Đây là việc cần làm khi đang gỡ bom, chứ không phải chen lấn đứng trên cầu nhìn

Oct |

Nhiều người vì hiếu kỳ mà bất chấp nguy hiểm, đứng trên cầu nhìn cận cảnh hành động gỡ bom của các chiến sĩ công an.

Như đã đưa tin, nhà chức trách đã xác định được vật thể lạ dưới trụ cầu Long Biên là một quả bom, và đến thời điểm hiện tại đã tháo gỡ, trục vớt thành công trái bom ấy.

Nhưng đáng chú ý ở đây là hình ảnh này:

Đây là việc cần làm khi đang gỡ bom, chứ không phải chen lấn đứng trên cầu nhìn - Ảnh 1.

Nguồn: Beat.vn

Bức hình được ghi lại trên cầu Long Biên ngay tại khoảnh khắc các chiến sĩ công an và nhà chức trách đang xử lý quả bom.

Được biết, lực lượng thanh tra - an toàn số 2 (Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc) đã đưa ra lệnh cấm bắt đầu từ thời điểm 12:30 - đơn vị sẽ tiến hành cấm luồng tất cả các tàu thuyền qua lại sông Hồng đoạn gần cầu Long Biên để phục vụ việc trục vớt.

Giao thông trên mặt cầu Long Biên cũng bị cấm tạm thời. Các phương tiện xe máy, xe thô sơ sẽ được phân luồng di chuyển theo hướng khác trong thời gian trục vớt bom.

"Sau khi trục vớt xong, các phương tiện được di chuyển bình thường" - ông Trần Văn Khiết, Đội trưởng đội Thanh tra - an toàn số 2 cho hay.

Tuy nhiên, có thể thấy rất đông người vẫn cố tụ họp trên cầu xem gỡ bom.

Đây là việc cần làm khi đang gỡ bom, chứ không phải chen lấn đứng trên cầu nhìn - Ảnh 2.

Khoảnh khắc quả bom được trục vớt thành công

Biết rằng tò mò vốn là bản chất của con người, nhưng có những lúc việc tò mò khiến bạn trả giá đắt, và đây là một trong những tình huống có thể làm được chuyện đó.

Theo các thông tin ghi nhận ban đầu, trái bom dài ít nhất 2m, còn loại bom và sức công phá thì chưa rõ (nhiều khả năng là bom từ máy bay B52, nặng khoảng 300kg).

Tuy nhiên, gỡ bom mìn luôn là một công việc nguy hiểm, có thể xảy ra tai nạn bất kỳ lúc nào. Thế nên, việc đứng trên cầu quan sát cảnh tượng ấy chắc chắn không phải là một việc làm khôn ngoan.

Hồi tháng 9/2017, toàn bộ hơn 60.000 người dân tại trung tâm thành phố Frankurt (Đức) đã phải sơ tán đồng loạt để xử lý một trái bom còn sót lại từ Thế chiến II. Tháng 3/2017, người dân tại London cũng phải sơ tán vì một sự việc tương tự.

Tuy đó là những trái bom nặng tới cả tấn, nhưng thực tế ở các vụ gỡ bom mìn trên thế giới, chẳng lần nào người dân bu lại xem một cách hiếu kỳ như vậy cả. Tất cả đều ý thức được rằng bom mìn là thứ nguy hiểm chết người, và không ai tự mình tiến lại gần nguy hiểm hết.

Bệnh tâm lý đám đông

Không chỉ sự việc gỡ bom lần này, mà cả trong những vụ tai nạn, hỏa hoạn, thậm chí là... đuổi bắt cướp có vũ trang, chúng ta vẫn có thể thấy hiện tượng mọi người tụ tập lại xem đến tắc cả đường. Một phần là vì bản chất tò mò, nhưng phần nhiều là vì tâm lý đám đông.

Tâm lý đám đông là cụm từ thể hiện việc một người làm một việc nào đó chỉ vì tất cả mọi người cùng làm theo. Chúng ta tò mò vì người khác cũng tò mò. Chúng ta tụ lại một chỗ vì mọi người cũng đang ở đó. Nhưng vấn đề là chúng ta làm theo đám đông mà không cần quan tâm đó là tốt hay xấu.

Đây là việc cần làm khi đang gỡ bom, chứ không phải chen lấn đứng trên cầu nhìn - Ảnh 3.

Tai nạn xảy ra, mọi người đều có thể chung tay giúp đỡ, nhưng không cần đến tất cả mọi người. Việc tụ tập đông đảo không những chẳng giúp gì được mà còn gây cản trở cho những người có khả năng, khiến công tác cứu trợ bị đình trệ. Rốt cục, người chịu khổ nhất chính là nạn nhân.

Một hành động xấu, nhưng nhiều người làm thì vô tình khiến nó bớt xấu đi, chẳng còn ai phán xét nữa mà sẽ chung quan điểm, hùa vào nhau. Đó là một quan điểm sống thụ động, khiến xã hội đi xuống chứ không thể đi lên.

Nên làm gì trong những tình huống như vậy?

Câu trả lời thực chất nằm ngay trong đầu của bạn: Những sự kiện có liên quan đến bom mìn, cháy nổ, tốt nhất là hãy tránh xa ra. Bạn chẳng thu nhận được thêm điều gì khi đứng xem, mà còn gây cản trở cho người có nhiệm vụ.

Quan trọng hơn cả, bạn đã tự đặt bản thân và mạng sống của nhiều người vào vòng nguy hiểm. Lấy ví dụ, nhiều người đứng xem gây tắc đường, vậy nếu có người không muốn xem nhưng vẫn phải ở lại thì sao?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại