Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ra đi: Đảng Dân chủ sợ điều TT Trump sẽ làm với quân đội trong chuyển giao quyền lực

Thu Ngọc |

Sự kiện Tổng thống Donald Trump đột ngột sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper vào ngày 9/11 làm dấy lên mối quan ngại sâu sắc từ các nghị sĩ Dân chủ tại Quốc hội Mỹ.

Đảng Dân chủ lo ông Trump dùng quân đội duy trì quyền lực

Các thành viên đảng Dân chủ cảnh báo rằng thêm một người gác đền có nhiệm vụ xem xét các ý tưởng về an ninh quốc gia đã “loại khỏi cuộc chơi”.

Ông Trump thông báo trên mạng xã hội Twitter vào thứ hai rằng ông đã "loại bỏ" Mark Esper, chấm dứt nhiều tháng đồn đoán về số phận của Bộ trưởng Quốc phòng sau khi hai người xảy ra bất đồng về việc triển khai quân đội để trấn áp các cuộc biểu tình bạo lực tại các thành phố hồi mùa hè.

Vài giờ sau khi thông báo, một loạt các nghị sĩ Dân chủ đã đưa ra cảnh báo rằng việc sa thải Bộ trưởng Esper có thể khiến nước Mỹ trở nên dễ bị tổn thương trong quá trình chuyển giao quyền lực tổng thống, làm xói mòn quyền lãnh đạo của quân đội và đưa các tướng lĩnh hàng đầu, do Chủ tịch Liên quân Mark Milley lãnh đạo, vào tình thế không an toàn.

Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Adam Smith cho biết đương kim tổng thống tước bỏ vị trí lãnh đạo Lầu Năm Góc sẽ làm nghiêm trọng hóa "các mối đe dọa" nước Mỹ phải đối mặt trong quá trình chuyển giao quyền lực.

"Sa thải các nhà lãnh đạo an ninh quốc gia đương chức trong quá trình chuyển đổi là một động thái gây bất ổn, chỉ khiến cho các đối thủ của chúng ta mạnh lên và khiến đất nước chúng ta đối mặt với nhiều rủi ro hơn," trích tuyên bố của ông Smith.

"Quyết định sa thải Bộ trưởng Esper của Tổng thống Trump không chỉ là trò trẻ con mà còn rất liều lĩnh," Hạ nghị sĩ Seth Moulton nói. Ông Moulton nói thêm "không nghi ngờ gì" Esper đã bị sa thải vì không “nghe lời” Tổng thống Trump.

"Tôi hy vọng rằng Tổng thống Trump sẽ không làm gì trong 11 tuần tới khiến cho Tướng Milley và Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân rơi vào tình thế cần phải đưa ra quyết định về một vấn đề dân sự và chính trị."

Mick Mulroy, cựu phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời ông Trump, nêu quan ngại: "Sự ổn định ở Bộ Quốc phòng trong thời điểm chuyển giao này là rất quan trọng. Việc Bộ trưởng Esper giữ quân đội không can dự vào các vấn đề chính trị trong nước và tính thống nhất trong hệ thống lãnh đạo mang ý nghĩa then chốt. Thay thế vị trí này ở thời điểm hiện tại là hành động thiếu trách nhiệm."

Thời gian trước cuộc bầu cử, một số nghị sĩ Dân chủ đã bày tỏ lo ngại rằng người đứng đầu Nhà Trắng có thể sử dụng lực lượng quân đội tại nước ngoài hoặc trong nước để giúp ông tiếp tục duy trì quyền lực. Các nhà lập pháp cũng cáo buộc Trump dùng chiêu trò chính trị với sự hiện diện của quân đội Mỹ ở nước ngoài, sau khi ông quyết định rút hết quân khỏi Afghanistan hồi cuối năm ngoái. Động thái này của Tổng thống mâu thuẫn với các quan chức Lầu Năm Góc, những người tuyên bố rằng việc cắt giảm thêm quân số sẽ chỉ dựa trên các điều kiện trên thực địa.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ra đi: Đảng Dân chủ sợ điều TT Trump sẽ làm với quân đội trong chuyển giao quyền lực - Ảnh 2.

