Kiểm chứng lại hồ sơ
Theo Bộ trưởng TN&MT, Viện nghiên cứu Hải dương học Nha Trang đang triển khai các bước để đánh giá lại hiện trạng môi trường; khảo sát lại hiện trạng ở khu vực nhận chìm 1 triệu m3 khối bùn xuống biển Bình Thuận; đánh giá hiện trạng môi trường ở những khu vực có liên quan để xem xét nó có bị ảnh hưởng từ việc nhận chìm hay không…
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, đây là cơ sở để đánh giá lại toàn bộ hiện trạng môi trường nền, từ đó so sánh đánh giá tác động mà DN xin nhận chìm đưa ra.
“Bộ sẽ kiểm chứng lại toàn bộ số liệu khảo sát đánh giá điều tra, đánh giá của tư vấn và DN liên quan đến đa dạng sinh học và nhiều vấn đề khác.
Khi và chỉ khi có báo cáo kiểm chứng của Viện Hải dương học, lúc đó mới có quyết định cần đối chứng lại toàn bộ; các giải pháp mà DN đưa ra trong hồ sơ là đúng hay không đúng”.
Bộ trưởng Hà nhấn mạnh: Bây giờ mọi người hiểu cấp phép là nhận chìm thì chưa đúng. Giấy phép mà Bộ TN&MT vừa ký chỉ là một trong các khâu của việc có cho phép DN được nhận chìm hay không.
“Cấp phép hiện nay là đang thực hiện các bước như tôi nói. Sau khi cơ quan chuyên môn khẳng định, môi trường nơi nhận chìm không có tính đa dạng sinh học hoặc các hệ sinh thái quần thể có giá trị đặc thù; xem xét các biện pháp giám sát, lúc đó mình mới thực hiện bước hai, tức là giao vùng biển cho họ.
Hiện tại, cấp phép mới là bước đầu tiên. Trong giấy cấp phép này, cơ quan nhà nước có quyền yêu cầu làm những giám sát độc lập, kiểm định môi trường…
Cụm nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân. |
Bản thân tôi cũng không ra biển được, chỉ thông qua các báo cáo khoa học của các cơ quan tư vấn. Bây giờ là lúc mình kiểm tra thực tế, sau đó sẽ đưa ra các bước thực hiện tuần tự".
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho hay, nếu giả sử, các bước kiểm tra, xác định của Viện Hải dương học Nha Trang cho thấy, san hô, hệ sinh thái ở vùng biển nhận chìm là phong phú thì không ai cho phép đổ thải ở khu vực đó.
“Lúc đó, Bộ sẽ yêu cầu dừng và phải xem xét lại toàn bộ những báo cáo của chủ dự án đưa ra. Hiện tại, đơn vị này đang làm hồ sơ theo đúng quy định pháp luật”.
Chưa bàn giao biển
Bộ TN&MT cũng đang đề nghị Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ thành lập một nhóm chuyên gia độc lập để giám sát, nghiên cứu ý kiến các nhà khoa học; xem xét các giải pháp trong việc cấp phép.
“Nếu họ thấy có điều gì không đáng tin cậy, mình sẽ tiếp tục bổ sung. Nếu chứng minh nó không thể làm được thì mình hoàn toàn có thể dừng.
Công việc bây giờ mình đang làm hoàn toàn theo một trình tự vừa đảm bảo cơ sở khoa học, vừa theo quy định pháp luật, và đang làm hết sức cẩn trọng để có thể xem xét tính đến tất cả các ý kiến thực tế của các nhà khoa học".
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói, đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện theo luật tài nguyên môi trường biển về việc nhận chìm bùn thải xuống biển.
“Trước đây, đã từng thực hiện nhận chìm ở Cái Lân, Lạch Huyện… nhận chìm tới 12 triệu m3. Người Nhật Bản làm đảm bảo an toàn.
Những kinh nghiệm như Nhật Bản làm thế nào, quá trình này Bộ đã tính đến những dự liệu có thể xảy ra, mình cũng yêu cầu chủ dự án thực hiện như vậy”.
“Bộ vẫn chưa bàn giao biển, vẫn đang chờ các nhà khoa học chuyên môn thẩm định. Còn có một giai đoạn là xem xét lại, kiểm chứng lại tất cả các cơ sở khoa học, sau đó nếu thấy ổn mình mới giao vùng biển” - Bộ trưởng khẳng định.
Trao đổi với VietNamNet, PGS.TS Võ Sỹ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang cho biết, đơn vị này đang kiểm tra thực địa tầng nền đang được xin ý kiến để Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 nhận chìm 1 triệu m3 bùn thải. Thời gian thực kiểm tra khoảng 2 tuần. |