Bộ trưởng NN&PTNT: Tiếp thu ngay để điều chỉnh những yếu kém, bất cập

Lê Sơn |

Phát biểu tại phiên thảo luận toàn thể của Quốc hội về chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP), Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong quá trình đi cùng đoàn giám sát, Bộ NN&PTNT đã tiếp thu ngay những kiến nghị, để điều chỉnh những bất cập yếu kém trong công tác quản lý của ngành.

Phát biểu tại phiên thảo luận toàn thể của Quốc hội về chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP), Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định rằng, việc giám sát tối cao của Quốc hội là nội dung rất đúng, rất trúng tâm tư và mong mỏi của cử tri, đồng thời cho thấy bức tranh về hiện trạng ATTP hiện nay.

Là một trong những đơn vị quản lý về ATTP, Bộ NN&PTNT nhận thấy trong vòng 8 tháng tổ chức giám sát, Quốc hội đã thực hiện một khối lượng công việc khổng lồ với việc giám sát 1/3 số tỉnh, thành trong cả nước, 210 cơ sở thuộc 8 ngành sản xuất, kinh doanh liên quan trực tiếp đến vấn đề này, làm việc với 3 bộ được giao nhiệm vụ quản lý lĩnh vực (Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế, Bộ Công Thương) cùng nhiều hội nghị chuyên đề. Qua đó, "vẽ nên bức tranh" về hiện trạng ATTP hiện nay.

Việc đoàn giám sát tổ chức giám sát khách quan các vấn đề với sự tham gia của lãnh đạo tại các địa bàn nóng bỏng, quan trọng để nắm thực tiễn về ATTP đang diễn ra ở các địa bàn.

Cụ thể, qua việc thực hiện chủ trương, chính sách và quá trình tổ chức thực hiện từ Trung ương xuống địa phương, các doanh nghiệp, người sản xuất và người liên quan, chúng ta đưa ra được 8 kết quả, 9 tồn tại yếu kém.

Bộ NN&PTNT đồng tình với đánh giá hiện nay.

Theo đó, trong 5 năm thực hiện Luật ATTP, chúng ta đã sản xuất được một khối lượng nông sản lớn, về cơ bản thoả mãn yêu cầu của người dân. Đồng thời, chúng ta cũng xuất khẩu chính ngạch đến 70 triệu tấn nông sản, với giá trị là 140 tỷ USD và thặng dư gần 43 tỷ USD.

Cùng với các kết quả khác, chúng ta đã đưa tuổi thọ trung bình của người dân lên 74 tuổi, điều này chứng minh trong thời gian qua chúng ta đã có nhiều cố gắng tích cực.

Về các yếu kém, tồn tại, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhất trí với 9 yếu kém mà đoàn giám sát báo cáo trước Quốc hội.

Trong đó, tồn tại và yếu kém nhiều hơn những kết quả làm được. Báo cáo cũng chỉ rõ trách nhiệm quản lý từ Trung ương, bộ, ngành đến tỉnh, thành, doanh nghiệp và hộ sản xuất.

Trong quá trình đi cùng đoàn giám sát, Bộ NN&PTNT đã tiếp thu ngay những bất cập yếu kém trong công tác quản lý của ngành. Đây cũng là cơ hội tốt cho ngành trong quá trình tái cơ cấu của mình.

"Chúng tôi không chỉ chờ đến khi ban hành Nghị quyết mới sửa đổi các bất cập" - Bộ trưởng cho biết và dẫn chứng: Ví dụ như vật tư đầu vào, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, các hoạt chất đưa vào chuỗi sản xuất… là các nội dung quản lý Nhà nước của Bộ NN&PTNT.

Bộ đã loại bỏ 600 sản phẩm và tiếp tục siết chặt hơn nữa đối với thuốc bảo vệ thực vật.

Bên cạnh đó, Bộ đã kiểm tra, rà soát, củng cố hệ thống phân phối, tăng cường thông tin để người dân sử dụng đúng lúc, đúng cách để góp phần giảm ngay độc hại của thuốc bảo vệ thực vật...

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay ngay trong quý III này, Bộ NN&PTNT sẽ trình Chính phủ dự thảo Nghị định về quản lý phân bón và Nghị định về chế tài xử phạt đối với phân bón giả, phân bón kém chất lượng nhằm góp phần bảo đảm chất lượng sản phẩm và môi trường, đồng thời từng bước đẩy mạnh, khuyến khích tiêu thụ phân hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp.

Sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết chuyên đề về ATTP, Bộ NN&PTNT sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết từ việc hoàn thiện thể chế đến tổ chức rà soát lại cơ cấu tổ chức của mình nhằm thực thi pháp luật từ Trung ương đến địa phương.

Đồng thời, tăng cường phối hợp liên ngành cùng địa phương để thực hiện nhiệm vụ được phân công, góp phần xây dựng nền sản xuất và chế biến thực phẩm an toàn, sạch phục vụ người dân và nền sản xuất hàng hoá hội nhập.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại