Theo nguồn tin Pháp Luật TP.HCM, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra hiện tượng nước biển xuất hiện vệt màu đỏ tại khu vực Cảng Vũng Áng và Sơn Dương (Hà Tĩnh).
Theo đó, ngày 19-1 và ngày 18-2 tại khu vực Cảng Vũng Áng (từ gần Nhà máy nhiệt điện Vũng áng 1 đến khu vực các hộ kinh doanh bè nổi tại Cảng Vũng Áng) và khu vực đê chắn sóng Cảng Sơn Dương của Formosa (FHS) xuất hiện nhiều vệt nước màu đỏ và nổi bọt.
Đồng thời trên mạng xã hội facebook xuất hiện một đoạn video quay một họng xả nước màu đỏ không rõ vị trí và cho rằng đó là họng xả của FHS.
Ngay sau khi nhận được các thông tin nêu trên, Bộ TN&MT đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, lấy mẫu nước biển để phân tích (mẫu thực vật phù du được gửi Viện Tài nguyên và môi trường biển Hải Phòng thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phân tích).
Kết quả phân tích 6 mẫu nước biển nhận thấy: tại Cảng Vũng Áng vị trí xa bờ 1000m và ở tầng đáy đạt quy chuẩn cho phép, mẫu nước sát bờ và cách bờ 500m ở tầng mặt có Amonia vượt từ 1,34-1,78 lần; Tại Cảng Sơn Dương có Amonia vượt 31,2 lần. Các thông số ô nhiễm khác đều đạt quy chuẩn cho phép.
Kết quả phân tích thực vật phù du trong 3 mẫu nước tại Cảng Vũng Áng (điểm sát bờ, cách bờ 500m và 1000m) và 1 mẫu tại Cảng Sơn Dương nhận thấy có sự xuất hiện mật độ rất cao của tảo Noctiluca scintillans (còn được gọi với tên khác là Noctiluca miliaris), càng gần bờ và tại vị trí nước có màu đỏ thì mật độ tảo càng cao.
Vệt nước màu hồng tại Cảng Vũng Áng mật độ đạt khoảng 46 tế bào/lml (tương ứng khoảng 46.000 tế bào/1 lít nước biển) và vệt nước màu đỏ tại Cảng Sơn Dương mật độ đạt khoảng 135.000 tế bào/1 lít nước biển.
Theo Bộ TN&MT, trong thời gian vừa qua có hiện tượng bùng phát mật độ rất cao của tảo Noctiluca scintillans (hay còn gọi là thủy triều đỏ) tại khu vực sát bờ của Cảng Sơn Dương và Cảng Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh.
Qua khảo sát các mẫu thu ngày 18-2 thấy rằng, tảo này đã bắt đầu tàn lụi.
Loài tảo này không sinh độc tố sinh học, nên không có nguy cơ gây ngộ độc cho người hay thuỷ sản.
Nhưng ở mật độ cao chúng có khả năng tích tụ Amonia với hàm lượng cao rồi giải phóng vào môi trường nước, gây tình trạng cạn kiệt ô xy trong nước, từ đó có thể gây chết thuỷ sản.
Từ trước đến nay, hiện tượng bùng phát mật độ tảo Noctiluca scintillans đã được ghi nhận tại một số vùng ven biển Việt Nam (người dân quen gọi là mé nước).