1.
Thời hiện đại, chiến công của các chiến binh được ghi nhận bằng các loại huân, huy chương. Ở nước ta thời Trần, các vị tướng lập chiến công được nhà vua ban thưởng các loại binh phù đặc biệt, được chế tác bằng vàng, bạc tinh xảo.
Triều Trần, Phạm Ngũ Lão là vị tướng trong Sử ký có tên chỉ xếp sau Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, người thống lĩnh quân dân ta hai lần đánh tan các cuộc xâm lược lần thứ 2 và 3 của quân Nguyên.
Tượng đài Trần Hưng Đạo.
Bởi vì các danh tướng như Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư tuy đều lập những chiến công to lớn trong các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông, nhưng Phạm Ngũ Lão còn chỉ huy quân đội trong rất nhiều chiến dịch đánh dẹp sau này, góp công đưa thanh thế của nhà Trần vang lừng trong khu vực.
Do đó, với số lượng chiến công đồ sộ, Phạm Ngũ Lão đã được các vị vua Trần ban tặng rất nhiều loại binh phù quý giá, từ vân phù, hổ phù, quy phù, ngư phù…
2.
Theo một số tài liệu, Phạm Ngũ Lão sinh năm 1255, là cháu 8 đời của danh tướng Phạm Hạp đời nhà Đinh. Ông là người góp công rất lớn trong cả hai cuộc kháng chiến chống Mông - Nguyên lần thứ hai năm 1285 và lần thứ ba năm 1288.
Tên tuổi của ông gắn với chuyện ra mắt Hưng Đạo vương qua điển tích "giữa đường đan sọt", khi ông ngồi giữa đường hành quân của vương mà đan sọt, dù quân lính đâm giáo vào đùi chảy máu vẫn điềm nhiên như không biết. Đến khi Hưng Đạo vương gọi hỏi, ông mới giật mình cáo lỗi rồi lần lượt trả lời trôi chảy mọi câu hỏi của vương.
Hình minh họa.
Nghe khẩu khí và biết trình độ của người trai trẻ, Hưng Đạo vương cảm mến, sai lính lấy thuốc trị vết thương rồi cho đi theo. Sau đó, Hưng Đạo vương gả con gái nuôi cho ông rồi dùng làm gia thần. Vì được vương dạy bảo thêm, nên Phạm Ngũ Lão tài trí hơn người, được vương tiến cử lên vua.
Lại có truyền thuyết nữa về việc khi Phạm Ngũ Lão được cử cai quản quân Cấm vệ, vệ sĩ biết ông là nông dân nên không phục, muốn cùng ông thử sức. Phạm Ngũ Lão bằng lòng, nhưng trước khi vào đấu sức, ông xin về quê 3 tháng.
Về quê, ngày nào Phạm Ngũ Lão cũng ra cái gò lớn ngoài đồng, đứng cách một tầm mà nhảy lên, nhảy mãi cho đến khi cái gò bị sạt mất một nửa. Hết hạn, ông trở về cấm thành, cùng các vệ sĩ so tài. Thấy ông tiến thoái như bay, tay đấm, chân đá thoăn thoắt, xem ra sức có thể địch nổi cả vài chục người, quân vệ sĩ đều bái phục ông.
Năm 1290, vua Trần Nhân Tông giao cho ông cai quản quân Thánh Dực, phong chức Hữu Kim ngô Đại tướng quân.
3.
Năm Giáp Ngọ (1294) thượng hoàng Trần Nhân Tông thân dẫn quân đi đánh Ai Lao. Trận này Trang Thành vương làm tiên phong, bị quân Ai Lao vây, nhờ Phạm Nguc Lão đem quân giải vây rồi tung quân đón đánh lại, nên quân giặc bị thua. Vì chiến công này, Phạm Ngũ Lão được ban kim phù (phù bằng vàng).
