Bộ trưởng Quốc phòng từ chức, Liên minh cầm quyền Israel gặp sóng gió

Thu Hoài |

Số phận Chính phủ của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang là một dấu hỏi lớn, 2 ngày sau quyết định từ chức bất ngờ của Bộ trưởng Quốc phòng.

Cùng với tuyên bố từ chức, Bộ trưởng Quốc phòng Avigdor Lieberman cũng thông báo việc đảng cánh hữu của ông sẽ rút khỏi liên minh của Thủ tướng Benjamin Netanyahu và kêu gọi một cuộc bầu cử sớm.

Một người phát ngôn của đảng Likud cầm quyền tại Israel mới đây thông báo, Thủ tướng Benjamin Netanyahu sẽ trực tiếp điều hành quân đội và các vấn đề liên quan tới lĩnh vực quốc phòng sau khi cuộc gặp giữa ông với đối tác quan trọng trong liên minh cầm quyền là Bộ trưởng Giáo dục Naftali Bennett của Đảng Ngôi nhà Do thái không đi tới thỏa thuận.

Cuộc gặp đã kết thúc bằng một tối hậu thư của đảng Ngôi nhà Do thái: hoặc ông Bennett sẽ giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng, hoặc là liên minh cầm quyền sẽ chấm dứt.

Cùng ngày, ông Netanyahu đã thảo luận qua điện thoại với một loạt đối tác trong liên minh, hối thúc họ “cố hết sức để tránh cho chính quyền cánh hữu bị đổ vỡ”. Đối với nhà lãnh đạo Israel, sự chấm hết của chính phủ được xem là thiên hữu nhất trong lịch sử Israel sẽ là một sai lầm lịch sử.

Ông quyết tâm sẽ bảo vệ chính phủ và không để mắc cùng một sai lầm như năm 1992 khi sự đổ vỡ của chính phủ cánh hữu khi đó giúp phe cánh tả lên ngôi và ký thỏa thuận hòa bình Oslo. Thủ tướng Benjamin Netanyahu luôn cho rằng văn kiện này là một thảm họa đối với Nhà nước Israel.

Việc từ chức của ông Lieberman và cuộc khủng hoảng chính trị sau đó diễn ra một ngày sau lệnh ngừng bắn đạt được giữa nước này với Phong trào Hồi giáo Hamas và các đồng minh tại dải Gaza.

Giải thích cho quyết định của mình, ông Lieberman cho rằng, lệnh ngừng bắn này gây tổn hại nghiêm trọng đến an ninh của Israel trong thời gian dài. Theo ông, những gì Chính phủ Israel đang làm chỉ là đổi lấy sự yên bình ngắn hạn, với cái giá phải trả sẽ gây ra thiệt hại lâu dài nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia.

“Quyết định từ chức của tôi xuất phát từ những vấn đề liên quan tới lệnh ngừng bắn, tới toàn bộ quá trình tiếp cận của chính phủ đối với Hamas. Đối với thôi, thỏa thuận hôm 13/11 là một sự đầu hàng trước khủng bố”, ông Lieberman nói.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, lần sóng gió này trên chính trường Ixraen mang nhiều toan tính chính trị hơn.

Ông Lieberman dường như muốn biến cuộc xung đột vũ trang, vốn xảy ra khá thường xuyên giữa nước này với phong trào vũ trang Hamas của Palestine thành cái cớ để thay máu chính phủ hiện nay, buộc Thủ tướng Netanyahu phải giải tán chính phủ và tiến hành tổng tuyển cử trước thời hạn.

Ông Lieberman kỳ vọng có thể nhằm vào tâm lý lo ngại về an ninh của cử tri khi trút hết trách nhiệm sang cho ông Netanyahu. Ông hiểu rõ, nếu không bầu cử sớm thì đảng của ông sẽ không còn cơ hội hiện diện trong quốc hội ở lần bầu cử định kỳ vào cuối năm tới.

Trong khi đó, ông Netanyahu lại chủ trương thỏa thuận ngừng giao tranh vũ trang với Hamas để tập trung chuẩn bị cho vận động tranh cử.

Chuyên gia phân tích Tovah Lazaroff của Israel nhận định: “Ông Lieberman đưa ra quyết định này, bởi ông ấy không muốn tiếp tục đi theo con đường của Thủ tướng Netanyahu, trong khi lập trường chính trị lâu dài của ông ấy và Thủ tướng là khác nhau. Ông ấy sẽ không thoát ra được cái bóng của ông Netanyahu, nếu không rời đi.”

Việc ông Lieberman và Đảng Yisrael Beiteinu của ông rời bỏ liên minh cầm quyền khiến số ghế trong Quốc hội Israel của liên minh cầm quyền từ 66 giảm xuống 61. Nếu 8 nghị sĩ từ đảng của ông Bennett cũng tuyên bố rời khỏi chính phủ, liên minh của Thủ tướng Netanyahu sẽ mất đa số.

Tuy nhiên, các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy đảng Likud có thể sẽ vẫn là lực lượng lãnh đạo sau cuộc bầu cử Quốc hội./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại