Kết thúc tập 4 Shark Tank Việt Nam mùa 2 tuần qua, case gọi vốn khiến cư dân mạng "dậy sóng" nhất là của bà chủ CTCP Sản xuất Thương mại Dịch vụ Nguyễn Bính khi gọi vốn quá khủng (gọi vốn 8 triệu USD cho 20% cổ phần tương đương với việc định giá công ty 1.000 tỷ đồng), số liệu kinh doanh mập mờ và thái độ gọi vốn khá "chợ búa" với câu nói cửa miệng: "Tôi nói để các Sharks tự tính".
Bà Lê Hạnh - CEO TVHub, Giám Đốc Sản Xuất chương trình Shark Tank Việt Nam cho rằng case gọi vốn của bún Nguyễn Bính bộc lộ lỗ hổng khá điển hình của các Startup, đặc biệt của các doanh nghiệp gia đình hiện nay.
"Họ có điểm năng động tháo vát gần gũi với thị trường nhưng cũng còn hạn chế về cách quản trị minh bạch cũng như kiến thức tài chính đầu tư nếu muốn mở rộng quy mô.
Chỉ cần 10% số trong số 4,6 triệu hộ kinh doanh cá thể của Việt Nam thay đổi tư duy cách làm biết hợp tác với các nhà đầu tư tài chính thì hiệu quả cho nền kinh tế biết bao nhiêu", bà Hạnh chia sẻ.
Dưới đây là 3 bài học có thể rút ra từ case gọi vốn của bún Nguyễn Bính .
1- Định giá doanh nghiệp thế nào cho chuẩn?
Bà chủ Nguyễn Bính định giá doanh nghiệp mình bằng cách lấy định giá của một nhà đầu tư Thái Lan cách đây 3 năm x 10 với tư duy "thương hiệu để càng lâu càng có giá".
Còn đây là nhận định của Shark Hưng: "3 năm doanh thu tăng gấp 2 lần, giá trị thương hiệu tăng lên 10 lần. Nếu giá trị thương hiệu để càng lâu càng tăng tôi khuyên chị nên để 10 năm nữa bán để kiếm ngàn tỷ".
Vậy một doanh nghiệp sản xuất truyền thống thì định giá thế nào cho chuẩn?
Trong tập 3 của Shark Tank Việt Nam mùa 2, khi đưa ra cách tính định giá cho doanh nghiệp mắm truyền thống Lê Gia, Shark Dzung Nguyễn đã đưa ra công thức định giá cho các doanh nghiệp ngành truyền thống:
Giá trị doanh nghiệp = Lợi nhuận ròng x 10 (hệ số nhân xê dịch từ 6 - 10 tùy trường hợp)
Ví dụ, năm 2018 mắm Lê Gia ước tính doanh thu là 12 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận ở mức 20% thì:
Giá trị doanh nghiệp = 2,4 tỷ đồng x 10 = 24 tỷ đồng
2- Tỷ lệ giá vốn trong cơ cấu doanh thu sản phẩm bao nhiêu là phù hợp?
Thường các doanh nghiệp nhỏ không hạch toán đầy đủ các khoản chi phí. Cho nên khi nhỏ thì có thể có lãi, nhưng làm lớn sẽ lỗ.
Trường hợp của Bún Nguyễn Bính, với quy đổi 1kg gạo làm ra 2kg bún mà bà Bính chia sẻ ban đầu, tức chi phí cho nguyên vật liệu chiếm tới 50% cấu thành giá. Tỷ lệ này lá khá lớn đối với ngành sản xuất.
"Thông thường, bọn tôi làm sản xuất ngành thực phẩm chỉ được phép cộng hết tất cả khấu hao lẫn tiền lương, giá vốn chỉ được chiếm độ khoản 40% là cùng. Riêng tiền gạo chị đã chiếm 50% rồi, chưa tính tiền nhân công, điện, nước, nhà xưởng…"
"Như vậy, khi chị làm lớn không phải có lãi cao. Bây giờ chị đang hạch toán chưa đầy đủ nên chị thấy rằng có lãi thôi", Shark Phú phân tích.
Trường hợp của bánh gạo Richy, 1kg bánh gạo bán ra thu về 100.000 đồng, nhưng chi phí tiền gạo chỉ vào khoảng 10.000 đồng.
Trích từ bài thuyết trình của ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Le Group tại một sự kiện về công nghiệp sáng tạo.
3- Để đi đường dài thì đừng giấu diếm
Lên chương trình Shark Tank lần này, bà chủ Nguyễn Bính vẫn mang tư tưởng của những hộ sản xuất gia đình truyền thống - Giấu nghề. Hãy xem một trích đoạn hội thoại giữa bà Nguyễn Bính và Shark Phú dưới đây:
- Nếu tôi đầu tư thì công suất nhà máy sẽ là bao nhiêu?
- Mình là công ty sản xuất gia đình nên cũng không tính tổng lượng hàng ra 1 ngày là bao nhiêu.
- Nhà xưởng quy mô 350m2, để đầu tư máy móc hết bao nhiêu? 1 ngày chị làm ra bao nhiêu cân?
- Ra cỡ… Thôi, nói chung tôi đang làm quá tải.
- Nói khoảng thôi, vì tôi cần tính…
- Không nói khoảng… Không nói.
Đoạn hội thoại rơi vào ngõ cụt khiến Shark Hưng cũng phải ngán ngẩm bình luận: "Chị không nói tức là có gì mờ ám".
Không minh bạch chính là lý do 4/5 Sharks quyết định lắc đầu. Shark Phú, dù rất quan tâm và là vị Shark duy nhất cố gắng gặng hỏi các thông số đến phút cuối, nhưng cuối cùng ông cũng phải buông câu: "Rất tiếc, mặc dù tôi rất thích".