Quản lý chặt chẽ, kiểm tra nghiêm minh
Mới đây, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo Đề án "Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học… giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn 2030".
Trong đó, có nội dung từ 2018 đến 2025 cả nước sẽ đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ cho các cơ sở giáo dục, với tổng kinh phí đào tạo lên tới 12.000 tỷ đồng.
Bên lề kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã có trao đổi xung quanh đề án này.
PV: Xin Bộ trưởng cho biết đâu là lý do để Bộ xây dựng đề án đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ với kinh phí 12.000 tỷ đồng?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ ở nước ta hiện nay khoảng 21% như vậy là thấp nên phải nâng tỷ lệ này lên. Mục tiêu của đề án 911 là phải đạt 35%.
Với 9.000 tiến sĩ như trong đề án này thì cũng mới đạt được 30%. Bên cạnh đó, 9.000 tiến sĩ này cũng không phải là đào tạo mới và đề án này cũng không phải là đề án mới.
Đây là đề án chỉnh sửa, nâng cao chất lượng từ đề án 911, trong đó tập trung vào việc thu hút các tiến sĩ đã đào tạo ở nước ngoài. Rồi cơ chế, chính sách làm sao để cho các tiến sĩ làm việc tốt, đặc biệt là với các tiến sĩ kiêm nhiệm.
Chúng ta phải tạo điều kiện cho các nhà khoa học về các trường Đại học để cống hiến.
Thông tin về vấn đề này có thể chưa rõ, nên dư luận chưa hiểu hết. Đề án này không tập trung vào số lượng mà tập trung vào chất lượng để làm sao đáp ứng được yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, chứ không phải đào tạo tràn lan.
Nhiều ý kiến cho rằng, thực tế đào tạo tiến sĩ trong nước thời gian qua có nhiều vấn đề mà giờ chúng ta lại đặt ra mục tiêu đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ như thế, liệu có quản lý được không, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Trước đây có thể có cơ sở như vậy nhưng giờ thì khác. Bộ quản lý chặt chẽ bằng quy chế đào tạo tiến sĩ, kiểm tra rất nghiêm minh.
Vai trò quản lý Nhà nước được đề cao thông qua kiểm định chất lượng và giám sát, đưa ra quy chế đào tạo tiến sĩ với chuẩn từng bước tiếp cận quốc tế.
Còn người đi học và cơ sở đào tạo thì tiến tới họ phải có trách nhiệm về chất lượng đào tạo. Vai trò của Bộ là các chuẩn, quy chuẩn.
Chẳng hạn vừa rồi Bộ đã ban hành quy chế học phải có thời gian tập trung, phải có một bài đăng tạp chí quốc tế… đáp ứng được mới công nhận. Còn nếu cơ sở đào tạo nào không đáp ứng được quy chế đó thì không công nhận.
Thưa Bộ trưởng, theo đề án thì chúng ta sẽ giao chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ cho các cơ sở đào tạo, như vậy, việc kiểm soát sẽ thực hiện như thế nào để nâng cao chất lượng?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Ở đây, không giao chỉ tiêu mà Bộ sẽ đưa ra các cơ chế chính sách để quản lý chất lượng, khuyến khích và giám sát. Các cơ sở đào tạo căn cứ vào nhu cầu của mình phải có trách nhiệm.
Cách tiếp cận của đề án này là Nhà nước định hướng và hỗ trợ chứ không làm thay, còn các cơ sở giáo dục đào tạo và bản thân người đi học phải có trách nhiệm, đảm bảo chất lượng.
Nếu người đi học đáp ứng được các tiêu chuẩn, yêu cầu thì sẽ được Nhà nước cấp học bổng, có thể toàn phần, có thể một phần và như vậy sẽ mở rộng đối tượng ra tất cả mọi người đều có thể tham gia, cũng không phân biệt công lập hay tư thục.
Với kinh phí dự trù là 12.000 tỷ đồng để đào tạo tiến sĩ có phải sẽ "rót" về cho các cơ sở đào tạo không, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Không rót về cơ sở nào cả mà là cho những người trực tiếp đáp ứng được các tiêu chuẩn để được nhận học bổng.
