Trong suốt chiều dài lịch sử của mình, bóng đá Trung Quốc mới chỉ 1 lần dự vòng chung kết World Cup năm 2002, khi giải được tổ chức tại Nhật Bản Hàn Quốc. Một phần vì năm đó, Trung Quốc không phải tranh vé tại vòng loại với 2 đội đồng chủ nhà vừa nêu ở khu vực châu Á. Còn lại, đội bóng của quốc gia đông dân nhất thế giới luôn thất bại ở các vòng đấu loại.
Tự nhận là một cường quốc thể thao, Trung Quốc không muốn chấp nhận điều đó. Quốc gia này đầu tư rất nhiều cho bóng đá, từ tài chính cho tới nhân sự, các chính sách. Mới đây nhất, công nghệ hiện đại cũng bắt đầu được áp dụng để nâng cao chất lượng của các tài năng bóng đá trẻ trong nước.
Cụ thể, các tài năng bóng đá trẻ tại Trường trung học cơ sở thí nghiệm Thượng Hải Jincai, ngoài các bài tập thực hành trên sân, giờ đây có thêm một môn học mới đó là chơi video game bóng đá trên máy tính.
Nhưng trò chơi giả lập thể thao mà những đứa trẻ bắt buộc phải học này không phải là một trò chơi thông thường. Nó được thiết kế bởi một công ty khởi nghiệp công nghệ của Israel. Mang tên gọi "The Soccer IntelliGym", hệ thống này được quảng cáo sẽ dạy các cầu thủ bóng đá vượt qua đối thủ bằng cách sử dụng các kỹ thuật huấn luyện nhận thức, từng được thử nghiệm trên các phi công chiến đấu cơ của Mỹ.
Juss Intellisports - một công ty con chuyên về công nghệ của Tập đoàn Shanghai Jiushi sở hữu ngôi trường này - tin rằng hệ thống có thể mang lại cho các cầu thủ trẻ của Trung Quốc một lợi thế quan trọng, trong bối cảnh quốc gia này đang tìm mọi cách để xây dựng phát triển một đội bóng có khả năng cạnh tranh ở các giải đấu lớn như World Cup.
"Trò chơi này sẽ giúp cải thiện kỹ năng điều khiển bóng của bạn? Không. Nó sẽ làm cho bạn mạnh mẽ hơn về thể chất? Không. Nhưng nó sẽ khiến bạn trở thành một cầu thủ thông minh hơn", Wang Wang Fa, đại diện của Juss Intellisports, nói với các học sinh.
Bóng đá Trung Quốc muốn vào World Cup nhờ công nghệ cao.
Trong giờ học, các cầu thủ trẻ yên tĩnh và tập trung nhìn vào màn hình của mình. Không sở hữu đồ họa chân thật như các game bóng đá FIFA hay PES, thay vào đó giao diện của "The Soccer IntelliGym" khá đơn giản với tầm nhìn bao phủ cả sân. Ý tưởng của nó là dạy người chơi nhận thức vị trí và kỹ năng ra quyết định, bằng cách mô phỏng các kịch bản cụ thể trong trận đấu.
Daniel Dankner, CEO của Application Cognitive Engineering, công ty Israel đã phát triển sản phẩm này cho biết: "Việc đào tạo các kỹ năng nhận thức cụ thể trong môi trường có độ chính xác thấp sẽ mang lại sự cải thiện về hiệu suất."
Ông cho biết 10 đội bóng châu Âu, bao gồm cả PSV Eindhoven và AZ Alkmaar thuộc giải bóng đá vô địch quốc gia Hà Lan, đã thử nghiệm với hệ thống này và ghi nhận sự tiến bộ rõ rệt. Các cầu thủ trở nên nhanh nhạy và tinh tế hơn sau quá trình đào tạo.
Tại Thượng Hải, Juss Intellisports đã thuyết phục câu lạc bộ Shanghai SIPG thử nghiệm hệ thống này với các đội trẻ của mình, cũng như bốn trường học địa phương, bao gồm Jincai. Nó có kế hoạch cung cấp hệ thống cho nhiều đội bóng đá Trung Quốc hơn nữa trong tương lai.
Những người ủng hộ cho rằng Trung Quốc cần nắm lấy công nghệ mới này để trở nên có sức cạnh tranh hơn trên đấu trường bóng đã quốc tế. Đội tuyển quốc gia nam Trung Quốc gần đây đang gây nhiều thất vọng, khi liên tục thất bại ở các giải lớn và chưa thể có lần thứ 2 tham dự vòng chung kết World Cup.
Các học sinh đang tham gia hệ thống đào tạo bóng đá tại Trường trung học cơ sở thử nghiệm Thượng Hải Jincai.
Huang Xiaodong, một học sinh lớp 9 tại trường Jincai là một tài năng bóng đá trẻ có triển vọng và mang trong mình khát vọng được chơi bóng đá chuyên nghiệp. Việc luyện tập trong khi ngồi trước máy tính là một khái niệm mới, nhưng cậu luôn sẵn sàng đối mặt với thử thách.
"Tôi không biết rằng một trò chơi video có thể cải thiện hiệu suất của một cầu thủ bóng đá", Huang nói. "Trước đây, các huấn luyện viên thường ghép đôi tôi với các hậu vệ để thực hiện các bài tập chiến thuật trên sân."
