Nếu các chị em nghĩ rằng vải chỉ dùng để ăn trực tiếp và làm các món ngọt như đồ uống hay đồ tráng miệng thì hoàn toàn lầm to.
Quả vải còn có thể kết hợp để làm các món ăn mặn nữa đấy. Đặc biệt sự xuất hiện của quả vải trong các món ăn này không hề lạc lõng mà trái lại vải lại giúp món ăn có vị ngon đặc biệt.
Gà hấp vải
Nguyên liệu: 1 con gà 800g loại ngon, 1kg vải, muối hạt.
Cách làm gà hấp vải
- Vải bóc xỏ, xé nhỏ cùi vải, bóp ra nước rồi cho vào thố to.
- Bóc vỏ vài quả vải và để nguyên.
- Làm sạch gà, xẻ đôi moi ruột ra rồi cho quả vải còn nguyên quả vào giữa.
- Cho gà vào thố vải và thoa đều nước vải lên khắp thân gà cho ngấm.
- Bảo quản gà trong ngăn mát tủ lạnh trong ít nhất 2 tiếng hoặc để qua đêm gà sẽ ngon hơn.
- Cho nước vải và cả phần cùi vải vào dàn đều trong nồi rồi xếp thêm một lớp muối hạt.
- Đặt gà lên trên và đậy nắp hấp trên lửa nhỏ trong thời gian từ 45 phút đến 1 tiếng.
Món gà hấp vải có phần thịt gà rất thơm và ngọt thịt.
Vải không chỉ là loại quả tráng miệng ngon ngọt, hấp dẫn mà còn là thuốc chữa bệnh trong Đông y, là thức ăn dưỡng nhan hiệu quả.
Một trong những người dưỡng nhan thành công nhờ ăn vải được lưu truyền trong sử sách chính là Dương Quý Phi.
Theo cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội), quả vải có công dụng làm tỉnh táo tinh thần, minh mẫn trí óc, tăng sức lực, tăng thân nhiệt, trừ hàn, tráng dương, tiêu thũng, làm đẹp nhan sắc.
Vải nhồi phô mai chiên giòn
Nguyên liệu: 10 quả vải, 1 quả trứng, 50g phô mai mozzarella, bột mì, bột chiên xù, dầu ăn
Cách làm vải nhồi phô mai chiên giòn
- Vải bóc vỏ, bỏ hạt một cách thật khéo léo để giữ được nguyên hình tròn của phần cùi vải. Cắt nhỏ phô mai rồi cho vào bên trong cùi vải.
- Trứng đánh tan. Lăn vải qua bát đựng bột mì, rồi thả vào bát trứng.
- Lấy vải ra từ bát trứng, lăn đều vào bát đựng bột chiên xù để bột bao đều vải. Làm nóng chảo hoặc nồi chiên với nhiều dầu ăn rồi thả vải vào chiên đến khi lớp vỏ ngoài có màu vàng nâu đẹp mắt là được.
- Vải chiên xong bạn lấy ra đĩa có lót sẵn giấy thấm dầu, để khoảng 2 phút cho ráo bớt dầu là có thể dùng được.
Món ăn này chắc chắn các bé sẽ thích lắm đây.
Salad quả vải
Nguyên liệu: 1 quả xoài, 8 quả vải, 1 quả chanh leo, một hộp sữa chua không đường, 1 thìa mật ong, 1/2 quả chanh, 1/4 thìa cà phê muối, lá bạc hà.
Cách làm salad vải
- Vải bóc vỏ, dùng dao nhọn tách lấy cùi.
- Xoài bóc vỏ cắt miếng nhỏ.
- Chanh leo bổ đôi, dùng thìa múc hết ruột ra bát.
- Trộn hỗn hợp nước sốt gồm 1 hộp sữa chua, 1 thìa mật ong, nước cốt 1/2 quả chanh, 1/4 thìa cà phê muối vào bát, trộn đều và nêm nếm lại vị sao cho vừa ăn.
- Cho các loại hoa quả và bát, cho hỗn hợp sốt sữa chua đã trộn ở trên vào, đảo nhẹ, cho vào ngăn mát tủ lạnh 30 phút rồi bày ra bát, rắc lá bạc hà lên và thưởng thức.
