"Bòn rút" hết đồng minh của Mỹ, ông Putin đưa Nga tiệm cận "ngôi vương" ở Trung Đông

Quốc Vinh |

Nga không muốn can thiệp vào toàn bộ các xung đột ở Trung Đông như Mỹ, nhưng khi ai đó găp khó khăn và cần một người giãi bày tâm sự, ông Putin luôn là người lắng nghe.

Người thấu hiểu và lắng nghe

Ba thập kỷ sau khi Liên Xô sụp đổ và Mỹ nắm quyền thống trị về ảnh hưởng ở Trung Đông, nước Nga đã hồi sinh trở lại, tờ Washington Post nhận định.

Dưới sự chỉ đạo của Tổng thống Putin, nước Nga đã nhanh chóng vượt mặt chính quyền Barack Obama và lần lượt chiếm ưu thế trước chính quyền của Tổng thống Donald Trump để thách thức vai trò thống trị của Mỹ trong khu vực.

Điều này được minh chứng rõ bằng việc các tổng thống, thủ tướng, các vị vua và hoàng tử đến Moscow trong năm qua để gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin - có rất nhiều đồng minh được coi là thân cận nhất của Mỹ.

Các công ty dầu mỏ, nhà thầu vũ khí và công ty tài chính Nga đã và đang tạo nên cơn sốt hâm mộ khắp khu vực, tạo ra hàng tỷ đô la giao dịch, hồi sinh các mối quan hệ cũ và gây dựng những mối quan hệ mới từ Libya đến vịnh Ba Tư.

Trung tâm của ánh hào quang trở lại này là Tổng thống Putin, nhà lãnh đạo mạnh mẽ đang củng cố quan hệ với tất cả các chính quyền trong khu vực, giữa thời điểm những hoài nghi đối với cam kết của Washington ở Trung Đông đang gia tăng.

Sự can thiệp quân sự năm 2015 của Nga tại Syria đã cho Tổng thống Putin sự thúc đẩy lớn nhất, trong đó đánh bóng hình ảnh ông chủ Điện Kremlin như một nhà lãnh đạo quyết đoán và hiệu quả; đạt được thành công trong những mục tiêu đề ra, bao gồm cả việc đảm bảo quyền lực đối với Tổng thống Bashar al-Assad.

Điều này cũng đặt ông Putin vào mối liên hệ giữa các xung đột chồng chéo của Trung Đông, thúc đẩy ảnh hưởng của Nga vượt xa biên giới Syria, tới tất cả các quốc gia có cổ phần trong kết quả của cuộc chiến – bao gồm cả các cặp đối thủ như Israel và Iran, Qatar và Saudi Arabia, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong đó, nhà lãnh đạo Nga thường xuyên điện đàm với các đồng minh của Mỹ như Thổ Nhĩ Kỳ và Israel lên tới hàng chục lần trong một năm vừa qua.

Ngoài Syria, Nga thể hiện bản thân ít có khuynh hướng muốn can thiệp vào các xung đột hiện có trong khu vực, chẳng hạn như chiến tranh Yemen, tiến trình hòa bình Ả Rập-Israel và tranh chấp giữa Qatar và các nước láng giềng. Nhưng ông Putin luôn chào đón bất cứ ai muốn đến thăm đất nước của mình, biến Moscow trở thành điểm dừng chân tin cậy cho các nhà lãnh đạo có vấn đề cần giải quyết.

"Putin đang hoạt động hiệu quả như một nhà phân tâm học của khu vực", Malik Dahlan, một giáo sư về luật pháp quốc tế và chính sách công tại đại học Queen Mary ở London, nói. "Người Nga rất vui khi được lắng nghe tất cả các bên và bất cứ ai có nỗi lòng muốn nói cũng đều thấy rất vui khi có người muốn lắng nghe mình".

Quyến rũ đồng minh Mỹ

Bòn rút hết đồng minh của Mỹ, ông Putin đưa Nga tiệm cận ngôi vương ở Trung Đông - Ảnh 1.

Đồng minh thân thiết của Mỹ là Saudi Arabia cũng đang ngày càng chuyển hướng dần sang Nga.

Các nhà lãnh đạo đồng minh với Mỹ đã tới Moscow trong năm nay bao gồm vua Salman của Saudi Arabia - người đã tổ chức nghi thức chào đón xa hoa đối với Tổng thống Trump ở Riyadh năm ngoái - nhưng sau đó đã chọn Moscow là chuyến thăm nước ngoài chính thức đầu tiên và duy nhất của ông thay vì Washington.

Quốc vương Qatar cũng bất ngờ bay tới Moscow để gặp ông Putin vào đêm trước chuyến thăm Washington hồi tháng 4, điều khiến cho chính quyền Trump phải bày tỏ sự không hài lòng.

Thái tử Abu Dhabi, một đồng minh thân cận của Mỹ, đã từ chối lời mời đến Washington hồi đầu năm nay. Nhưng ông đã có chuyến thăm Moscow vào tháng 6 - chuyến đi thứ bảy trong 5 năm qua – để ký một thỏa thuận hợp tác chiến lược với chính quyền Putin.

Gần đây nhất, Tổng thống Ai Cập Abdel Fatah al-Sissi trong tháng 10 đã có chuyến thăm thứ 4 tới Moscow – bằng với số chuyến thăm Washington - và cũng đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với chính quyền Putin tại thị trấn Sochi của Nga.

