Bố "lười" dạy được con chăm: Phương pháp giáo dục hữu hiệu đến bất ngờ!

Lâm Anh |

Không tốn sức vào những việc không cần thiết, những ông bố "lười" giúp vợ chăm con, "lười" gật đầu với bất cứ đòi hỏi của trẻ lại có phương pháp giáo dục hữu hiệu đến bất ngờ.

"Đi đi mẹ, nhanh lên", cậu con trai 2 tuổi của tôi háo hức kéo áo mẹ, cố gắng hướng tôi về phía nhà để xe khi sắp đến giờ ra ngoài. 

Gia đình tôi chuẩn bị đi thăm bạn bè và trong khi ai cũng chuẩn bị xong xuôi hết cả, tôi vẫn còn trách nhiệm trông nom cậu con mới biết đi của mình, sao cho nó không khóc ầm lên và chơi vui vẻ.

Chồng tôi vẫn "ì" ra đấy, bỏ mặc những yêu cầu trợ giúp từ phía tôi. Tôi nghĩ anh ấy chẳng biết cảm thông cho vợ và dường như phó mặc việc nuôi con cho mình.

Cuối cùng, chúng tôi quyết định nói chuyện rõ ràng với nhau. Anh giải thích không phải anh mong đợi tôi làm mọi thứ, vấn đề nằm ở chỗ phong cách nuôi con của chúng tôi khác nhau. 

"Em cứ làm mọi thứ để dỗ dành con", chồng tôi nói. "Còn anh thì sẽ nói ‘không’ với những việc anh không muốn làm, vậy nên anh sẽ chẳng tốn sức vì những việc không cần thiết".

Tất nhiên không phải lúc nào bố mẹ cũng có thể nói "không" một cách thẳng thừng với con như chồng tôi nhưng rõ ràng cách dạy con bằng phương pháp tưởng chừng rất "lười" như vậy cũng mang lại hiệu quả bất ngờ.

Bố lười dạy được con chăm: Phương pháp giáo dục hữu hiệu đến bất ngờ! - Ảnh 1.

Để mặc con xoay xở với rắc rối của chúng chưa hẳn là hành động vô tâm của các ông bố.

Dưới đây là 5 cách để các bố mẹ trở thành "thiên tài lười biếng" như chồng tôi.

1. Không giúp khi con chưa đề nghị

Có một lần, Javin, con trai 4 tuổi của tôi cố gắng lấy thứ gì đó bên ngoài gara ô tô. Thằng bé tìm đủ mọi cách nhưng vẫn chưa đạt được ý muốn, nó vùng vằng đá và ném các đồ vật xung quanh. 

Hành động đó rõ ràng là muốn được người khác giúp đỡ nhưng tuyệt nhiên thằng bé không nói với ai câu nào.

Chồng tôi gọi con và bảo: "Nếu con cần giúp thì con phải hỏi". Rõ ràng là chúng tôi thừa sức giúp con nhưng chồng tôi đã chọn cách rất thông minh: Chẳng ai tự nhiên đến giúp đỡ trẻ khi chúng chỉ nhìn quanh và la hét theo kiểu phiền phức đó cả. Nếu cần, chúng phải tự lên tiếng nhờ người khác.

Sau đó, Javin cũng đến bên chúng tôi và nói: "Bố có thể giúp con được không ạ?". Chồng tôi vui vẻ cùng con quay lại gara và giúp con lấy thứ nó cần. 

2. Thờ ơ với con một chút

Tuần trước, Javin ngồi trên mui ô tô và Asher, cậu con trai gần 2 tuổi của chúng tôi, cũng muốn bắt chước. Cu cậu quay ra nhờ tôi bế lên nhưng chồng tôi nói ngay: "Thằng bé tự xoay xở được, nó đã từng làm như thế rồi đấy".  

Tôi thì không nghĩ vậy, bèn bế con lên rồi bế xuống rất nhiều lần, cho đến khi có việc phải vào trong nhà rồi trở ra, tôi mới biết mình làm thế là thừa. Chồng chỉ cho tôi thấy Asher có thể tự giải quyết vấn đề của nó.

Thằng bé kéo chiếc ghế nhỏ và loay hoay treo lên. Hành động của chồng tôi chứng tỏ anh ấy tin con và biết khích lệ khả năng tự giải quyết vấn đề của chúng.

Bố lười dạy được con chăm: Phương pháp giáo dục hữu hiệu đến bất ngờ! - Ảnh 2.