Huấn luyện viên của Huang, Xie Zhiyi, 29 tuổi, cũng lạc quan một cách thận trọng về tiềm năng của việc sử dụng các công cụ mới này. Ông nói: "Bạn không chỉ chơi bóng đá bằng đôi chân mà còn bằng bộ não."
Một trận bóng đá sinh viên ở Thượng Hải.
Cả Huang và Xie đều thừa nhận rằng vẫn còn một khoảng cách đáng kể giữa các cường quốc bóng đá châu Âu và Trung Quốc, đặc biệt trong việc đào tạo tài năng trẻ. Mãi tới gần đây, các trường thể thao Trung Quốc mới bắt đầu tập trung vào việc dạy các kỹ năng chơi bóng theo cá nhân, thay vì cách tổ chức theo nhóm như cũ.
Thần tượng của Huang là Wu Lei, một tiền đạo người Trung Quốc từng thi đấu cho Thượng Hải SIPG, hiện đã rời đội để sang chơi cho đội bóng Tây Ban Nha Espanyol. Huang cho biết mình muốn trở thành một cầu thủ giống như vậy, có kinh nghiệm chơi bóng ở nước ngoài sau đó mang chúng về để phát triển bóng đá Trung Quốc.
Huang Xiaodong.
Trên thực tế chỉ vài năm trở lại đây, Trung Quốc mới bắt đầu đầu tư nghiêm túc vào bóng đá. Năm 2012, Bắc Kinh, thành phố thủ đô nơi có dân số hơn 20 triệu người, chỉ có khoảng 80 sân bóng đạt quy chuẩn.
Huấn luyện viên Xie cho rằng việc không được tiếp cận các cơ sở bóng đá từ nhỏ đã kìm hãm sự phát triển của môn thể thao này ở Trung Quốc. Tuy nhiên từ 2015, mọi thứ đã có sự chuyển biến. Chính phủ nước này đã đặt ra các mục tiêu mạnh mẽ nhằm thúc đẩy bóng đá trong trường học và nâng số lượng các tổ chức đào tạo bóng đá từ 5.000 lên 50.000 vào năm 2025. Theo Xie, chính sách này đã có tác động rõ rệt ở Thượng Hải.
"Trước đây, một huyện chỉ có một hoặc hai câu lạc bộ bóng đá. Bây giờ, có thể có tới 30 câu lạc bộ", ông nói. "Nhiều cầu thủ bóng đá trẻ hơn có nghĩa là một tương lai đầy hứa hẹn cho bóng đá Trung Quốc."
Điều quan trọng hơn, theo ông, là nhiều trường học như Shanghai Jincai đang cung cấp cho học sinh cả một nền giáo dục hàn lâm lẫn đào tạo thể thao chất lượng cao. Do đó, những đứa trẻ có tham vọng như Huang không còn phải đăng ký vào một trường thể thao chuyên nghiệp, nơi việc học tập chính quy bị hạn chế.
Điều này giải quyết vấn đề tâm lý của các bậc cha mẹ Trung Quốc khi thường không muốn cho con cái họ đăng ký vào các trường thể thao, bởi lo lắng về một tương lai khó khăn khi ngừng sự nghiệp mà không có bằng cấp, học thức.
Một trận bóng đá sinh viên ở Thượng Hải, tháng 10 năm 2019.
Ngày nay, các chính sách mới cho phép các cầu thủ bóng đá trẻ tài năng được học tại các trường trung học cơ sở, trung học và đại học hàng đầu của Trung Quốc. Huang được nhận vào Shanghai Jincai thông qua hệ thống này, mặc dù về mặt học vấn, cậu cũng là một trong những sinh viên hàng đầu trong lớp.
"Tôi muốn đến một trường trung học hàng đầu có chương trình huấn luyện bóng đá và sau đó là một trường đại học cũng mạnh về bóng đá", Huang nói. "Tôi có thể bắt đầu chơi bóng đá chuyên nghiệp trong khi ở trường đại học nếu tôi có thể được chọn."
Mẹ của Huang, Li Hong, nói với cô từng lo lắng về việc chơi bóng của con trai mình có thể ảnh hưởng đến việc học. Nhưng giờ cô tin rằng con mình có thể phân chia thời gian hợp lý giữa việc học và chơi.
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khó khăn thách thức mà Huang phải đối mặt. Trong đó, áp lực lớn nhất là các cầu thủ đến từ những trường thể thao, nơi học sinh tập trung hoàn toàn vào việc chơi bóng từ khi còn 10 tuổi.
Nhưng bù lại, theo huấn luyện viên Xie, ở các trường như Shanghai SIPG, Huang có một lợi thế. Đó là việc cậu được tiếp cận và trải nghiệm các công nghệ hỗ trợ mới, như hệ thống "The Soccer IntelliGym".
"Khả năng di chuyển của Huang đã có sự tiến bộ rõ rệt so với những người khác", Xie nói. "Cậu ấy nhận thức được các chuyển động của người chơi khác và biết nên chuyền bóng cho đồng đội hay tự mình vượt qua đối thủ."
Tham khảo SixthTone