Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck. Ảnh: Reuhl
Dự kiến, Bộ trưởng Habeck sẽ tới Qatar vào hôm nay, 19/3, và gặp Quốc vương Sheikh Tamim bin Hamad Al-Thani. Sau đó, ông sẽ tới UAE vào Chủ nhật, 20/3, để hội đàm với một số bộ trưởng.
Qatar - một trong những nguồn xuất khẩu khí đốt tự nhiên hoá lỏng (LNG) lớn nhất thế giới - có thể đóng vai trò quan trọng giúp giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào năng lượng Nga .
Trên thực tế, có rất ít quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu năng lượng Nga như Đức, dù Berlin là nền kinh tế hàng đầu của châu Âu. Khoảng 55% nguồn khí đốt tự nhiên của Đức đến từ Nga.
“Một mặt, chúng tôi cần thêm LNG, tạm thời và trong thời gian ngắn. Chúng tôi muốn số nhiên liệu này được chuyển đến các cảng của Đức”, Bộ trưởng Habeck cho biết trong một tuyên bố trước khi khởi hành. “Mặt khác, nước Đức phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ khí tự nhiên sang nhiên liệu xanh”.
Qatar và UAE có tầm quan trọng đặc biệt có thể giúp Berlin đạt được mục tiêu này, ông Habeck nhấn mạnh.
Trước đó hồi đầu tháng, ông Habeck đã có chuyến thăm Na Uy và Mỹ với mục đích tương tự. “Tôi tin rằng sau các cuộc thảo luận mà chúng tôi đang thực hiện với Mỹ, Na Uy, Canada, Qatar…, sẽ có thêm nhiều khí đốt hoá lỏng được chuyển đến châu Âu và Đức”, ông Habeck nói với đài truyền hình ARD.
Berlin từng bị chỉ trích khi phản đối việc tẩy chay dầu khí Nga để trừng phạt nước này vì chiến dịch quân sự ở Ukraine. Berlin lo ngại việc này có thể làm tê liệt nền kinh tế Đức và khiến giá năng lượng vốn đang chạm đỉnh tiếp tục gia tăng.
Đức đặt mục tiêu chấm dứt hầu hết việc nhập khẩu dầu từ Nga vào cuối năm nay, nhưng việc dừng nhập khẩu khí đốt Nga sẽ mất nhiều thời gian hơn.
Hồi giữa tuần này, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã có chuyến thăm chớp nhoáng tới UAE và Ả Rập Saudi để hối thúc hai quốc gia này tăng nguồn cung dầu trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng chưa có tín hiệu hạ nhiệt.
Tuy nhiên, chuyến thăm của ông Johnson không đạt được kết quả như mong đợi.
Theo Straitstimes