Khi phát hiện một quả bom, một quả mìn, hay thiết bị có thể phát nổ - dù có phải còn sót lại sau chiến tranh hay không, điều đầu tiên phải làm đó là tránh xa chỗ đó càng nhanh càng tốt.
Liên Hợp Quốc lo ngại rằng có những người không lường hết được những nguy hiểm mà chất nổ mang lại, họ phát hành một cuốn cẩm nang nêu lên chi tiết những rủi ro có thể có, cũng như những phương pháp phòng tránh, bảo đảm tính mạng cho bản thân từng người cũng như một nhóm người, một tập thể.
Những gì LHQ lo ngại là đúng: nhiều người không hiểu hết mức độ nguy hiểm của bom, của chất nổ và vẫn vô tư tiếp cận, thậm chí động chạm vào những thứ nguy hiểm chết người ấy.
Vậy nên bài viết này sẽ tổng hợp một số lời khuyên hữu ích nhất, tới từ chính cuốn cẩm nang ấy, có tên: Mìn, chất nổ còn sót lại sau chiến tranh và bom tự chế - Cẩm nang An toàn.
Cuốn cẩm nang trên còn có một hướng dẫn sơ tán chi tiết, khoảng cách bao xa là an toàn với lượng chất nổ là bao nhiêu.
Bạn có thể đọc bảng tóm tắt của tôi ở đây:
Điều đầu tiên, là phải xác định được khu vực có chất nổ - hãy cẩn thận với những nơi bạn chưa từng lui tới, hãy chú ý tới những lời cảnh báo của người dân cũng như nhà chức trách địa phương. Để ý tới những vùng đất trống đã có lịch sử chiến tranh, biết đâu có một biển cảnh báo chất nổ cắm đâu đó mà bạn không để ý.
Bản thân những thứ chất nổ ấy cực kì nguy hiểm, dưới đây là những điểm gói gọn về chúng:
- Toàn bộ những chất nổ ấy (bom, mìn, bẫy hay bất cứ chất nổ nào chưa được xử lý ...) đều cực kì nguy hiểm, có khả năng gây chết người hoặc gây thương tích nặng, thậm chí là phá hủy phương tiện gần đó.
- Chúng vẫn là mối nguy hại dù đà nằm đó nhiều năm.
- Chỉ cần chạm nhẹ, chúng cũng có thể nổ tung.
- Theo thời gian, chất nổ có thể biến dạng, chuyển màu do gỉ sét, thay đổi vị trí.
- Rất nhiều khu vực có chất nổ sót lại sau chiến tranh không có biển báo, dù là biển báo chính thức hay do người dân tạo nên.
- Chúng rất khó bị phát hiện: lẫn trong đất, lẩn trong những cụm cỏ cao, những bờ sông, v.v...
- Chúng thường nằm ở những địa điểm đã từng xảy ra giao tranh trong quá khứ.
- Dù là có người đã đi qua, đã sinh sống trong một khu vực có chất nổ, không có nghĩa là nó an toàn.
Theo như cuốn Cẩm nang An toàn, thì có hai kiểu người liều lĩnh.
1. Là những người liều lĩnh có chủ đích
Họ là một nhóm người vẫn cố gắng tiếp cận chất nổ dù biết là chúng nguy hiểm. Có nhiều lý do để họ làm vậy.
- Họ muốn mang quà lưu niệm – một kỷ vật chiến tranh về cho người thân.
- Họ tin rằng đó đều là những thứ vô hại.
- Họ muốn chụp ảnh lưu niệm nơi xảy ra chiến sự.
Những yếu tố này dù cực kì nguy hiểm, nhưng lại cực kì thường thấy.
Còn một số người khác, họ bất cẩn hoặc "muốn tìm chút phiêu lưu mạo hiểm". Họ không hiểu rõ được tầm nguy hiểm của chất nổ. Đó thường là những người:
- Đã sống lâu tại đó, đã quen với mối nguy hiểm rình rập.
- Không hiểu gì về sự nguy hiểm mà chất nổ mang lại.
- Tự tin rằng mình có thể kiểm soát được tình hình – mà rõ ràng là nếu không phải chuyên gia, họ không thể làm vậy.
Còn một kiểu người ưa thích tìm hiểu về các yếu tố gây nổ này. Họ muốn chứng minh hiểu biết của mình về những chất nổ nguy hiểm chết người kia, muốn thể hiện mình có thể xử lý tình huống như những chuyên gia. Thông thường, thì những cá nhân này mới là thành tố gây nguy hiểm cho cộng đồng.
2. Những người không biết là mình đang đi vào khu vực nguy hiểm.
Đó là những người chẳng may tiếp cận chất nổ do tính chất công việc hoặc do những yêu cầu cấp thiết tại thời điểm ấy. Khi bước vào khu vực nguy hiểm, sự tò mò có thể dẫn lối họ, và trong nhiều trường hợp, đích đến sẽ là hậu quả thảm khốc.
Vậy xử lý như thế nào?
Nhắc lại một lần nữa, là đừng bao giờ xử lý một mình hay với một nhóm người không có chuyên môn nào đó. Hãy báo ngay cho nhà chức trách khi bạn biết rằng có xuất hiện mìn, bom hoặc chất nổ chưa được xử lý.
Đây là những điều mà một cá nhân nên biết để tự bảo vệ mình:
- Đừng chạm vào vật liệu nổ hay bất kì đồ vật gì khả nghi, với bất kì hình thức nào.
- Trước khi đi du lịch, tham quan, thám hiểm, hãy tìm hiểu kĩ về khu vực mình đang tới.
- Đừng bao giờ đi vào khu vực đã có cảnh báo nguy hiểm.
- Đừng sưu tầm những vật liệu nổ.
- Để ý những biển báo nguy hiểm tại địa phương.
- Cung cấp thông tin hữu ích cho những người khác.
- Cung cấp cho người thân kế hoạch di chuyển chi tiết của bạn.
- Sẵn sàng phương tiện liên lạc trong người, phòng khi có chuyện xảy ra.
- Và trên hết, luôn tự cảnh giác.
Nhưng có lẽ cẩn thận không bao giờ là đủ. Ngay tháng Chín vừa qua, nhà chức trách tại Frankfurt đã cho sơ tán toàn bộ cư dân gồm 60.000 người, sau khi phát hiện có một quả bom tại một khu công trường xây dựng.
Quả bom này còn sót lại từ thời Chiến tranh Thế giới thứ Hai, được xác nhận là quả mìn trên không HC 4000 kích cỡ 1,4 tấn.
Quả bom khổng lồ sau khi đã được xử lý.
Lực lượng tuần tra được bố trí trên toàn bộ khác khu phố, máy bay trực thăng cũng được điều động để đảm bảo rằng không còn người dân nào còn lại tại Frankfurt. Toàn bộ khu dân cư đông đúc bỗng trở thành thị trấn ma, không còn bóng người dân thường qua lại.
Người dân sơ tán khỏi Frankfurt.
Quá trình xử lý bom diễn ra thành công sau 4 tiếng đồng hồ. Người dân đã có thể trở lại với cuộc sống bình thường ngay buổi tối hôm đó.
Sự nguy hiểm của bom mìn không chỉ dừng lại ở đây, đó còn là những quan niệm sai lầm được tiêm nhiễm vào đầu chúng ta bởi phim ảnh, các câu chuyện dựng lên. Còn một bài viết tiếp theo nói về những quan niệm ấy, các bạn nhớ đón xem!