Bỏ hơn 300 triệu đầu tư chứng khoán lãi 1,8 tỷ, mua lô đất Phú Quốc lời 27 tỷ, nhưng vài vụ kinh doanh vẫn lỗ, TS. Lê Xuân Nghĩa: "Tôi luôn thấy không biết quản lý tiền"

Đức Anh |

Dù đầu tư nhiều thương vụ lãi lớn, song TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế tự thừa nhận, không có khả năng quản lý dòng tiền và không không biết kinh doanh.

TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết, ông là một trong những người đầu tiên tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Ông Nghĩa kể lại: "Khi vào Sài Gòn đi uống cà phê, tôi thấy thông tin cổ phiếu đang được chào bán. Lúc đó, tôi chỉ có 30 triệu đồng trong túi. Nhưng tôi nghĩ bụng: "Mình phải quyết làm quả này mới được". Tôi đã huy động bạn bè thêm 300 triệu đồng để đầu tư. Chỉ trong vòng 6 tháng sau, tôi bán 1/2 số cổ phiếu và thu về 1,8 tỷ đồng. Ngày xưa, 1,8 tỷ đồng rất to, tương đương khoảng 18 tỷ đồng bây giờ. Bạn bè của tôi đều sướng quá vì lãi lớn. Nhưng, một nửa số cổ phiếu còn lại bị lỗ nặng".

Theo chia sẻ của vị chuyên gia này, với số tiền lãi từ chứng khoán, ông tiếp tục rủ bạn bè vào Phú Quốc mua đất. "Hồi xưa chưa ai nghĩ đến chuyện mua đất Phú Quốc. Tôi nhớ vào khoảng năm 1999 - 2000. Tôi và bạn bè hùn tiền mua 3,5ha đất thổ cư của dân, có sẵn sổ đỏ. Sau đó, tôi bán một phần lãi 27 tỷ đồng. Nhưng bạn tôi giữ lại trong thời gian dài và lãi tới gần ngàn tỷ đồng".

Bỏ hơn 300 triệu đầu tư chứng khoán lãi 1,8 tỷ, mua lô đất Phú Quốc lời 27 tỷ, nhưng vài vụ kinh doanh vẫn lỗ, TS. Lê Xuân Nghĩa: "Tôi luôn thấy không biết quản lý tiền" - Ảnh 1.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế.

Tự thừa nhận bản thân là người không thích làm giàu, "thích đi chơi", nên với số tiền lãi từ đầu tư Phú Quốc, TS. Lê Xuân Nghĩa chi tiền mua 2 căn biệt thự tại Đà Lạt với tổng diện tích lên tới hơn 3.000m2.

"Vì không biết quản lý và khai thác ra sao nên một căn biệt thự tôi cho bạn mượn. Bạn tôi làm ăn thua lỗ nên ngân hàng siết nợ. Một căn còn lại dùng để phục vụ bạn bè tới nghỉ dưỡng và gia đình. Nhưng chi phí vận hành tốn kém quá, tôi bực nên bán đi. Tôi thấy mình không biết kinh doanh. Sau này, tôi thử kinh doanh thêm nhưng luôn cảm thấy không biết quản lý tiền bạc ra sao. Thế nên, một vài vụ kinh doanh của tôi đều bị lỗ", TS. Lê Xuân Nghĩa chia sẻ.

Trong một talkshow với chủ đề "Xu thế quản lý gia sản tại Việt Nam", TS. Lê Xuân Nghĩa chia sẻ thêm rằng, nếu chúng ta luôn luôn học hỏi và tìm kiếm những cơ hội đầu tư một cách chính thống và bài bản thì có thể cơ hội sẽ đến. Và lúc nó đến, chúng ta trở nên khá giả một cách bất ngờ.

Liên quan đến câu chuyện về đầu tư, ông Nghĩa nhấn mạnh, xét về căn bản và dài hạn, lãi suất là yếu tố quyết định nhất liên quan đến vấn đề tích sản và đầu tư. Bởi khi đầu tư cần xem xét đến rủi ro, mà vấn đề này luôn gắn chặt với lãi suất. Xét theo đường cong rủi ro, tài sản đầu tư có rủi ro thấp nhất là trái phiếu Chính phủ, cũng đồng nghĩa với mức lợi nhuận thấp nhất. Tiếp theo là tiền gửi tiết kiệm, trái phiếu doanh nghiệp và rủi ro cao nhất là cổ phiếu. Ngoài ra, bất động sản cũng là thị trường lớn ở Việt Nam.

Nhìn một cách tổng quát, quốc gia mới nổi như Việt Nam với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người cao thì cơ hội đầu tư là rất nhiều, nằm rải rác ở khắp nơi. Tuy vậy, người dân Việt Nam không quá hiểu biết về toàn bộ thị trường tài chính, mà đây thực sự là thị trường phức tạp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại