Sáng 6-3, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã trao quyết định điều động và bổ nhiệm bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế, giữ chức vụ Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM. Thời gian giữ chức vụ cho đến ngày cuối năm 2019.
Bà Phạm Khánh Phong Lan sinh năm 1970, là phó giáo sư, tiến sĩ Dược; trình độ cao cấp chính trị. Bà Phạm Khánh Phong Lan cũng đang là đại biểu Quốc hội khóa XIV.
Bà Lan bày tỏ được lãnh đạo TP giao cho nhiệm vụ hết sức khó khăn với thực tế hiện nay an toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề nóng bỏng, song bà hứa sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Bà Lan khẳng định Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của ba sở đã thực hiện. Tiếp tục phát huy thế mạnh nhằm ngăn chặn được thực phẩm bẩn để người dân tiếp cận và được sử dụng thực phẩm sạch, an toàn.
“Vì vậy, nhiệm vụ của Ban không chỉ có chống thực phẩm bẩn mà còn xây dựng được thực phẩm sạch” - bà Lan nói.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng trao quyết định bổ nhiệm ông Lê Minh Hải, nguyên Phó Giám đốc BV Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp trực thuộc Sở Y tế, giữ chức vụ Phó Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM.
Thời gian giữ chức vụ cho đến cuối năm 2019. Ông Lê Minh Hải sinh năm 1972, là bác sĩ chuyên khoa I, cử nhân chính trị.
Đồng thời trao quyết định điều động và bổ nhiệm bà Huỳnh Thị Kim Cúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP, giữ chức vụ Phó Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM. Thời gian giữ chức vụ cho đến cuối năm 2019.
Bà Huỳnh Thị Kim Cúc sinh năm 1966, là thạc sĩ Khoa học cây trồng; cao cấp chính trị hành chính.
Lãnh đạo TP.HCM chúc mừng các thành viên của Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM nhận nhiệm vụ mới.
Chúc mừng ba cá nhân nhận nhiệm vụ, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM là đơn vị thí điểm đầu tiên của cả nước.
“Đây là trọng trách rất quan trọng để triển khai có hiệu quả đơn vị thí điểm được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập nhằm quản lý tốt vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm” - ông Phong nói.
Theo Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, vì đây là mô hình thí điểm nên rất cần sự nỗ lực của các cá nhân vừa được bổ nhiệm.
Sắp tới, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM sẽ được thành lập và có chương trình hoạt động cụ thể từ nay đến cuối năm.
Vì thế nếu Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP hoạt động hiệu quả sẽ góp phần rất lớn cho vấn đề duy trì hoạt động của Ban trong tương lai và giải quyết có hiệu quả vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ông Phong cũng lưu ý Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP không có tổ chức bên dưới nên cần chú ý mối quan hệ phối hợp với các quận, huyện, các cơ quan liên quan để hoạt động hiệu quả nhất.
“Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm có liên quan đến các ngành y tế, nông nghiệp, công nghiệp. Vì là quá trình làm thí điểm nên nếu có khó khăn vướng mắc cần báo cáo cho UBND TP để tháo gỡ.
Về nhân sự ngoài trưởng ban còn có ba phó ban, trong quá trình hoạt động, lãnh đạo Ban tiếp tục đề xuất thêm nhân sự cho đủ cơ cấu nhưng phải am hiểu lĩnh vực để có hoạt động hiệu quả” - ông Phong lưu ý.