Tại cuộc giải trình trước Ủy ban đặc trách chi tiêu thuộc Hạ viện Mỹ hôm 7.3, ông Spencer báo cáo việc Trung Quốc vừa thuê một cảng của Sri Lanka trong 99 năm với giá 1,3 tỉ USD, cho thấy Trung Quốc có nguồn tiền khổng lồ cho các dự án này, nhằm giành lợi thế trước Mỹ.
Bộ trưởng Soencer nói: "Trung Quốc không chỉ nhiều tiền được chi để hỗ trợ mục tiêu bành trướng quân sự và hoạt động kỹ thuật, mà còn vũ khí hóa nguồn vốn với việc họ đang tiến hành trên khắp thế giới. Khoản tiền bao la của họ khiến tôi thức suốt đêm".
Từ khi ông Tập Cận Bình làm lãnh đạo Trung Quốc, ông đã quyết hiện đại hóa Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) và mở nhiều tuyến đường thương mại khắp thế giới. Đó là hai nỗ lực mà các quan chức nhận định là sự thách thức các quyền lợi toàn cầu của Mỹ.
Ông Tập Cận Bình cũng củng cố vai trò Chủ tịch Quân ủy trung ương (CMC) và lập kế hoạch định hình PLA thành một lực lượng tầm cỡ thế giới "sẵn sàng chiến đấu" kể từ năm 2050. Ông còn muốn tổ chức PLA theo hướng có thể bảo vệ những quyền lợi mà Trung Quốc nhanh có được từ chương trình Một Vành đai Một Con đường trị giá 1,4 ngàn tỉ USD nhằm phục hồi Con đường tơ lụa xưa với những tuyến đường thương mại mới, nối khắp châu Á, châu Phi, châu Âu.
Bên cạnh vô số dự án xây dựng, cơ sở hạ tầng và thu gom tài nguyên từ Một Vành đai Một Con đường,Trung Quốc cũng lập quan hệ quân sự mới với các nước như Nga, Pakistan và nhất là khắp châu Phi. Hồi tháng 8.2017, Trung Quốc đã đưa căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài vào hoạt động, ở Djibouti (đông châu Phi), nơi cũng có căn cứ quân sự Mỹ, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Ả rập Saudi và Nhật Bản.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hôm 7.3 đã đến thủ đô Addis Ababa của Ethiopia, nơi dừng chân đầu tiên trong chuyến thăm châu Phi đầu tiên của ông, nhằm nỗ lực đề nghị các chính phủ châu lục này cẩn thận trong việc nhận tài trợ và đầu tư của Trung Quốc.
Tại cuộc họp báo, ông Tillerson nói các ước châu Phi nên cân nhắc trước những khoản cho vay hấp dẫn từ Bắc Kinh, nếu họ không muốn đổ nợ: "Chúng tôi không có ý ngăn dòng tiền Trung Quốc đổ vào châu Phi, nhưng các nước châu Phi cần phải cân nhắc kỹ lưỡng các điều khoản của những thỏa thuận cho vay của Trung Quốc để không đánh mất chủ quyền".
Ông Tillerson cũng chỉ trích cách Bắc Kinh cấu trúc các khoản cho vay "mập mờ", đồng thời cảnh báo các con nợ của Trung Quốc có thể "mất quyền kiểm soát chính các cơ sở hạ tầng và tài nguyên của nước mình" nếu chẳng may mất khả năng trả nợ. Chúng tôi ủng hộ sự tham gia của Trung Quốc, nhưng chúng tôi hi vọng họ sẽ chơi theo luật và thông lệ quốc tế và tôn trọng chủ quyền của các nước khác".
Đây là nỗ lực mới nhất nhằm khôi phục vị thế của Mỹ tại lục địa đen, trong bối cảnh các nước châu Phi đang dần ngả về phía Bắc Kinh để nhận viện trợ và đầu tư. Dù Mỹ là nước viện trợ nhân đạo lớn nhất của châu Phi, Trung Quốc mới là bạn hàng lớn nhất của châu lục này, vị trí mà Bắc Kinh đã nắm giữ kể từ sau khi soán ngôi Mỹ vào năm 2009.
Trung Quốc đã bơm hàng tỉ USD vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng tại đây, dù giới quan sát nhận xét nước này hầu như chỉ sử dụng lao động người Trung Quốc chứ không tạo ra nhiều việc làm cho lao động địa phương.