Các nhà lập pháp và giới chức Mỹ tin rằng duy trì chức vụ của ông Esper là nhân tố quan trọng để bảo đảm chuyển giao quyền lực suôn sẻ, khi các hãng thông tấn Mỹ đã dự đoán ông Joe Biden đắc cử Tổng thống (Ảnh: AP)

Việc sa thải ông Esper ảnh hưởng chuyển giao quyền lực

Người thay thế ông Esper là Giám đốc Trung tâm Chống Khủng bố Quốc gia (NCTC) Christopher Miller. Ông Miller là một cựu chiến binh đã phục vụ trong quân đội từ năm 1983 đến năm 2014. Các cựu quan chức quốc phòng biết ông Miller nhận xét rằng ông là một nhà lãnh đạo có kinh nghiệm và năng lực.

Michael Martin, cựu phát ngôn viên của Không quân và Hội đồng An ninh Quốc gia, cho biết ông Miller thực sự là “một người yêu nước”. Ông lưu ý rằng ông Miller đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), cái chết của thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi, các cuộc đoàn tụ của các con tin Mỹ bị bắt giữ ở nước ngoài và các quyết định chính sách quan trọng khác, "dù ông không bao giờ thừa nhận công lao cho các thành tựu trên".

Ông Mulroy cho biết ông đã quen biết ông Miller 20 năm. "Ông ấy là một chuyên gia giỏi, rất có năng lực và tận tâm với đất nước," Mulroy nói.

Một quan chức bộ quốc phòng cho biết chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows thông báo cho ông Esper về quyết định sa thải chỉ vài phút trước khi nó được đăng lên. Theo một quan chức quân sự cấp cao, ngay sau khi nhận được tin thăng chức, ông Miller đã tập hợp các chỉ huy trưởng liên quân trong phòng họp của Lầu Năm Góc. Cuộc họp còn có sự tham gia trực tuyến của các tướng phụ trách các chiến trường.

Khoảng một tiếng sau bài đăng của tổng thống, ông Miller đã đến Lầu Năm Góc. Theo một quan chức cấp cao, ông Miller thông báo cho cho các nhân viên cấp cao của Lầu Năm Góc là không có sự thay đổi nào trong nhiệm vụ của họ vào lúc này.

Sự thay thế nhân sự này diễn ra sau khi có thông tin trong những ngày gần đây rằng Bộ trưởng Esper đã chuẩn bị sẵn một lá thư từ chức và các nhà lập pháp, các cựu quan chức quốc phòng và chuyên gia quân sự thuyết phục ông tiếp tục làm việc để đảm bảo quá trình chuyển giao quyền lực suôn sẻ.

Politico hôm 7/11 đăng tải báo cáo nói rằng các lãnh đạo Thượng viện hàng đầu cũng đã gây sức ép cho Nhà Trắng để giữ lại Bộ trưởng Esper.

Theo Politico, trong vài tháng qua ông Trump đã không tham khảo ý kiến người đứng đầu Lầu Năm Góc trong việc quyết định một loạt các chính sách. Lãnh đạo Lầu Năm góc hiếm khi xuất hiện trong những tuần trước cuộc bầu cử, một cách để vừa tránh được cơn thịnh nộ của Tổng thống vừa để giữ cho quân đội không biết tin tức trong bối cảnh cuộc bầu cử bị chia rẽ nghiêm trọng. Ông thực hiện nhiều chuyến công du và hầu như tránh nói chuyện với báo chí. Chỉ trong 2 tháng qua, ông đã đến thăm Bắc Phi, Địa Trung Hải, Trung Đông và Ấn Độ, cũng như các khu vực xung quanh Mỹ.

Trước khi bị sa thải, ông Esper có buổi phỏng vấn với tờ báo Military Times hôm 4/11 để chia sẻ di sản cá nhân và bảo vệ nhiệm kỳ Bộ trưởng Quốc phòng của mình. Ông đã thực hiện từng bước để chuyển hướng chiến lược sang đối phó với sự cạnh tranh từ Trung Quốc và Nga, và bắt đầu một cuộc đánh giá sâu rộng nhằm tìm ra và loại bỏ những khoản chi không hiệu quả trong ngân sách Quốc phòng.

Tuy nhiên, nửa sau thời gian nhậm chức của ông Mark Esper bị che phủ bởi đại dịch Covid-19, một cuộc khủng hoảng về vai trò của quân đội trong việc thực thi pháp luật dân sự và đối phó sự phân hóa trong quân đội.

Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại