Khi nói về chuyển khoản ngân hàng, nhiều người nghĩ ngay đến giới trẻ - thế hệ nhanh nhạy với công nghệ và ưa thích sự tiện lợi. Tuy nhiên, khi mã QR ra đời và các cửa hàng bắt đầu áp dụng rộng rãi phương thức thanh toán này, bố mẹ cũng đã bắt kịp xu hướng nhanh chóng.
Cả tháng ra đường không cần mang ví tiền
Lê Trang (25 tuổi, nhân viên văn phòng) đang sống cùng bố mẹ tại Hà Nội. Nếu như chỉ khoảng hai năm về trước, bố mẹ Lê Trang luôn mang theo ví tiền khi ra ngoài đường thì thời gian gần đây, họ ưu tiên thanh toán bằng hình thức chuyển khoản. Bố mẹ cô dùng chuyển khoản để trả rất nhiều chi phí tiêu dùng trong cuộc sống như điện nước, thực phẩm cho đến mua sắm trực tuyến.
“Mình nghĩ bố mẹ thay đổi thói quen chi tiêu vì giờ đi đến đâu các cửa hàng đều nhận hình thức giao dịch không cần tiền mặt, kể cả quán vỉa hè. Mã QR được lắp đặt nhiều nơi cũng khiến việc thanh toán bằng hình thức này rất thuận tiện. Ngoài ra, hình thức này còn giúp bản thân hạn chế phải cầm tiền mặt ra đường nên thấy an toàn hơn", Lê Trang nói.
Cũng vì sự tiện lợi của hình thức chuyển khoản, nên có nhiều hôm, bố Lê Trang ra đường mà không cần mang tiền mặt trong người.
“Một lần mình đang đi làm thì bố gọi điện bảo chuyển khoản khoảng 300 ngàn đồng. Hoá ra, hôm đó bố đang đi đường thì bị hỏng xe. Bình thường bố mình có thói quen mang nhiều tiền, nên không cần nhờ con cái. Mình hỏi lại thì bố bảo từ lâu không để quá nhiều tiền trong ví, có khi cả tháng ra đường không mang tiền mặt. Hôm đó, ngân hàng gặp lỗi nên bố gọi mình để thanh toán cho nhanh", Lê Trang nhớ lại.
Ảnh minh hoạ
Cùng có bố mẹ “nghiện" mua sắm bằng chuyển khoản là Quỳnh Phương (24 tuổi, kế toán). Trước kia, Quỳnh Phương từng nghĩ hình thức chuyển khoản không dành cho bố mẹ vì thấy họ gặp khó khăn khi sử dụng đồ công nghệ. Thế nhưng, từ thời điểm về quê ăn Tết vào đầu năm nay, thực tế khác xa Quỳnh Phương tưởng tượng.
“Sở dĩ mình nghĩ bố mẹ không thích chuyển khoản vì từng hướng dẫn họ thanh toán qua ngân hàng lại bị kêu khó dùng. Ngoài ra, giống như nhiều người khác, bố mẹ gặp khó khăn khi dùng đồ công nghệ, chẳng hạn không biết tải app về điện thoại, hay chỉ một thao tác nhỏ của máy tính cũng cần mình hướng dẫn rất nhiều lần…
Bẵng đi một thời gian, Tết năm ngoái mình về thì thấy mẹ mua gì cũng xài chuyển khoản. Mẹ còn hay nói đùa, ‘Có mỗi chuyển khoản thôi mà, sao mẹ không biết dùng?’. Giờ mình cần vay tiền thì mẹ cũng không cần nhờ hàng xóm giúp đỡ mà có thể tự chuyển khoản tiền ngay đến chỗ mình rồi", Quỳnh Phương cho hay.
Bên cạnh đó, 1 năm về quê gần đây, Quỳnh Phương cũng bất ngờ vì đi đến đâu, các cửa hàng đều có sẵn mã QR để khách hàng dễ dàng thanh toán. Cô nàng hiếm khi phải đến ATM rút tiền mặt vì thấy hầu hết các chi tiêu đều có thể chuyển khoản nhanh chóng.
Ảnh minh hoạ
Sốc vì bố mẹ cung cấp mật khẩu ngân hàng cho người ngoài
Quỳnh Phương nhớ lại, bố mẹ cô từng thấy khó khăn khi tiếp cận hình thức thanh toán bằng phương thức chuyển khoản. Điều này đến từ việc thế hệ lớn tuổi khó tiếp cận sản phẩm công nghệ, do đó đòi hỏi con cái phải kiên nhẫn hướng dẫn bố mẹ để bắt nhịp với xu hướng tiêu dùng.
Quỳnh Phương chia sẻ: “Mẹ mình là giáo viên và từ khoảng 2 năm trước, nhà trường đồng loạt trả lương cho mẹ bằng chuyển khoản thay vì tiền mặt. Trước đó, mình từng hỏi mẹ biết cách dùng ngân hàng để chuyển khoản chưa, mẹ bảo ‘yên tâm' nên mình cũng không để ý.
Sau đó, mình mới biết có một thời gian mẹ cung cấp hết mã OTP, mật khẩu ngân hàng cho đồng nghiệp hoặc người thân để nhờ họ giao dịch bằng hình thức chuyển khoản giúp mẹ mỗi khi cần. Thi thoảng, mẹ mình cũng đưa mã PIN cho họ hàng để nhờ rút tiền hộ.
Thực tế, người mẹ đưa hết thông tin đều đáng tin cậy và mẹ cũng chưa bị mất mát tiền bạc gì cả. Tuy nhiên, mình thấy việc chia sẻ mật khẩu ngân hàng, mã OTP vô cùng rủi ro. Do đó, mình đã dành thời gian hướng dẫn mẹ cách dùng chuyển khoản để đảm bảo an toàn".
Ảnh minh hoạ
Còn đối với Lê Trang, cô nàng thừa nhận cũng gặp khó khăn khi hướng dẫn phụ huynh dùng các hình thức thanh toán không xài tiền mặt như chuyển khoản, ví điện tử… Lời khuyên của cô là mọi người hãy cố gắng kiên nhẫn, không nên gay gắt vì bố mẹ sẽ dễ tủi thân.
“Thời gian đầu, bố mẹ mình còn không định dùng chuyển khoản vì nghĩ nó phức tạp. Bố mẹ nói, bản thân trả bằng tiền mặt được thì sao phải thanh toán qua điện thoại để lằng nhằng. Chỉ đến khi họ thấy cô chú xung quanh bắt đầu dùng chuyển khoản thì mới bảo nhau sẽ xài thử phương pháp thanh toán này.
Với bố mẹ, không chỉ riêng việc dùng chuyển khoản mà bất cứ thứ gì liên quan công nghệ, mình cũng cần hướng dẫn họ nhẹ nhàng. Bởi bố mẹ thường dễ quên và làm sai thao tác so với cách mình nói ban đầu", Lê Trang nhận định.