Ly hôn dường như là giải pháp của những cuộc hôn nhân không thể cứu vãn, điều này sẽ giúp cả hai người trong mối quan hệ ấy được giải thoát khỏi những ràng buộc để bắt đầu lại một cuộc sống mới. Nhưng với những đứa con của những cặp vợ chồng sớm phải nói lời chia tay thì việc ly hôn của bố mẹ sẽ khiến các em không được lớn lên trong sự trọn vẹn của một gia đình.
Tiểu Mỹ là một học sinh tiểu học. Năm cô bé lên 4 tuổi, bố mẹ của em đã quyết định ly hôn và em được tòa án phán quyết sống cùng với bố. Khi ấy, người bố nói với Tiểu Mỹ rằng mình sẽ không lập gia đình nữa vì lo con gái sẽ bị tổn thương.
Trước ngày cả gia đình chia xa, hai mẹ con Tiểu Mỹ đã ôm nhau khóc rất lâu, người mẹ hứa rằng sẽ đến đón con gái khi chị có khả năng về kinh tế trong tương lai. Cô bé vẫn ôm ấp những lời hứa của người lớn một thời gian dài nhưng chợt nhận ra không có gì thành sự thật cả.
Một năm sau, bố của Tiểu Mỹ gặp một người phụ nữ và dẫn về ra mắt cô bé. Người này tỏ ra vô cùng quan tâm cô bé lại rất dịu dàng, thế nên từ những xa cách ban đầu, em dần mở lòng hơn để đón nhận tình yêu mới của bố mình. Thời gian sau, họ kết hôn và có với nhau một đứa con trai.
Tuy nhiên , kể từ ngày có em, Tiểu Mỹ cảm giác như mình bị "ra rìa". Bố yêu cầu cô bé nhường đồ chơi cho em rồi hứa sẽ mua thứ khác cho Tiểu Mỹ vào lần tới nhưng chẳng có món quà nào sau đó cả. Ông còn mua nhiều món ngon cho con trai như pizza, gà rán,... nhưng lại la rầy Tiểu Mỹ khi cô bé chỉ xin tiền mua một cây kẹo. Có lần, em phát hiện ra bố và dì dắt em trai đi nhà hàng và họ bàn nhau không để cho cô bé biết.
Điều khiến Tiểu Mỹ buồn hơn cả là trong kỳ nghỉ hè năm lớp 4, bố em nói sẽ dẫn cả nhà đi Bắc Kinh du lịch. Cô bé rất phấn khích vì chưa bao giờ được đi thăm các địa điểm nổi tiếng ở thủ đô. Bởi thế, trước đó nhiều ngày, cô bé đã sắp xếp quần áo cho vào vali để chuẩn bị cho chuyến đi. Ấy thế mà, trong một buổi sáng nọ, Tiểu Mỹ thức dậy và không thấy ai trong nhà, thì ra bố cùng dì và em trai đã đi du lịch nhưng không dẫn mình đi theo.
Chính những lần như vậy khiến Tiểu Mỹ nhận ra rằng bố của mình giờ đây đã thành bố của người khác.
7 năm sau ngày mà mẹ cô bé dứt áo ra đi sau cuộc ly hôn, chị mới quay về gặp lại con gái. Tiểu Mỹ quá vui mừng và mong được mẹ đón đi vì em cảm thấy không cảm nhận được tình yêu thương của bố và dì dành cho mình trong căn nhà mà em đang sinh sống. Tuy nhiên, người mẹ đã tìm cách từ chối với lý do chị cũng đã kết hôn và có thêm con gái, chị nói rằng sẽ rất bất tiện nếu Tiểu Mỹ về ở chung với mình...
Kể từ lúc đó, cô bé tội nghiệp nhận ra rằng mẹ của em cũng đã trở thành mẹ của người khác.
Những câu chuyện và suy nghĩ trên được lấy từ chính cuốn nhật ký mà Tiểu Mỹ đã viết trong suốt nhiều năm phải chịu cảnh gia đình tan tác. Ai cũng không thể kìm được nước mắt khi lắng nghe câu chuyện của cô bé đáng thương.
Đối với trẻ em, nếu sống trong một gia đình chỉ có cha hoặc mẹ, chúng sẽ trở nên nhạy cảm và tự ti trước mặt những đứa trẻ khác, các em biết rằng mình đang thiếu một mái ấm trọn vẹn có cả bố và mẹ. Khi nhà trường tổ chức họp phụ huynh, các em cũng không biết ai sẽ là người có mặt, khi có ai đó hỏi về gia đình các em sẽ tìm cách né tránh hay những lần mắc lỗi, gặp vấn đề trong cuộc sống, những đứa trẻ cũng chẳng biết tìm đến ai để trò chuyện.
Do đó với những cặp vợ chồng đã có sợi dây kết nối là con cái, nếu gặp trục trặc trong hôn nhân hãy tìm cách giải quyết trước khi đặt vấn đề về chuyện ly hôn. Hoặc khi mọi chuyện đã không thể cứu vãn, cả bố và mẹ nên chuẩn bị tâm lý cho con cái về vấn đề hôn nhân của mình và hãy đảm bảo rằng các con sẽ không phải chịu nhiều tổn thương bởi lựa chọn của mình.