Cuối tháng 8 vừa qua, Vietnam Airlines đã công bố báo cáo tài chính quý 2/2021. Không nằm ngoài dự đoán, Vietnam Airlines tiếp tục thua lỗ trong bối cảnh các đường bay quốc tế chưa thể mở trở lại còn các đường bay nội địa cũng bị hạn chế.
Cụ thể, doanh thu Vietnam Airlines tiếp tục ở mức thấp khi chỉ đạt 6.537 tỷ đồng, lỗ gộp gần 3.500 tỷ đồng, tăng 22% so với số lỗ năm trước. Trừ đi các loại chi phí, Vietnam Airlines báo lỗ 4.471 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh, lỗ trước thuế 4.466 tỷ đồng và lỗ ròng 4.449 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng, Vietnam Airlines đạt doanh thu thuần gần 14.000 tỷ đồng và lỗ trước thuế 8.450 tỷ đồng. Doanh thu giảm 44% và số lỗ tăng 64% so với 6 tháng 2020.
Đến cuối tháng 6/2021, Vietnam Airlines đã chính thức âm vốn chủ sở hữu 2.750 tỷ đồng, lỗ lũy kế 17.771 tỷ đồng.
Mặc dù bức tranh tài chính chưa mấy sáng sủa, thế nhưng trên sàn chứng khoán, cổ phiếu của Vietnam Airlines đang có chuỗi tăng ấn tượng trong tháng 9. Sau 5 phiên, mã HVN chỉ giảm nhẹ phiên 1/9, sau đó tăng liên tiếp 4 phiên gần đây, trong đó đáng chú ý phiên 9/9 cổ phiếu này tăng trần, lên 23.950 đồng/cổ phiếu. Sau 4 phiên, giá HVN đã tăng hơn 14%.
Đây là mức giá cao nhất của HVN trong hơn 4 tháng qua. Thanh khoản của HVN cũng lên cao khi gần 2,4 triệu cổ phiếu được giao dịch, gấp gần 5 lần trung bình.
Theo quan sát, không chỉ cổ phiếu của Vietnam Airlines mà các mã của Vietravel, Vietjet Air cũng tăng giá mạnh trong tuần qua.
Các cổ phiếu hàng không bất ngờ hút dòng tiền sau khi đón nhận thông tin Cục Hàng không đang lấy ý kiến về kế hoạch khai thác các đường bay nội địa thường lệ, bằng cách phân vùng xanh, vàng, đỏ.
Trong đó, nhóm A (vùng xanh) là sân bay thuộc các tỉnh, thành không có khu vực áp dụng giãn cách xã hội gồm: Vân Đồn (Quảng Ninh) và bãi đáp thuỷ phi cơ vịnh Hạ Long, Cát Bi (Hải Phòng), Điện Biên.
Nhóm B (vùng vàng) là sân bay thuộc các tỉnh giãn cách theo từng khu vực (quận/huyện trở lên) gồm các sân bay Nội Bài (Hà Nội), Thọ Xuân (Thanh Hoá), Đồng Hới (Quảng Bình), Vinh (Nghệ An), Cam Ranh (Nha Trang), Phú Bài (Thừa Thiên-Huế), Pleiku (Gia Lai), Tuy Hoà (Phú Yên), Chu Lai (Quảng Nam), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu), sân bay Vũng Tàu phục vụ trực thăng, Liên Khương (Lâm Đồng).
Nhóm C (vùng đỏ) là các sân bay thuộc các tỉnh thành đang áp dụng giãn cách toàn địa bàn gồm các sân bay: Đà Nẵng, Phù Cát (Bình Định), Tân Sơn Nhất (TP.HCM), Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang), Cà Mau, Rạch Giá (Kiên Giang).
Theo đề xuất của Cục Hàng không, chặng bay chiều từ nhóm A đến nhóm A, B và C sẽ không giới hạn hành khách. Tuy nhiên, khách đi máy bay phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ.
Với chặng bay chiều từ nhóm B đến nhóm A, B và C; từ nhóm C đến nhóm A và B: Khách công vụ, lực lượng phòng chống dịch COVID-19 chỉ cần có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ.
Các hành khách khác phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ và đáp ứng một trong các điều kiện: Có giấy chứng nhận hoàn thành cách ly và được cơ sở cách ly vận chuyển thẳng bằng xe chuyên dụng từ cơ sở cách ly đến sân bay xuất phát; hoặc có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19, trong đó liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm xuất phát; hoặc có giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19 không quá 12 tháng tính đến thời điểm xuất phát.
Các đường bay giữa các cảng hàng không sân bay nhóm C với nhau chỉ áp dụng đối với khách công vụ, lực lượng phòng chống dịch COVID-19 và hành khách có văn bản đồng ý di chuyển/tiếp nhận của các địa phương đi và đến. Hành khách phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ.
Nếu được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt thời điểm áp dụng, các hãng hàng không chủ động xây dựng kế hoạch, mở bán, triển khai khai thác chuyến bay chở khách thường lệ hoặc dừng chuyến bay theo các điều kiện đã được quy định cụ thể (khi thay đổi chính sách giãn cách xã hội tại địa phương, việc vận chuyển hành khách sẽ thay đổi tương ứng).