Năm Đinh Dậu (1297), Phạm Ngũ Lão lại đem quân đi đánh quân Ai Lao và lập công. Đại Việt sử ký toàn thư viết: "Nước Ai Lao xâm lấn sông Chàng Long (có lẽ là đoạn thượng nguồn sông Mã giáp Thanh Hóa)". Phạm Ngũ Lão đem quân đánh, quân giặc thua, lấy lại được đất cũ, nên được vua ban thưởng vân phù (phù vẽ hình mây).
Năm 1298, Phạm Ngũ Lão được phong làm Hữu Kim ngô vệ Đại tướng quân, sang năm sau, ông lại được thăng làm Thân vệ tướng quân kiêm quản quân Thiên Thuộc phủ Long Hưng.
Năm Tân Sửu (1301), nước Ai Lao lại sang cướp miền Đà Giang. Vua Trần Anh Tông sai Phạm Ngũ Lão đi đánh, gặp quân địch ở Mường Mai, giao chiến bắt được quân địch rất nhiều. Với chiến công này, Phạm Ngũ Lão lại được phong làm Thân vệ Đại tướng quân và được ban quy phù (tức binh phù có chạm hình con rùa).
Năm 1302, có tên nghịch thần tên Biếm làm loạn, sai Phạm Ngũ Lão đi đánh, giết chết têm Biếm. Lần này vua phong Phạm Ngũ Lão làm chức Điện súy, ban cho hổ phù (binh phù chạm hình đầu hổ).
Năm 1312, Phạm Ngũ Lão lại theo Trần Anh Tông đi đánh Chiêm Thành. Trận đấy, vua Trần bắt được vua Chiêm là Chế Chí đem về Thăng Long.
Năm 1318, vua Trần Minh Tông lại sai Huệ Võ Đại vương Trần Quốc Chẩn đi đánh Chiêm Thành. Hiếu Túc hầu Lý Tất Kiến bị tử trận, nhưng Phạm Ngũ Lão quản Thiên Võ quân tung quân đánh phía sau, quân giặc thua chạy, bắt được rất nhiều. Sau chiến công này, Phạm Ngũ Lão được phong tước quan nội hầu, lại ban cho phi ngư phù (phù hình con cá bay) và cho con làm quan.
Phạm Ngũ Lão qua đời năm 1320, lúc đang giữ chức Điện súy Thượng tướng quân, thọ 66 tuổi. Vua Trần Minh Tông thương tiếc cho nghỉ chầu tới 5 ngày, là ân điển đặc biệt thời bấy giờ.
Phạm Ngũ Lão có người con gái được vua Trần Anh Tông lấy làm thứ phi. Nhưng bà không có con, đến năm 1309, bà xin xuất gia, vua đồng ý.
Sử nhà Trần viết ông coi quân lính có kỷ luật, đối đãi với tướng hiệu như người nhà, cùng quân lính chia ngọt sẻ đắng, cho nên đánh đâu không ai địch nổi. Mỗi khi Phạm Ngũ Lão đưa quân đi đánh dẹp, lấy được chiến lợi phẩm gì đều bỏ vào việc chi dùng cho quân lính, coi của cải như không, nên ông xứng đáng là danh tướng giỏi trong một thời.
Ngũ Lão xuất thân trong hàng quân ngũ, nhưng thích đọc sách, là người phóng khoáng, có chí làm việc lớn, thích ngâm thơ, ít để ý về việc võ, từng làm bài thơ Thuật hoài được nhiều người ca ngợi. Quân của ông đều một lòng thân yêu như cha với con, nên đánh đâu được đấy.
Sử thần Ngô Sĩ Liên thời Lê nhận định về ông: "Tôi thấy các tướng giỏi đời Trần như Hưng Đạo vương thì học vấn tỏ ra ở bài hịch (Dụ chư tì tướng hịch văn), Phạm điện súy thì hiện ra ở câu thơ (bài Thuật hoài), không chỉ chuyên về võ mà thôi, mà dụng binh tinh diệu, chiến tất phải thắng, đánh tất lấy được, người xưa không ai hơn".