Ngày 24/1, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Hoa Kỳ thông báo rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ:
"Trong 6 năm qua, 12 nước TPP đã rất nỗ lực đàm phán, hoàn tất ký TPP, một Hiệp định tự do thế hệ mới.
Nếu được triển khai, TPP sẽ đáp ứng lợi ích chung của tất cả các nước thành viên, không chỉ tạo động lực mới cho quan hệ kinh tế - thương mại giữa các nước, mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với hợp tác, liên kết kinh tế và sự ổn định, thịnh vượng của khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Việt Nam coi việc tham gia TPP và các FTA khác là một trong các bước triển khai chủ trương chủ động và tích cực hội nhập kinh tế sâu rộng và toàn diện, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thể chế kinh tế thị trường, tạo động lực mới để phát triển, đồng thời đóng góp vào xu thế hội nhập, liên kết kinh tế khu vực.
Theo đó, Việt Nam sẽ tiếp tục quá trình đổi mới, đẩy mạnh chuẩn bị trong nước, để bảo đảm thực thi có hiệu quả các cam kết của các FTA mà Việt Nam đã và sẽ tham gia".
Trước đó, theo hãng tin Reuters, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức ký sắc lệnh rút ra khỏi hiệp định TPP vào sáng 23/1 (giờ Mỹ).
Từ lễ ký rút khỏi TPP ở Phòng Bầu dục, ông Trump nói sắc lệnh rút khỏi này là "điều tuyệt vời cho công nhân Mỹ".
Hiệp định TPP được đàm phán dưới thời cựu Tổng thống Obama nhưng chưa được quốc hội Mỹ phê chuẩn. Việc rút khỏi TPP vì vậy không gây ảnh hưởng ngay tức khắc tới kinh tế Mỹ nhưng sẽ gửi thông điệp rất khác về chính sách thương mại mới của Washington.
TPP, có quy mô tới 40% GDP toàn cầu, từng là trụ cột căn bản của chính sách "Tái cân bằng", chuyển hướng sang châu Á trong 8 năm cầm quyền của Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama.
Mỹ và 11 nước châu Á - Thái Bình Dương đã bỏ ra rất nhiều thời gian và nguồn lực chính trị để đàm phán hiệp định thương mại tự do được coi là chất lượng cao này.