Dưới đây là bài chia sẻ của The Why Girl - một cây viết trẻ trên Medium, YouTuber chuyên về lối sống và phát triển bản thân.
Năm ngoái, tôi đã đưa ra một trong những quyết định mạo hiểm nhất cuộc đời mình: nghỉ công việc ổn định tại một tập đoàn lớn ở London. Tôi không chỉ muốn tìm cho mình một công việc khác mà còn xem đây là khởi đầu của một trong những dự án quan trọng nhất mà tôi từng thực hiện: tái thiết toàn bộ cuộc đời tôi.
Điều này đòi hỏi tôi phải “lột xác”, tìm ra tôi thực sự là ai, muốn gì và thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn. Điều này nghe có vẻ cao siêu nhưng sự thật vẫn là tôi đang bắt đầu hành trình khám phá bản thân và tạo dựng một cuộc sống mới theo cách riêng của mình. Tuy nhiên, ngay cả khi nộp đơn xin từ chức, tôi cũng không hình dung được chặng đường này sẽ mất nhiều thời gian đến vậy.
Thất nghiệp 1 năm, tôi gọi đó là 12 tháng tự do, mở lòng và truyền cảm hứng nhất trong cuộc đời tôi. Trong khoảng thời gian này, tôi cũng đã học được một số điều và xem đó như những bài học quý báu cho bản thân. Bạn cũng có thể biết và học hỏi:
1. Bỏ việc không có nghĩa là bạn bỏ cuộc. Điều đó có nghĩa là bạn có đủ can đảm để từ bỏ thứ không phù hợp với mình và tìm một giải pháp tốt hơn (ngay cả khi bạn chưa biết nó là gì).
2. Không có việc làm không có nghĩa là bạn lười biếng. Tích cực tìm việc hoặc thay áo mới cho sự nghiệp của bạn (cũng có thể là cả cuộc đời bạn) là một công việc full-time. Rất có thể, đây chính là công việc quan trọng nhất mà bạn từng làm.
3. Ban đầu có thể gặp rất nhiều khó khăn, nhưng cuối cùng, bạn sẽ thấy tự hào khi nói với người khác rằng mình thất nghiệp. Nếu người khác nhìn bạn với ánh mắt phán xét, có lẽ họ đang ghen tị với bạn.
4. Việc tìm kiếm niềm đam mê hay mục đích sống đều cần có thời gian. Đừng ngại, hãy sử dụng thời gian càng nhiều càng tốt nếu bạn cần, miễn là đừng lãng phí nó.
5. "Không phải ai lang thang cũng đều lạc đường." Việc tìm kiếm mục đích cho bản thân không có nghĩa là bạn đang lạc lối. Điều đó có nghĩa là bạn đã nhận ra mình đang ở sai chỗ và đang hành động để thay đổi điều đó.
Ảnh minh họa: Internet
6. Hầu hết mọi người không biết họ muốn làm gì trong đời vì họ không chủ động tạo ra nó. Thay vào đó, họ bị cuộc đời xô đẩy nhưng đôi khi đó cũng là cách hay để có thêm động lực sáng tạo và làm việc.
7. Sau khi bạn nghỉ việc, hãy tách mình ra khỏi công việc và lối sống cũ. Hãy thay đổi môi trường sống tắt điện thoại, dành thời gian cho bản thân. Để bắt đầu lại, bạn cần phải cảm thấy mới mẻ và khác biệt. Quá trình này có thể mất nhiều thời gian nhưng đừng hoảng sợ vì nó thực sự đem lại hiệu quả.
8. Thời gian này hãy đi du lịch nếu bạn có thể.
9. Nếu bạn muốn có một khởi đầu mới cho sự nghiệp của mình, đừng đâm đầu vào một công việc mới ngay mà hãy cho mình thời gian để suy nghĩ và thử nghiệm.
10. Đừng vội viết CV, trước tiên hãy vẽ sơ đồ tư duy, liệt kê toàn bộ kinh nghiệm và kỹ năng của bạn sau đó xem xét bản thân còn thiếu những gì để bổ sung.
11. Hãy nghĩ tới việc tham gia các khóa học, làm freelance, tình nguyện, mở rộng mạng lưới quan hệ… để lấp đầy những thiếu sót bạn đang có.
12. Đây là thời gian để bạn trau dồi, nâng cao bản thân và tạo ra bạn với phiên bản hoàn toàn mới. Thiếu chỗ nào, hãy cố gắng lấp đầy chỗ đó. Nếu bạn không biết mình muốn làm gì, hãy nghĩ đến lý do bạn bắt đầu, thử với những điều khiến bạn hứng thú đầu tiên. Hãy quan tâm và dành thời gian theo đuổi nó. Bạn sẽ luôn học được điều gì đó và có thêm những trải nghiệm cho mình.
13. Nếu bạn theo đuổi điều gì đó, hãy nghiêm túc và kiên trì tới cùng. Nếu muốn sáng tác, hãy viết lách mỗi ngày. Nếu muốn làm Youtuber, hãy làm video mỗi ngày. Chỉ khi biến nó thành công việc của mình, bạn mới biết bản thân có thực sự có đủ đam mê để theo đuổi tới cùng hay không.
14. Hãy thử mở rộng mạng lưới quan hệ, gặp gỡ những người mới, học hỏi từ họ và hợp tác với họ. Bạn không cần ép bản thân phải nói chuyện với người lạ ở các sự kiện nhàm chán. Mời một giáo viên mà mình ấn tượng đi uống cà phê và thuyết phục bà ấy làm việc với mình là cách mà tôi đã từng làm.
15. Đừng ngại chia sẻ kỹ năng và hiểu biết của mình với những người khác. Cho đi là sẽ được nhận lại. Đó có thể là một cơ hội hoặc là một kỹ năng nào đó bạn còn thiếu sót.
16. Chơi với những người tạo động lực cho bạn. Đừng nghe lời khuyên từ những người khiến bạn sợ hãi hay có suy nghĩ nghi ngờ chính bản thân mình. Hãy nhớ rằng, đó là nỗi sợ của họ, không phải của bạn. Vì thế, hãy cứ mặc kệ chúng.
Ảnh minh họa: Internet
17. Đừng lo về số tiền bạn dành cho khoảng thời gian này - bạn sẽ kiếm lại được trong tương lai, thậm chí còn nhiều hơn những gì đã bỏ ra.
18. Nếu bạn không còn đồng nào, hãy tìm kiếm sự hỗ trợ từ các khoản trợ cấp và phúc lợi dành cho người thất nghiệp. Tuy nhiên, sự trợ giúp lúc này chỉ là tạm thời. Hãy dùng nó là bàn đạp để đưa cuộc đời bạn sang một trang mới.
19. Tránh xa mọi thứ có thể hủy hoại sức khỏe của bạn (dù là về thể chất hay tinh thần).
20. Một công việc tạm thời sẽ giúp bạn xoay xở với đống hóa đơn sinh hoạt. Tuy nhiên, đừng để công việc này cuốn bạn đi. Hãy cố gắng kiên trì với mục tiêu đề ra ban đầu thì mới mong thu về thành quả.
21. Đừng quá lao lực, hãy cho mình được nghỉ ngơi và dành thời gian cho bản thân mỗi ngày. Làm việc nhiều hơn không có nghĩa là bạn sẽ làm được nhiều hơn. Đi dạo, tập yoga hay tập thiền không phải là những việc gây lãng phí thời gian, nó giúp bạn thoải mái hơn và có thêm không gian cho các ý tưởng mới.
(Theo Medium)