móc và trang thiết bị chứ không phải phụ thuộc vào cảm quan của công chứng viên trong hành nghề. Làm tốt những điều đó, chặt chẽ hơn trong quy trình công chứng mới là cách tốt để khắc phục vấn đề".