Bổ sung gần 8.000 tỉ đồng tăng vốn, Vietnam Airlines thoát âm vốn chủ sở hữu

D.Ngọc |

Vietnam Airlines khẳng định sau khi phát hành thêm gần 800 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu, hãng được bổ sung đáng kể về nguồn vốn và dòng tiền, đảm bảo điều kiện niêm yết trên sàn HoSE.

Thời gian qua, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh phức tạp và kéo dài, Vietnam Airlines bị thâm hụt dòng tiền và suy giảm vốn chủ sở hữu - một chỉ tiêu tài chính có vai trò quan trọng trong việc nắm bắt và kiểm soát tình hình sức khỏe về tài chính của doanh nghiệp, đồng thời đại diện cho giá trị cổ phần của nhà đầu tư.

Trước tình hình khó khăn đó, Vietnam Airlines đã thực hiện nhiều giải pháp tài chính và tái cơ cấu để cân đối dòng tiền, nguồn vốn và duy trì sản xuất kinh doanh. Mới đây nhất, Vietnam Airlines đã triển khai thành công phương án phát hành thêm cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ.

Cụ thể, đợt phát hành đã chào bán 800 triệu cổ phiếu từ ngày 5-8 đến 14-9-2021 và kết thúc với 796,1 triệu cổ phiếu được phân phối cho 27.627 cổ đông, tương ứng 99,51% tổng số cổ phiếu chào bán với số tiền thu được là hơn 7.961 tỉ đồng.

Với kết quả đợt phát hành cổ phiếu này, Vietnam Airlines đã được bổ sung đáng kể nguồn vốn và dòng tiền, các chỉ số tài chính được cải thiện đảm bảo đáp ứng các điều kiện niêm yết trên sàn chứng khoán HOSE.

Trước đó, vào tháng 7 vừa qua, Đại hội cổ đông thường niên năm 2021 của Vietnam Airlines đã thông qua phương án phát hành thêm cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ với quy mô 8.000 tỉ đồng. Trong đó, Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước đã đầu tư 6.894,9 tỉ đồng để mua cổ phiếu thuộc quyền mua của cổ đông Nhà nước tại Vietnam Airlines.

Bên cạnh đó, Tập đoàn ANA - cổ đông chiến lược của Vietnam Airlines - đã chuyển nhượng quyền mua 70 triệu cổ phiếu cho cán bộ, nhân viên Vietnam Airlines mà không yêu cầu bất kỳ nghĩa vụ tài chính nào cho việc chuyển nhượng quyền mua. Quyền mua cổ phiếu của ANA đã được phân bổ đều cho hơn 13.000 người lao động.

Hiện tại, các cổ đông lớn nhất của Vietnam Airlines với tỷ lệ sở hữu tương ứng là Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (55,20%), Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước (31,14%) và Tập đoàn ANA (5,62%).

Dự kiến, Vietnam Airlines sẽ sử dụng số tiền thu được từ đợt phát hành cổ phiếu để bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và bù đắp thâm hụt dòng tiền, hỗ trợ thanh khoản, qua đó giúp cải thiện năng lực tài chính vốn đang chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh.

Vừa qua, một thông tin gây nên nhiều ý kiến trái chiều là việc Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (mã chứng khoán HVN) đã kiến nghị xem xét doanh nghiệp là trường hợp đặc biệt, được duy trì niêm yết cổ phiếu trên HoSE trong giai đoạn ngắn có thể bị âm vốn chủ sở hữu.

Căn cứ quy định của Luật chứng khoán, một trong những điều kiện để hủy niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán là doanh nghiệp bị lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ trên báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2021, tính đến cuối quý 2 vừa qua, Vietnam Airlines lỗ lũy kế hơn 17.770 tỉ đồng, trong khi vốn điều lệ xấp xỉ 14.183 tỉ đồng, âm vốn chủ sở hữu hơn 2.750 tỉ đồng. Nếu đến ngày 31-12-2021, khoản lỗ lũy kế vẫn vượt quá số vốn điều lệ, thì cổ phiếu HVN sẽ rơi vào diện hủy niêm yết bắt buộc.

Nếu không được đặc cách, cổ phiếu của Vietnam Airlines nhiều khả năng sẽ chuyển từ sàn HoSE xuống sàn UPCoM, khi đó giá cổ phiếu nhiều khả năng sẽ biến động vì các quỹ đầu tư bán ra. Doanh nghiệp cũng gặp khó trong việc tăng vốn, khó phát hành thêm cổ phiếu, phải lấy vốn từ ngân sách.

Việc chuyển xuống sàn chứng khoán có tiêu chí thấp hơn cũng khiến doanh nghiệp gặp bất lợi khi huy động vốn qua kênh trái phiếu, như có thể không có người mua, lãi suất phải trả cho nhà đầu tư cao, hình ảnh thương hiệu bị ảnh hưởng.

Năm 2020, Vietnam Airlines kiến nghị gói trợ cấp trị giá 12.000 tỉ đồng, gồm việc cho vay tái cấp vốn (4.000 tỉ đồng) và phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ (8.000 tỉ đồng) để tháo gỡ khó khăn vì Covid-19. Ngoài ra, trong giai đoạn trung và dài hạn, Chính phủ bảo lãnh cho Vietnam Airlines phát hành trái phiếu 10 năm, quy mô 10.000 tỉ đồng để thực hiện dự án đầu tư đội bay giai đoạn 2021-2025.

Cuối tháng 11-2020, Quốc hội đồng ý "giải cứu" Vietnam Airlines với việc cho phép Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cấp vốn và gia hạn không quá 2 lần với ngân hàng để cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, cho phép Vietnam Airlines chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ.

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư quy định về tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng sau khi tổ chức tín dụng cho Vietnam Airlines vay và cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro đối với khoản nợ của Vietnam Airlines do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thành xong việc tái cấp vốn cho các ngân hàng (Seabank tối đa 2.000 tỉ đồng, MSB tối đa 1.000 tỉ đồng, SHB tối đa 1.000 tỉ đồng) để các ngân hàng cho Vietnam Airlines vay. Vietnam Airlines và 3 ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ và thực hiện giải ngân tổng số tiền 4.000 tỉ đồng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại