Sau màn giả cụt chân để lướt ván xin tiền thì mới đây, một kẻ lừa đảo khác tại Trung Quốc đã giấu tay vào áo, giả làm người tàn tật để bòn rút tình thương của người đời.
Hẳn nhiên, sau nhiều màn lật tẩy những chiêu trò giả tàn tật để đi ăn xin ở Trung Quốc, nhiều người đã có cách nhìn khá tiêu cực về cái nghề "tay gậy, tay bị tung hoành khắp nơi" này.
Hai vụ "bốc phốt" những kẻ ăn mày giả dạng ngay trên phố.
Còn nhớ cách đây chưa đầy 1 tháng, dư luận Trung Quốc đã từng xôn xao về đoạn video ghi lại cảnh một người đàn ông giả dạng tàn tật rồi ung dung lướt ván đi xin tiền trên khắp các tuyến phố lớn nhỏ tại tỉnh Tân Cương.
Gã ăn mày này đã bỏ túi được không ít tiền của nhờ vào việc dùng vải buộc chặt 2 chân đang xếp bắt chéo nhau, rồi tiến hành ngụy trang bằng chiếc quần rộng thùng thình bên ngoài.
Dẫu vậy, màn giả dạng trên cũng chưa phải là chiêu trò duy nhất mà những kẻ giả danh dùng để "móc túi" người đi đường tốt bụng .
Bởi mới đây, một người đàn ông khác đã cải trang thành người tàn tật với đôi tay bị cụt để ngồi xin tiền ngay bên ngoài một trung tâm mua sắm ở Nghĩa Ô, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc.
Lại thêm một kẻ giả dạng khuyết tật để đi xin tiền trên đường phố Trung Quốc.
Kẻ giả danh trên thường xuyên ngồi trong tư thế quỳ gối, cúi đầu mà không hề thay đổi hay nhúc nhích gì nên một nhân viên bảo vệ gần đó đã tỏ ý nghi ngờ.
Ngay lập tức, anh này liền tiếp cận người ăn xin "cụt tay" rồi yêu cầu hắn ta đứng lên và cởi áo ra. Đúng như dự đoán, nhiều người đã vô cùng ngạc nhiên khi chứng kiến một đôi tay lành lặn đang dần hiện lên sau lớp trang phục dày cộp bên ngoài.
Mặc dù hàng loạt "mưu đồ" moi tiền dựa trên lòng thương hại ấy đã được làm rõ mười mươi, song việc lòng tốt của con người đang bị những kẻ xấu ngoài xã hội lợi dụng vẫn làm dấy lên một câu hỏi rằng: Liệu có phải chúng ta đang đặt niềm tin sai chỗ hay không?
Khi lòng tin được đặt sai chỗ
Sau khi hai màn "bóc phốt" kinh điển được đăng tải trên các trang mạng xã hội, nhiều người đã tỏ ra vô cùng bức xúc khi lòng tin của mình đang dần trở thành "món hời" béo bở cho những kẻ cơ hội và lười lao động trên khắp đất nước.
Thậm chí, họ còn cảm thấy bị xúc phạm nghiêm trọng vì đã lỡ tiếp tay cho hàng loạt hành vi xấu xa của nhiều băng nhóm "cái bang" lừa đảo.
Đôi tay lành lặn dần hiện ra sau lớp áo dày cộp của kẻ lừa đảo.
Nhiều người cũng tự dằn vặt bản thân mình rằng, nếu chằng may bắt gặp một người ăn xin khác trên đường phố thì liệu họ còn đủ lòng tin và sự thương hại để cứu giúp nữa hay không?
Đơn giản vì người tốt luôn sợ mình bị lừa, bị lợi dụng một cách trắng trợn – mà kẻ được hưởng lợi cuối cùng lại chính là những tên giả nghèo, giả khổ và vô đạo đức ngoài xã hội.
Nếu không có sự hiện diện của những tay "cái bang" dởm như thế này, chắc hẳn vô số hoàn cảnh khó khăn thực sự sẽ được nhiều người giúp đỡ vô tư mà không phải băn khoăn liệu họ có bị lừa.
Còn với những người bức xúc, họ thậm chí còn đòi chặt luôn tay chân của những kẻ giả danh để chúng tha hồ đi ăn xin theo đúng nghĩa đen của nó.