3. Tiếp tục làm việc của bạn dù con có đang tức giận đến đâu

Một hôm, Javin gặp trục trặc khi đang làm đồ thủ công. Thằng bé bắt đầu gào khóc và xé giấy vì bực tức. Do con đang trong trạng thái không bình thường nên chúng tôi cũng không động vào nó làm gì.

Vợ chồng tôi không bảo con nín đi hay chê trách nó vì hành động khóc lóc đó. Chúng tôi cũng không dỗ dành theo kiểu nịnh nọt và bảo con coi như không có chuyện gì xảy ra. Chúng tôi để con làm mọi thứ theo cảm xúc tự nhiên và bộc lộ những gì nó muốn khi ở trong nhà.

Lúc con nguôi giận, chồng tôi đưa con vào phòng riêng, rồi nói: "Con đã sẵn sàng nói chuyện với bố chưa?". Sau khi thằng bé đồng ý, anh ấy bắt đầu ôm con vào lòng và an ủi. Hai bố con nói về vấn đề đó và cách giải quyết, rồi nhanh chóng chìm vào giấc ngủ.

Trước đây, tôi thường muốn ở bên dỗ dành, bảo con bình tĩnh ngay khi chúng đang nổi cơn thịnh nộ. Nhưng chồng tôi nhắc rằng: "Con trai chúng ta cần phải tự lấy lại bình tĩnh trước đã". Quả thật, những lần tôi can thiệp đúng lúc con đang giận dữ thì y như rằng tôi cũng khó chịu theo.

Bằng phương pháp "lơ con đi một chút", chúng ta có thể giữ được bình tĩnh và để cho con tự nhận ra những gì chúng thực sự cần như: sự bình tĩnh, khả năng tự xoay xở và tình yêu thương.

(Lưu ý là cách này không thích hợp để áp dụng ở nơi công cộng).

4. Khi con ngủ, đừng cố làm những thứ còn dở nhưng bạn không muốn làm

Bố lười dạy được con chăm: Phương pháp giáo dục hữu hiệu đến bất ngờ! - Ảnh 3.

Sau khoảng thời gian bận rộn với con cái, đừng cố làm những thứ bạn khiến bạn mệt mỏi thêm, hãy nghỉ ngơi và làm điều bạn thích.

Lần đó, khi các con đi ngủ hết, tôi cố gắng giúp chồng giải quyết đống email còn tồn đọng nhưng anh ấy chỉ cười: "Anh không dùng thời gian quý giá của mình để làm việc đó đâu". 

Nghĩ lại, tôi thường dùng khoảng thời gian chợp mắt hiếm hoi của mình để tranh thủ làm việc nhà, nấu ăn hoặc gọi điện thoại. Nhờ có chồng, tôi học được cách sử dụng thời gian rảnh rỗi của mình tốt hơn.

Tôi không còn cảm thấy khó chịu vì chồng thường xuyên "chúi mũi" vào sở thích riêng trong lúc rảnh rỗi vì tôi cũng bắt đầu làm thế. Bây giờ, khi các con đi ngủ hoặc xem tivi, tôi tự cho mình nằm dài trên giường hoặc tự do viết lách vài dòng – rất thoải mái.

5. Đơn giản là nói "không"

Một hôm Javin lục trong ngăn kéo tủ bếp và tìm thấy chìa khóa tủ rượu vang. Vui mừng vì phát hiện ra một con dao nhỏ đi liền với chùm chìa khóa, thằng bé ngỏ ý muốn giữ luôn đồ vật này, hứa sẽ không bao giờ mở lưỡi dao đó ra và đưa tôi dùng khi cần.

Dù nghe cũng có vẻ hợp lý nhưng tôi không nghĩ sẽ để thằng bé giữ chìa khóa. Tuy nhiên, tôi không bày tỏ thái độ thẳng thừng mà trì hoãn: "Để mẹ nói lại với bố đã nhé. Đó là một dụng cụ nguy hiểm. Con cứ đặt nó vào ngăn kéo, mẹ sẽ trả lời con sau".

Chồng tôi đứng ngay gần đó, quan sát mọi chuyện và ngay lập tức nói: "Không được. Em chỉ cần nói luôn với con là anh không đồng ý". Sau đó, mặt chồng tôi nghiêm nghị: "Nếu anh là em, anh chẳng ngại nói không đồng ý ngay lúc đó".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại