Cựu chỉ huy Hải quân Mỹ Richard Spencer chỉ trích nhà lãnh đạo Donald Trump can thiệp vào cuộc điều tra về hành vi phạm tội của đặc nhiệm SEAL Edward Gallagher.
“Cơ chế ngăn chặn ảnh hưởng từ mệnh lệnh chỉ huy là thứ khiến lực lượng vũ trang của chúng ta khác với các nước khác. Trong khi, hệ thống tư pháp quân sự của chúng ta đã góp phần xây dựng một lực lượng hải quân hùng mạnh nhất thế giới” - ông Spencer nói trong bài báo đăng trên Washington Post.
Ông lưu ý rằng, nước Mỹ đang dạy những người lính của mình phải kỷ luật và nguy hiểm, còn việc bảo vệ thường dân và đối xử công bằng với các tù nhân là yếu tố khác biệt của Hải quân Mỹ.
Nói về các giá trị cốt lõi đối với quân đội, ông Spencer lên án sự can thiệp của Tổng thống Trump vào vụ xử đặc nhiệm Gallagher, người bị cáo buộc phạm một số tội ác chiến tranh trong thời gian tại ngũ.
Điều đáng chú ý là, người lính đặc nhiệm này bị nghi ngờ sát hại một tù binh Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq, cũng như bị kết án tạo dáng chụp ảnh bên xác chết tù binh.
Cựu Bộ trưởng Hải quân Mỹ Richard Spencer. (Ảnh: AP)
“Ông Trump đã tham gia vụ án gần như ngay từ đầu. Trước khi phiên tòa bắt đầu vào tháng 3, tôi đã nhận được 2 cuộc gọi từ Tổng thống với yêu cầu hủy bỏ lệnh giam giữ đối với Gallagher. Tôi chắc chắn rằng, sự quan tâm của ông Trump có liên quan đến việc vụ án trở thành tâm điểm chú ý của giới truyền thông” - ông Spencer cho biết.
Tổng cộng Tổng thống Mỹ 3 lần can thiệp vào cuộc điều tra vụ án Gallagher - cựu Bộ trưởng chắc chắn. Lần cuối cùng là sau khi có lệnh tha bổng cho quân nhân từ phía tòa án. Tòa án xét xử Gallagher phạm tội tạo dáng chụp ảnh bên xác chết tù binh, nhưng tha bổng tội danh giết người. Hình phạt của anh ta chỉ là bị hạ quân hàm và mất một khoản tiền phụ cấp.
Ông Trump yêu cầu Hải quân Mỹ phục hồi quân hàm cho Gallagher, đồng thời cho phép anh ta giữ lại tất cả các huân huy chương và tiền thưởng - ông Spencer nói. Cựu quan chức coi việc gây ảnh hưởng của Tổng thống Mỹ là “gây sốc” và “chưa từng có tiền lệ”.
Bản thân vị Bộ trưởng này cũng bị cách chức vì bí mật liên hệ với các đại diện Nhà Trắng. Ông Spencer cố gắng đàm phán với chính quyền Trump để đưa ra đề nghị cho Gallagher xuất ngũ với đủ lương hưu của lính đặc nhiệm SEAL nếu Nhà Trắng không can thiệp vào vụ xử binh sĩ này.
Trong bài báo, nhà quân sự thừa nhận sai lầm của mình, nhưng cũng nhấn mạnh rằng, ông Trump “hiểu rất ít” về cách quân đội hoạt động và những quy tắc nào được thông qua trong các lực lượng vũ trang Mỹ.
“Tôi hiểu Tổng thống bày tỏ ý định của mình trên Twitter. Nhưng tôi vẫn không coi đó là mệnh lệnh chính thức” - cựu Bộ trưởng Spencer nói.
Vụ bê bối xung quanh Gallagher, ở một mức độ nào đó, đang chia rẽ Lầu Năm Góc: Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper ủng hộ đường lối của Tổng thống, trong khi Bộ Tư lệnh Hải quân, ngược lại, phản đối nhà lãnh đạo Mỹ.