Tức là số tiền này là dạng học bổng, ai giành được thì được hưởng để được Nhà nước ưu đãi đào tạo, chứ không phải chia tiền rót về địa phương, rót về các cơ sở.
Trong đề án này theo Bộ trưởng, việc thu hút những người sau khi được học bổng đi đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài trở về nước làm việc có khả quan hơn không?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Quan trọng là đào tạo phải gắn với nhu cầu sử dụng. Cụ thể, người sử dụng lao động có nhu cầu tuyển dụng, cử người đi học chứ không phải cứ đào tạo ồ ạt ra rồi tiến sĩ tự đi tìm việc.
Cách tiếp cận bây giờ là đào tạo phải gắn chặt với nhu cầu sử dụng lao động. Các cơ sở đào tạo phải có trách nhiệm, chủ động để quy hoạch và phát triển đội ngũ, trong đó có đội ngũ đào tạo.
Căn cứ vào đó, Bộ hỗ trợ bằng cơ chế chính sách, chứ không phải đề án là cử đi học, cắt biên chế rồi đi đào tạo xong không về.
Đổi mới cơ chế quản lý đào tạo về tiến sĩ trong đề án mới đây rất khác với truyền thống. Tổng số tiền không thay đổi, thậm chí trong số tiền đã được quốc hội phê duyệt chi, không nhất thiết cứ phải dùng hết mà phải căn cứ vào chất lượng đào tạo, nếu không tiêu hết thì trả lại Chính phủ.
Tôi nhấn mạnh lại quan trọng nhất là chất lượng đào tạo. Trong đề án này rất chú trọng đến đề cao trách nhiệm của cơ sở đào tạo và người đi học.
Còn vai trò của Bộ GD&ĐT là đưa ra cơ chế chính sách và định mức, để làm sao định mức đề ra không quá chênh với định mức của các tổ chức khác và khuyến khích người đi học.
Nâng cao chất lượng giáo viên thì lương phải tăng
Sắp tới là ngày 20/11, Bộ trưởng có định hướng gì trong việc cải tiến chính sách lương cho giáo viên, bởi đây là vấn đề đang có nhiều bức xúc?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Đây là vấn đề rất lớn và hiện nay Bộ đang rà soát lại chuẩn giáo viên, chuẩn hiệu trưởng, chuẩn cán bộ quản lý Nhà nước về giáo dục. Khi cải tiến chuẩn theo hướng tốt lên thì lương cũng phải đi theo.
Tất nhiên, Bộ không quyết định được vấn đề lương giáo viên nên Bộ đã làm việc với Bộ Nội vụ để cùng thống nhất trong thang bảng lương, đllàm sao triển khai thật tốt Nghị quyết 29 để giáo viên được hưởng thang bậc lương cao nhất.
Đồng thời, Bộ cũng đang sửa Luật Giáo dục, để đưa vị thế hay pháp điển chính sách đảm bảo tính đặc thù là thang bảng lương đi gắn kèm với trách nhiệm đội ngũ.
Khi mà yêu cầu nhà giáo phải cao hơn về chuẩn kiến thức, kỹ năng, đáp ứng yêu cầu đổi mới ngành giáo dục căn bản, toàn diện thì chế độ cũng phải phù hợp, còn nếu chỉ yêu cầu giáo viên phải nâng cao chất lượng mà chế độ vẫn như cũ thì không được.
Bộ GD có trách nhiệm phối hợp với Bộ Nội vụ, các Bộ khác để xây dựng, thống nhất cơ chế chính sách như vậy.
Đến nay qua làm việc sơ bộ, các Bộ trưởng khác cơ bản cũng thống nhất ủng hộ tinh thần này. Nhưng vấn đề là cụ thể thế nào để làm sao để trách nhiệm phải đi cùng với quyền lợi.
Với tư cách là Bộ trưởng đứng đầu ngành, tôi sẽ cố gắng tốt nhất trong khả năng của mình để tạo ra được môi trường thuận lợi cho các thầy cô và bảo vệ các thầy cô một cách chính đáng.
>> Xem thêm clip: Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình chia sẻ cảm giác "hồi hộp" trước phiên chất vấn
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình chia sẻ trước phiên chất vấn