Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Nếu trả lương cao sẽ không thiếu nhân lực, kỹ sư CNTT trả 10 triệu thì không có, 20 triệu sẽ có ít, còn trả 50 triệu thì bắt đầu thừa

Bình An |

"Nhiều khi mình nói thiếu nguồn nhân lực công nghệ cao nhưng không phải mà do lương thấp…. Do đó, chúng ta nói chuyện thiếu nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn nói chung nhưng phải ở các công đoạn và ở mức độ nào", Bộ trưởng Bộ Thông tin &Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ tại Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn mới đây.

3 lợi thế của Việt Nam trong ngành bán dẫn

"Khi làm Chiến lược quốc gia về ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam, chúng tôi có đánh giá về lợi thế của Việt Nam", Bộ trưởng Bộ Thông tin &Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ tại Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn do Văn phòng Chính phủ phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức mới đây.

Theo Bộ trưởng Hùng, lợi thế thứ nhất của Việt Nam là địa chính trị liên quan đến ngành công nghiệp bán dẫn.

"Nếu như lấy Việt Nam làm tâm quay vòng tròn thì sẽ gồm 80% ngành công nghiệp bán dẫn thế giới. Nghĩa là Việt Nam là trung tâm toàn cầu", ông Hùng nói.

Nếu lấy Việt Nam làm tâm quay vòng tròn thì sẽ gồm 80% ngành công nghiệp bán dẫn thế giới
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

Thứ hai, Việt Nam có lợi thế là người Việt Nam có gene về khoa học công nghệ. Lợi thế này Bộ trưởng Hùng nhìn nhận không kém gì lợi thế về địa chính trị.

Thứ ba, thế giới đang cơ cấu lại ngành công nghiệp bán dẫn theo hướng (X+1), tức là toàn bộ ngành công nghiệp bán dẫn chứ không chỉ là sản xuất, kể cả nghiên cứu phát triển thì cũng đặt vấn đề X+1, tức là nhân lực và nghiên cứu bán dẫn.

Hiện Mỹ cũng có nhu cầu thêm nguồn sản xuất nhân lực thiết kế chip từ các quốc gia khác, Việt Nam là một trong số ít nước này. Thế giới đang thiếu nguồn nhân lực về công nghiệp bán dẫn; sự thiếu hụt này trên toàn cầu nhưng là ngắn hạn, không phải dài hạn.

Chuyện tương quan giữa nguồn cung nhân lực và thu nhập

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Nếu trả lương cao sẽ không thiếu nhân lực, kỹ sư CNTT trả 10 triệu thì không có, 20 triệu sẽ có ít, còn trả 50 triệu thì bắt đầu thừa- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Theo Bộ trưởng Hùng, nhiều khi câu chuyện thiếu nguồn nhân lực công nghệ cao lại không hẳn, mà là do lương thấp.

"Nếu công việc được trả lương cao thì sẽ không có việc thiếu nguồn nhân lực ngay tại bây giờ. Nếu chúng ta trả lương cho kỹ sư công nghệ thông tin 10 triệu thì không có nhân lực, 20 triệu thì sẽ có ít nhân lực, 30 triệu có nguồn nhân lực, 40 triệu thì tốt hơn và 50 triệu thì bắt đầu thừa".

"Do đó chúng ta nói chuyện thiếu nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn nói chung nhưng phải ở các công đoạn và ở mức độ nào", Bộ trưởng nói.

Bên cạnh đó, việc thiếu nguồn nhân lực bán dẫn có tính ngắn hạn, cho nên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất ngoài việc đào tạo nghiên cứu dài hạn, thậm chí đào tạo tiến sĩ thì vẫn phải chú trọng trong ngắn hạn là đào tạo nhanh và cách tốt nhất là đào tạo lại hoặc đào tạo chuyển tiếp các kỹ sư công nghệ thông tin, công nghệ phần mềm, kỹ sự điện tử…

"Chúng ta đang có khoảng 600.000 đến 700.000 kỹ sư ngành này, đào tạo 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng,… là có thể sẵn sàng cho công nghiệp bán dẫn".

"Để làm được điều này, cần giáo viên, người hướng dẫn, cơ sở vật chất và lời giải ở đây là sự hợp tác giữa doanh nghiệp và đại học, sự đầu tư cơ sở vật chất của Nhà nước và các cơ sở đào tạo. Việc đào tạo thu hút giáo viên bán dẫn nước ngoài lúc này là ưu tiên nhất. Nhà nước đầu tư vào cơ sở vật chất cho công nghiệp bán dẫn cần đầu tư tập trung tại một chỗ và các cơ sở đào tạo sẽ dùng chung", ông Hùng nói.

Một vấn đề quan trọng khác, ngành công nghiệp bán dẫn là đầu vào của ngành công nghiệp điện tử, chiến lược công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam đã đặt công nghiệp bán dẫn trong một bức tranh lớn hơn là công nghiệp điện tử.

"Chưa có quốc gia nào "hóa rồng", "hóa hổ" mà không có ngành công nghiệp điện tử. Các quốc gia lớn ngành công nghiệp bán dẫn ở khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc đều có nền công nghiệp điện tử phát triển".

"Vì vậy, công nghiệp bán dẫn Việt Nam phải đi song hành với công nghiệp điện tử, nhân lực bán dẫn cũng phải đi song hành với nhân lực công nghiệp điện tử", Bộ trưởng gợi ý.

Việt Nam có khoảng 240 trường đại học, trong đó gần 160 trường có chuyên ngành đào tạo kỹ thuật, có khả năng chuyển đổi để đào tạo nhân lực bán dẫn; có 35 cơ sở đào tạo đang đào tạo các ngành có liên quan đến công nghiệp bán dẫn.

Trong 20 năm qua, Việt Nam đã đào tạo ra hàng trăm nghìn lập trình viên, hàng triệu nhân lực công nghệ thông tin, đây là cơ sở quan trọng khẳng định khả năng đào tạo 50.000 -100.000 nhân lực ngành bán dẫn đến năm 2030.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại