Mới đây, thông tin xạ thủ Hoàng Xuân Vinh trở thành VĐV đầu tiên trong lịch sử Việt Nam giành HCV trong một kỳ Olympic đang khiến người hâm mộ Việt Nam thực sự cảm thấy phấn khích và vô cùng tự hào.
Chiến thắng của Hoàng Xuân Vinh còn có ý nghĩa rất lớn, khi anh đã phải trực tiếp loại nhà vô địch Jin Jongoh trước khi đánh bại VĐV nước chủ nhà Felipe Almeida và VĐV người Trung Quốc trên con đường chinh phục đỉnh cao của mình. Thậm chí, đối thủ trực tiếp của anh là Almeida trong pha bắn cuối cùng cũng chỉ còn biết vỗ tay thán phục.
Nhưng đến đây, liệu bạn có tự hỏi rằng bộ môn bắn súng của Xuân Vinh cụ thể là gì, và độ khó của nó như thế nào? Nếu có, bài viết sau đây sẽ giúp bạn giải đáp điều này.
Sơ qua về luật lệ bộ môn 10m súng ngắn hơi của Olympic
10m súng ngắn hơi (10 metre air pistol) tại Olympic là một bộ môn thể thao được quản lý bởi Hiệp hội bắn súng thể thao quốc tế (ISSF).
Như tên gọi, các VĐV sử dụng súng ngắn, ngắm bắn vào bia trong khoảng cách 10m. Súng ở đây chỉ là súng hơi, không phải súng thật.
Ở bộ môn súng ngắn nam - xạ thủ, các vận động viên phải bắn 60 phát trong 105 phút, giống như các bộ môn bắn súng khác. Ngoài ra, có một số điều luật bắt buộc phải tuân theo, đó là chỉ được phép bắn bằng một tay và phải đứng hoàn toàn tự do, không có bất kỳ sự nâng đỡ nào trên cơ thể.
Bia ngắm bắn thì sao nhỉ? Bia ngắm có hình vuông, kích cỡ 17x17 cm, bên trong vẽ các vòng tròn. Và chắc ai cũng đoán ra, càng bắn sát hồng tâm, điểm số càng tăng.
10m air pistol dễ hay khó?
Trên thực tế, bộ môn này không quá khó, nhưng chắc chắn là không hề dễ.
Vì sao ư? Bảo air pistol khó quá thì cũng không phải, vì tất cả những điểm hạn chế như điểm ngắm bắn thực chất lớn hơn 10m, hồng tâm nhỏ hay bất kỳ điểm gì khác thì cũng đều xuất hiện trong các bộ môn bắn súng ở khoảng cách xa hơn.
Súng ngắn hơi còn có phần an toàn hơn vì độ xuyên phá thấp, âm thanh phát ra không lớn, đến mức chẳng cần đeo bịt tai cũng không sao. Các VĐV đeo bịt tai khi bắn chỉ là để tránh mất tập trung mà thôi.
Thậm chí, việc ngắm bắn trúng bia trong bộ môn này cũng không quá khó, vì tất cả phụ thuộc vào tư thể đứng. Theo một số chuyên gia bắn súng hơi trên thế giới, với một tư thế đứng ngắm chuẩn, sử dụng bệ đỡ là xương và hạn chế cơ bắp, việc bắn được ra ngoài cũng không phải là điều dễ dàng.
Nhưng chính vì thế nên mới thành khó
Thứ khiến bộ môn này trở nên khó khăn chính là mức độ cạnh tranh cực cao.
Cạnh tranh đầu tiên chính là ở bộ luật thi đấu. Ở kỳ Olympic năm nay, bắn súng đã thay đổi thể thức thi đấu chung kết, khi các VĐV sẽ đấu và loại trực tiếp lẫn nhau cho tới khi chỉ còn 2 VĐV xuất sắc nhất. Do đó, chỉ cần một sai sót, tất cả có thể chấm dứt.
Hoàng Xuân Vinh và 2 đối thủ trực tiếp trên bục nhận giải
Hơn nữa, ngắm vào bia không khó, ngắm trúng hồng tâm và các vòng tròn điểm cao thì không hề đơn giản một chút nào. Chỉ cần sai lệch vài mm, thứ hạng của bạn đã thay đổi, và ngôi báu thì xa dần...
Cuối cùng, khó nhất chính là ở tâm lý. Có lẽ không ngoa khi nói vận động viên bắn súng phải là những người có thần kinh thép. Một chút run tay, đường đạn sẽ lệch đi khá nhiều. Bên cạnh đó, hãy nhìn vào cách Hoàng Xuân Vinh phát bắn cuối cùng, khi Felipe Almeida đã vượt lên dẫn trước 10,3 điểm. Áp lực tấm HCV đầu tiên cho tổ quốc đè nặng lên vai, nhưng anh vẫn xuất sắc giành tới 10,7 điểm.
Bộ môn bắn súng vừa đem lại HCV cho thể thao Việt Nam khó đến mức nào?
Ai đó đã từng nói: "Dễ mình, dễ người". Khi ai cũng dễ, người kiên cường nhất chính là người giỏi nhất, và trong giải đấu này, Hoàng Xuân Vinh chính là nhà vô địch, người đem lại niềm tự hào cho tổ quốc Việt Nam của chúng ta.
Sau tất cả, thể thao Việt Nam đã có tấm HCV đầu tiên tại Olympic. Và người đem nó về chính là Hoàng Xuân Vinh
Nguồn: Pyramidair, Twickenham Rifle & Pistol Club