Hai ông Tập-Biden điện đàm 110 phút: Nhà Trắng vẫn chưa hết lo, sẽ tiếp tục "theo dõi" TQ

Bách Tùng |

Theo đài CNN (Mỹ), sau cuộc điện đàm, Nhà Trắng cho biết họ vẫn chưa hết lo ngại và sẽ tiếp tục dõi theo những động thái tiếp theo của Trung Quốc.

Hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung Quốc vừa có cuộc điện đàm kéo dài 110 phút hôm 18/3 vừa qua. Ảnh: Express

Hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung Quốc vừa có cuộc điện đàm kéo dài 110 phút hôm 18/3 vừa qua. Ảnh: Express

Đài CNN (Mỹ) đưa tin, trong cuộc điện đàm cấp cao dài 110 phút hôm 18/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nỗ lực "can ngăn" Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hỗ trợ Nga trong cuộc xung đột quân sự với Ukraine.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết ông Tập đã khẳng định với nhà lãnh đạo Mỹ rằng cả hai nước đều có trách nhiệm đảm bảo hòa bình - câu nói mang hàm ý rằng Bắc Kinh không có ý định leo thang xung đột.

Tuy nhiên, CNN cho biết sau đó Nhà Trắng đã nói rằng cuộc điện đàm này vẫn chưa xua tan những lo lắng của Mỹ về khả năng can thiệp của Bắc Kinh trong cuộc chiến này.

Cụ thể, CNN dẫn lời người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho biết: "Chúng tôi có mối lo ngại đó. Tổng thống Biden đã nêu chi tiết những tác động và hậu quả nếu Trung Quốc hỗ trợ vật chất cho Nga" trong cuộc xung đột quân sự này.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi [Trung Quốc], và thế giới cũng vậy", bà Psaki nói.

Các quan chức cấp cao cho biết cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo đã diễn ra "trực tiếp", "thực chất" và "chi tiết", nhưng không nêu thêm chi tiết về nội dung được thảo luận.

Một quan chức nói với CNN rằng phần lớn cuộc trao đổi của hai nhà lãnh đạo tập trung vào cuộc xung đột ở Ukraine và những tác động của cuộc khủng hoảng đối với quan hệ Mỹ-Trung và "trật tự quốc tế", tuy nhiên chính quyền Mỹ từ chối công khai nêu chi tiết những tác động đó có thể là gì.

Mục tiêu của Tổng thống Biden trong cuộc điện đàm ngày 18/3 là để xác định lập trường chính xác của nhà lãnh đạo Trung Quốc, tuy nhiên không rõ liệu ông Biden đã đạt được mục tiêu này hay chưa. Theo lời Nhà Trắng, nhà lãnh đạo Mỹ đã không đưa ra bất kỳ yêu cầu cụ thể nào đối với ông Tập, mà thay vào đó là phân tích toàn cảnh tình hình quốc tế.

Theo người phát ngôn Nhà Trắng Psaki: "Trung Quốc phải tự đưa ra quyết định xem họ muốn đứng ở đâu, và họ muốn sử sách nhìn nhận họ và hành động của họ như thế nào. Đó sẽ là quyết định của Chủ tịch Tập".

Nhà Trắng cho biết, theo yêu cầu của hai nhà lãnh đạo, các quan chức hai nước sẽ tiếp tục thảo luận trong những ngày tới. Tổng thống Biden cũng dự định sẽ thảo luận về vai trò của Trung Quốc với các nhà lãnh đạo phương Tây khác tại hội nghị thượng đỉnh NATO vào tuần tới ở Brussels, Bỉ.

Quan điểm của nhà lãnh đạo Trung Quốc

Theo hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc CCTV, trong cuộc điện đàm, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói với Tổng thống Biden rằng, xung đột lẫn đối đầu chẳng có lợi cho bất kỳ ai và Trung Quốc cùng Mỹ có trách nhiệm nỗ lực vì hòa bình.

"Mối quan hệ giữa các quốc gia không thể đi tới giai đoạn đối đầu quân sự. Xung đột và đối đầu không có lợi cho bất kỳ ai. Hòa bình và an ninh là những báu vật được trân quý nhất trong cộng đồng quốc tế", CCTV dẫn lời ông Tập cho hay.

"Là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đồng thời là 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, chúng ta không chỉ dừng lại ở việc đưa quan hệ Mỹ-Trung phát triển đúng hướng, mà còn phải gánh vác các trọng trách quốc tế và nỗ lực vì hòa bình", ông Tập nói.

Chủ tịch Trung Quốc cho rằng thế giới hiện tại không hòa bình, cũng chẳng yên ổn. Ông Tập thừa nhận: "Cuộc khủng hoảng Ukraine là điều mà chúng ta không muốn chứng kiến"./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại