Hôm nay, hình ảnh và câu chuyện cảm động về một người cha luống tuổi do tài xế Trần Thanh Toàn chia sẻ đang được lan tỏa chóng mặt trên nhiều fanpage khác nhau trên mạng xã hội.
Tài xế này kể lại câu chuyện đặc biệt mình được chứng kiến từ một vị khách, với giọng điệu rất giản dị: "Trưa nay mình lấy xe chạy cho hãng G. thì thấy một cô đặt xe.
Lúc lên xe, cô này đi chung với 1 chú tầm 70 tuổi. Và rồi trên đường đi, cô la mắng chú ấy dữ lắm, cô bảo chú "không biết suy nghĩ, dám đi bộ từ bệnh viện Hùng Vương tới ngã 7 Lý Thái Tổ trong khi vừa bị tai biến xong".
Hỏi ra mới biết, cô là chị của chú này, họ ở Vĩnh Long lên khám bệnh. Chú có cô con gái cũng lên thành phố và lấy chồng ở đây. Trước đó, chú gọi kêu con rể đón mà không thấy đâu cả, nên chú không dám gọi nữa.
Mình hỏi tại sao? Chú nói đi nói lại mấy lần là chú sợ con rể cằn nhằn con gái. Con gái chú mới có con, rồi chú không muốn làm phiền con rể, kẻo chẳng may chúng lại xảy ra chuyện, làm phiền không hay".
Chỉ trong vòng 2 giờ đăng tải trên một fanpage, câu chuyện đã thu hút hơn 8, 6 lượt like.
Đến đây, câu chuyện cảm động đã có thể khiến người ta cay mũi nghĩ về việc người cha lo lắng cho hạnh phúc của cho con gái mình có thể sứt mẻ vì chuyện đưa đón bố, về những nỗi cô đơn, tủi thân của người già, về sự vô tâm, vô tâm thôi, chứ không hẳn là lạnh nhạt của người con rể.
Nhưng những gì anh chàng tài xế kể tiếp lại khiến chúng ta suy ngẫm nhiều hơn: "Cô đi chung liền thêm vào: "Tụi nó dạo này khác quá, nó đâu nhớ tấm bằng đại học nó được đổi bằng máu của thằng này (ý là công sức chú này hồi xưa nuôi con cái).
Hồi đó thằng này cũng là kỹ sư sửa máy lạnh, tủ lạnh". Đến đây thấy rõ chú bật khóc, chú không khóc lên thành tiếng nhưng nhìn thấy rõ nước mắt chú chảy ra và chú nghẹn ngào, tay thì siết hai bàn tay vào nhau.
Chợt lúc đó cũng thấy buồn, thấy thương quá, cũng vì lo nghĩ cho con gái mà đến lúc bệnh như vầy lại nhờ chị gái đưa đi khám chứ không nhờ dám nhờ con cháu, vì sợ con sẽ bị cằn nhằn.
Sau rồi khi đến nơi, là một phòng khám khác, mình nói: "Thôi được rồi, chú đi đi, không lấy tiền làm gì" rồi gửi thêm cho chú 100.000 đồng để bao giờ khám xong thì chú có bắt xe khách về Vĩnh Long luôn thì về.
Rồi chú cho địa chỉ nhà dưới Vĩnh Long, nói rãnh ghé xuống chú chơi. Và cái bắt tay, chú nắm chặt lắm, chặt đến nghẹn..."
Câu chuyện này, và hình ảnh gương mặt phúc hậu đượm buồn của người cha đã khiến dân mạng rưng rưng.
Những bình luận cảm thương cho người cha bị tai biến, pha chút trách móc người con gái và người con rể vô tâm đã được để lại dưới những bài đăng, chia sẻ lại câu chuyện này. Nick Đinh Phương Huyền bình luận:
"Con cái vô tâm. Bố mẹ già rồi phải nhìn ngó, quan tâm hơn chứ. Đến lúc muốn cũng chẳng được. Khi về nhà, không có bóng dáng cha mẹ nữa, lúc đó mới thấy thấm..."
Còn Angel Nguyen thì suy ngẫm: "Bậc làm cha mẹ luôn hết lòng vì con, nhưng lại sợ phiền con mỗi khi cần đến sự giúp đỡ. Nếu những người làm con biết quan tâm tới cha mẹ mình nhiều hơn là cuộc sống của chính mình thì hay biết mấy.
Nhưng quy luật là vậy, cha mẹ hy sinh cả đời cho mình và mình lại dùng cả đời hy sinh lại cho con cái của mình. Và đến khi mọi người đều hiểu tâm trọng của người làm cha mẹ như thế nào, đó là khi ta đang đứng ở vị trí ấy.
Và tất cả tình thương, sự ân hận, lòng cầu mong được tha thứ mới ùa về. Chỉ là, khi ý thức được điều đó là đã muộn màng, hoặc vừa kịp lúc để có cơ hội làm trọn đạo hay không thôi...".
Hình ảnh người bố với gương mặt phúc hậu khiến dân mạng rưng rưng.
Với những cô gái, những tranh luận về việc chọn chồng cho mình, chọn rể sao cho có hiếu, yêu thương công bằng với cha mẹ bên vợ, những cảm xúc về việc đi lấy chồng bỏ bố mẹ bơ vơ.
Hay việc phải phụng dưỡng cha mẹ người khác (cha mẹ chồng) mà lơ là những người sinh ra, nuôi lớn mình bấy lâu lại được dịp dấy lên, sau câu chuyện nhỏ này.
Nick Xương Rồng Trên Đá bình luận "cứng": "Cả đời tôi chỉ có duy nhất một người đàn ông yêu thương tôi vô điều kiện, đó là bố, còn lại thì đều phải có điều kiện mới yêu tôi. Vậy nên sau này, nếu đã chấp nhận yêu tôi thì phải yêu thương thêm gia đình tôi nữa.
Đàn ông trên đời rất nhiều, đàn ông tốt cũng không thiếu nhưng người đàn ông chẳng cần gì mà vẫn yêu thương và chấp nhận hy sinh vì tôi, chỉ có bố mà thôi!".
Tuy nhiên, bên cạnh những cảm xúc mãnh liệt về tình cha con, những suy nghĩ về nỗi cô đơn của người già, về chữ hiếu, về mối liên kết gia đình... không ít dân mạng cảnh báo, có thể câu chuyện này không thực sự "nghiêm trọng" như lời kể của người tài xế kia.
Facebooker Nguyễn Duy Cường tỉnh táo bình luận: "Ông cảm thấy ông tự có khả năng làm được và không muốn phiền con cái chứ sao? Người già vẫn thường như thế. Bà ngoại mình cũng vậy.
Con cháu ở gần, bà cần gì cũng rất nhiều người sẵn sàng giúp, nhưng bà chỉ nhờ đến khi bà không tự làm được thôi".
Cũng có người cảnh báo, việc nhiều người thích nghe hóng chuyện đời tư người khác rồi quan tâm thái quá bằng cách chụp ảnh, kể chuyện đời tư trên mạng có thể sẽ là mầm mống của bất hạnh.
Ví dụ như người con rể và con gái vô tình đọc được sẽ nghĩ gì, liệu họ có tranh cãi, xích mích nhau khi chuyện nhà mình bị tọc mạch không...
Không ít dân mạng cũng cho rằng, đừng vội tin ngay vào những câu chuyện kể trên mạng, dù có hình ảnh "xác thực" như thế này, điển hình là câu chuyện "cô sinh viên nằng nặc đòi mẹ nghèo mua xe LX" mới được phát hiện là bịa đặt, dựng chuyện để câu like mới đây.