Các cuộc gặp nói trên đang cung cấp cho ông Putin những đòn bẩy ảnh hưởng mới trong thời điểm Mỹ đang có ý định rút một phần lực lượng ở Trung Đông để ứng phó trước sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Màn chào hỏi đầy thân tình tại hội nghị thượng đỉnh G-20 với Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman đã minh họa cho mối quan hệ cá nhân mà ông Putin đang thiết lập với các lãnh đạo khu vực.

Khi không có các chuyến thăm, ông Putin thường xuyên bận rộn với các cuộc điện thoại để nuôi dưỡng mối quan hệ chặt chẽ với một số người bạn thân nhất của nước Mỹ.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, người đã gọi ông Trump là "người bạn thực sự" của Israel, đã nói chuyện 11 lần trên điện thoại với ông Putin trong năm qua, trong khi chỉ điện đàm 3 lần với ông Trump. Nhà lãnh đạo này cũng đến thăm Moscow 4 lần trong năm qua, trong khi chỉ đến Washington 2 lần kể từ khi ông Trump trở thành tổng thống.

Thổ Nhĩ Kỳ - một đồng minh lâu năm của Mỹ và là đối tác NATO với lịch sử cạnh tranh lâu đời với Nga - đã trôi sâu hơn vào quỹ đạo ảnh hưởng của Moscow khi sự hợp tác của họ ở Syria mở rộng và quan hệ với Mỹ trở nên căng thẳng.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyep Erdogan trong năm qua đã nói chuyện 20 lần trên điện thoại với ông Putin nhưng chỉ có 7 lần với ông Trump. Quyết định của ông Erdogan khi mua hệ thống tên lửa S-400 tiên tiến của Nga đã đưa ra một ví dụ về mối quan hệ đang phát triển giữa hai nước có thể thách thức sự gắn kết của NATO như thế nào.

Sử dụng sức mạnh hiệu quả

Bòn rút hết đồng minh của Mỹ, ông Putin đưa Nga tiệm cận ngôi vương ở Trung Đông - Ảnh 2.

Khi Mỹ rút dần lực lượng ra khỏi Trung Đông, Nga sẽ lấp dần chỗ trống.

Ông Putin hiểu rằng nhiều vấn đề của Trung Đông không dễ giải quyết. Trở nên quá ôm đồm trong các tranh chấp của khu vực có thể phơi bày các giới hạn khả năng của Nga mà nước này thừa nhận đang tụt hậu xa so với Mỹ, các nhà phân tích nhận định.

"Người Nga hiểu giới hạn của họ rất tốt. Tôi không nghĩ Nga muốn thay thế Mỹ ở khắp mọi nơi vì điều đó sẽ rất tốn kém", chuyên gia Yury Barmin từ Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga, cho biết.

Trong phạm vi mà Nga muốn có thiết lập một chiến lược quân sự cho khu vực, chuyên gia này cho rằng Moscow muốn tập trung vào Địa Trung Hải. Nga đã bảo đảm quyền sử dụng căn cứ dài hạn cho các lực lượng của mình tại Syria, bao gồm một căn cứ hải quân mở rộng tại Tartus, mang lại cho Nga sự hiện diện mạnh nhất từ ​​trước đến nay tại Địa Trung Hải.

"Rất đơn giản, Địa Trung Hải có tầm quan trọng chiến lược với Nga trong một thời gian dài", Barmin nói. "Nga thấy khu vực đó là một khu vực quan trọng để gây dựng sức mạnh rắn để chống lại NATO".

Carole Nakhle, một chuyên gia năng lượng tại đại học Surrey của Anh cho biết, vai trò của Nga ở Trung Đông chủ yếu tập trung vào các giao dịch kinh doanh, nhằm phục vụ mục đích kép: Bù đắp lại ảnh hưởng từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ và châu Âu và củng cố vị thế của mình.

Các công ty Nga đã ký kết hàng tỷ đô la giao dịch liên doanh dầu khí tại các thị trường đa dạng như Saudi Arabia, nhà sản xuất dầu mỏ lớn của khu vực. Công ty năng lượng hạt nhân của Nga Rosatom đã ký hợp đồng xây dựng các lò phản ứng hạt nhân ở 5 nước Trung Đông, tạo cho Moscow một chỗ đứng dài hạn tại đây.

Tình hình hiện tại không giống như thời kỳ Chiến tranh Lạnh, trong đó Moscow và Washington không cạnh tranh nhau để thu hút lòng trung thành của các cường quốc khu vực và các nước Trung Đông buộc phải lựa chọn một bên duy nhất, nhà phân tích cho biết.

Ngay cả với cam kết mở rộng của Nga tại Syria, sự hiện diện của Moscow trong khu vực là "không vững chắc" như trong Chiến tranh Lạnh, chuyên gia Bruce Riedel thuộc viện Brookings cho biết.

Tuy nhiên, ngay cả khi Mỹ vẫn duy trì lợi thế kinh tế, quân sự và công nghệ rộng lớn, Nga ngày càng được coi là một sự thay thế hợp lý tại khu vực Trung Đông trong lúc Washington ngày càng mất đi uy tín, theo Riad Kahwaji, người đứng đầu viện Phân tích các vấn đề Cận đông và quân sự vùng Vịnh ở Dubai.

"Nga đã xoay xở để tạo ra nhận thức ở Trung Đông rằng họ mạnh hơn, có năng lực hơn và phù hợp hơn cả nước Mỹ", ông nói. "Vấn đề ở đây không phải là bạn mạnh đến đâu. Vấn đề ở đây là cách mà bạn nên sử dụng sức mạnh đó như thế nào. Lực lượng và căn cứ của Mỹ rất lớn và Nga chỉ có một phần nhỏ. Nhưng Nga sử dụng sức mạnh của mình hiệu quả hơn".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại