Bộ Quốc phòng Nga cho biết ông Belousov nhấn mạnh nguy cơ leo thang hơn nữa do Mỹ tiếp tục cung cấp vũ khí cho lực lượng vũ trang Ukraine. Các bên cũng thảo luận về những vấn đề khác.
Đây là cuộc trò chuyện đầu tiên giữa ông Belousov và ông Austin. Cuộc điện đàm diễn ra sau cuộc tấn công của Ukraine vào TP Sevastopol trên bán đảo Crimea, nghi sử dụng tên lửa ATACMS do Mỹ cung cấp. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov hôm 24-6 cáo buộc sự liên quan của Mỹ và Ukraine trong vụ tấn công ở Sevastopol là không thể chối cãi.
Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là sẽ "bật đèn xanh" các nhà thầu quân sự Mỹ bảo trì và sửa chữa hệ thống vũ khí ở Ukraine.
Đài CNN hôm 25-6 dẫn nguồn thạo tin cho hay sự thay đổi chính sách này vẫn đang được các quan chức Mỹ xem xét và vẫn chưa nhận được sự chấp thuận cuối cùng từ ông Biden. Việc cho phép các nhà thầu đến khu vực xung đột được coi là một trong những cách khả thi để giúp quân đội Ukraine chiếm thế thượng phong trước Nga.
Một trong những nguồn tin nói với đài CNN rằng ông Biden vẫn kiên quyết từ chối gửi lực lượng quân sự Mỹ tới Ukraine. Tuy nhiên, Tổng thống Biden đã nhiều lần chấp thuận việc Mỹ tăng cường can dự vào cuộc xung đột, bao gồm việc cung cấp xe tăng Mỹ và tên lửa tầm xa cho Kiev, dù trước đó tuyên bố sẽ không thực hiện các động thái này.
Việc dỡ bỏ lệnh cấm đối với các nhà thầu Mỹ hoạt động bên trong lãnh thổ Ukraine có thể là một bước tiến tới đối đầu trực tiếp với Nga.
Nếu được phê duyệt, sự thay đổi chính sách mới này sẽ được thực hiện vào cuối năm nay, cho phép Lầu Năm Góc ký hợp đồng thanh toán cho hàng chục công ty Mỹ có khả năng triển khai tới Ukraine. Việc triển khai như vậy có thể đẩy nhanh tiến trình sửa chữa các hệ thống vũ khí của Mỹ được lực lượng Ukraine sử dụng. Đến nay, phần lớn vũ khí của Mỹ bị hư hỏng trong cuộc xung đột đã được chuyển đến các nước khác, bao gồm Ba Lan và Romania, để sửa chữa.