Món salad vải kết hợp xoài và chanh leo ăn cùng sốt sữa chua vừa ngon vừa đẹp mắt.
Thịt viên xào vải
Nguyên liệu: 300g thịt viên (thịt bò, thịt heo hoặc thịt gà viên tùy thích), 200g quả vải, 1 quả trứng gà, 1 quả ớt chuông đỏ và 1 quả ớt chuông vàng, hành lá, muối, dầu hào, hạt tiêu, nước dùng
Cách làm thịt viên xào vải
- Vải bóc vỏ, dùng dao nhọn tách lấy cùi.
- Thịt viên rán vàng.
- Cắt nhỏ hành và ớt chuông thành miếng vừa ăn.
- Bắc chảo lên bếp, cho một chút dầu ăn rồi cho dầu hào vào chảo và xào ớt. Sau đó cho tiếp vải vào xào cùng.
- Tiếp theo cho thịt viên vào xào chung và thêm cả một chút nước dùng nếu có.
- Cuối cùng, cho hành lá và xào với lửa to khoảng 2 phút. Bạn nhớ nêm nếm lại gia vị cho vừa miệng nhé!
Món thịt viên xào vải rất bắt mắt và lạ miệng các chị em nhỉ?
Cà ri trái vải
Nguyên liệu: 100g sốt cà ri xanh của Thái, 300g thịt gà, 100g đậu cô ve, 400ml nước cốt dừa, 250ml nước, 10 trái vải tươi, một muỗng canh dầu olive, 1 thìa hành tỏi băm nhuyễn, 1 thìa nước mắm.
Cách làm cà ri trái vải
- Vải bóc vỏ, dùng dao nhọn tách lấy cùi.
- Đậu cô ve cắt khúc vừa ăn. Chần đậu cô ve đến khi chín tới thì vớt ra, để ráo.
- Làm nóng dầu olive. Cho hành tỏi băm nhuyễn vào xào đến khi vàng thơm. Sau đó cho sốt cà ri vào đảo đều.
- Cho nước cốt dừa và nước vào hỗn hợp . Khuấy đều để sốt cà ri hoà tan.
- Cho gà cùng vải vào hỗn hợp và nấu ở lửa riu riu.
- Cuối cùng cho đậu ve vào nồi cà ri và nêm nếm vừa ăn.
Các chị em cũng có thể thay thịt gà bằng thịt vịt cũng rất ngon nhé!
Cơm rang vải
Nguyên liệu: 10 quả vải, 1 thìa tỏi băm, 2 cái xúc xích, 50g xá xíu, 1 quả trứng gà, 1 bát cơm trắng, 30g hạt điều, các loại gia vị (hạt nêm, nước tương, hạt tiêu).
Cách làm cơm rang vải
- Vải bóc vỏ, dùng dao nhọn tách lấy cùi.
- Xúc xích cắt hạt lựu.
- Bắc chảo lên bếp, cho dầu ăn thêm tỏi băm vào phi thơm.
- Tiếp tục cho xúc xích, xá xíu, 1 quả trứng gà vào đảo. Sau đó cho cơm trắng vào đảo đều.
- Nêm nếm cơm với hạt nêm, nước tương vừa ăn. Đảo đều chảo cơm cho thấm gia vị.
- Cho vải, hạt điều vào đảo đều.
- Thêm hành lá, hạt tiêu, đảo qua 1 lần nữa rồi tắt bếp bày ra đĩa.
Sự xuất hiện của quả vải khiến món cơm rang có hương vị rất đặc biệt.
Theo lương y Bùi Hồng Minh (Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội), quả vải tươi chứa hàm lượng đường cao, bệnh nhân tiểu đường không nên ăn vì gan không chuyển hóa hết fructose. Lúc đó, lượng đường trong máu sẽ tăng cao bất thường.
Ngoài ra, những người có bệnh tích đờm trong cổ họng, đang bị bệnh thủy đậu, rôm sảy, lẹo mắt, cũng cần kiêng ăn vải vì có thể khiến tình trạng bệnh thêm nặng nề hơn.
Bà bầu muốn ăn vải cũng cần tham khảo ý kiến bác sĩ. Loại quả này rất ngọt, có thể dẫn đến tiểu đường thai kỳ cực nguy hiểm nên không được tùy tiện.