Hải quân Mỹ nghiêm túc xem xét khả năng loại trung sĩ Edward Gallagher khỏi lực lượng SEAL, bởi nhiều nhân chứng xác nhận hành vi vi phạm của anh ta, và cũng có những bằng chứng không thể chối cãi. Chính vì điều này mà ông Spencer quyết định sắp xếp một giao kèo với Nhà Trắng để Gallagher ra khỏi lực lượng, nhưng vẫn giữ được các đặc quyền của mình.
Tuy nhiên, mọi việc đã bị ông Trump làm rối tung lên: người đứng đầu Nhà Trắng phát động một chiến dịch trên mạng xã hội nhằm ủng hộ người lính đặc nhiệm SEAL. Ông Esper coi hành động của Tổng thống là một mệnh lệnh và bắt đầu làm theo chỉ dẫn – mở đường cho việc thả tự do đối với Gallagher.
Nhà phân tích chính trị-quân sự, Viện nghiên cứu kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế, ông Sergey Oznobishchev, nhận định, ông Trump là một doanh nhân thường xuyên “chơi trên ranh giới phạm luật”.
“Ông Trump đặt ra câu hỏi về các giá trị tồn tại ở Mỹ trong nhiều thập kỷ. Ông ấy cũng hành động với một vụ án quân sự, đặt ra nghi ngờ về vấn đề đạo đức liên quan đến sự chấp nhận ảnh hưởng của mình” - chuyên gia cho biết.
Sự can thiệp của Tổng thống cuối cùng khiến tòa án quân sự ra phán quyết về số phận của Gallagher như ông Trump muốn, và ông Spencer bị sa thải. Tuy nhiên, người đứng đầu Lầu Năm Góc nhiều lần lên tiếng khẳng định rằng, việc sa thải Bộ trưởng Hải quân không liên quan đến vụ án xét xử lính đặc nhiệm SEAL.
“Không như những gì mà các phương tiện truyền thông nói, vụ sa thải này không liên quan đến Edward Gallagher” - ông Esper nói.
Ông Spencer đánh mất sự tín nhiệm của Bộ Quốc phòng Mỹ, và do đó quyết định sa thải ông được thông qua - người đứng đầu Lầu Năm Góc khẳng định.
Dưới thời ông Trump, không tồn tại một nguyên tắc ra quyết định nào cố định, và ở thời điểm hiện tại, ông ấy là nguyên tắc duy nhất - ông Oznobishchev nhận định.
“Việc đánh mất sự tín nhiệm của Tổng thống có lẽ do ông ấy đã làm điều gì đó khiến ông Trump không hài lòng. Đó là một tình huống hoàn toàn bình thường dưới thời ông Trump, bởi ở thời điểm hiện tại, không ai có thể tồn tại lâu được. Tất cả các quan chức Mỹ nên hiểu được điều này” - chuyên gia cho biết thêm.
Video: Ông Trump bất ngờ thăm binh sĩ Mỹ tại Afghanistan dịp lễ Tạ ơn.
Các phương tiện truyền thông Mỹ cũng có cùng quan điểm khi bình luận về hành động của người đứng đầu Nhà Trắng, đồng thời cho rằng, sự ra đi của Bộ trưởng Hải quân có liên quan đến sự thất vọng của ông Trump. Các nhà phân tích của Atlantic tin rằng, ông Spencer không còn trung thành với Tổng thống và do đó bị mất chức.
Ngoài ra, Tổng thống Mỹ, bằng hành động của mình liên quan tới vụ Gallagher, khiến người ta phải nghĩ rằng, kỷ luật quân sự là một cụm từ trống rỗng đối với ông, và ông chỉ tuân theo chính bản thân mình, không hơn.
“Có lẽ chính ông Trump sẽ nói rằng, kỷ luật chính là sự vâng lời đối với Tổng thống. Dù sao thì ông Trump cũng là Tư lệnh tối cao, do đó, đối với ông ấy, những khái niệm này không thể phân biệt được” - ông Oznobishchev kết luận.