Bộ GD-ĐT giải thích thắc mắc về độ khó "vênh" nhau của các đề thi

Bích Lan |

ĐT khẳng định, độ khó giữa các đề thi không hề vênh nhau. Chúng ta không thể so sánh về độ khó giữa các câu mà phải tính đến cả đề thi.

Chiều 24/6, Bộ GD-ĐT tổ chức họp báo về kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017.

Kỳ thi năm nay được tổ chức 5 bài thi gồm 3 bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 2 bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên (tổ hợp các môn: Vật lí, Hóa học, Sinh học), Khoa học xã hội (tổ hợp các môn: Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân; riêng thí sinh GDTX chỉ thi Lịch sử, Địa lí).

Tất cả các môn đều thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, riêng môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận.

Đây là lần đầu tiên nước ta tổ chức thi theo bài và có dạng bài thi tổ hợp gồm nhiều môn học và cũng là lần đầu tiên, môn Giáo dục công dân được đưa vào Kỳ thi.

Trước câu hỏi của phóng viên nhận được phản ánh của nhiều giáo viên phổ thông về độ khó của các đề không tương đương nhau, ông Sái Công Hồng, Trưởng ban Đề thi THPT Quốc gia 2017 cho biết, việc xây dựng đề thi trắc nghiệm của kỳ thi năm nay đều được tham khảo ở các nước và nghiên cứu kỹ lưỡng.

Bộ GD-ĐT giải thích thắc mắc về độ khó vênh nhau của các đề thi - Ảnh 1.

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017

Đề thi gồm 24 mã đề khác nhau, Bộ GD-ĐT xây dựng đề thi chuẩn hóa đều được thử nghiệm, tạo ra các mã đề thi khác nhau.

Độ khó giữa các đề thi không hề vênh nhau. Chúng ta không thể so sánh về độ khó giữa các câu mà phải tính đến cả đề thi.

Việc ra đề thi cố gắng tương đương nhau, không có gian lận, tránh tình trạng thí sinh khoanh bừa như đạt 10 môn Lý, 0 điểm môn Toán.

Trước đây, Bộ GD-ĐT chưa bao giờ xây dựng ngân hàng câu hỏi thi theo quy trình chuẩn hóa như các kỳ thi quốc tế. Để xây dựng mã đề thi cho kỳ thi năm nay, Bộ chủ trương xây dựng ngân hàng đề thi chuẩn hóa.

Khi xây dựng đề thi chuẩn hóa, tất cả đề thi này được thử nghiệm với chính các em học sinh lớp 12. Qua quá trình này biết độ khó dễ qua thực tế chứ không phải cảm nhận.

Bộ GD-ĐT chọn mẫu 5 tỉnh với 20.000 học sinh lớp 12 để thí nghiệm chuẩn hóa cân bằng độ khó giữa các đề thi.

Với các đề thi trắc nghiệm khách quan thì có 24 mã đề khác nhau, xuất phát từ 4 đề gốc nhưng trong quy chế không có 4 đề gốc chỉ quy định mỗi thí sinh có 24 mã đề và mỗi phòng không quá 24 thí sinh.

Về câu hỏi các câu hỏi trong các mã đề được đảo thế nào, ông Sái Công Hồng nhấn mạnh, mã đề thi hình thành đảo theo khối, theo 4 cấp độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao thì đảo trong 4 khối đó. Cấp độ 4 nằm ở phía cuối đề thi.

“Bộ GD-ĐT cũng áp dụng xây dựng đề thi chuẩn hóa của Hoa Kỳ. Trong quá trình xây dựng đề thi được thử nghiệm. Hội đồng ra đề sẽ rút từ ngân hàng đề thi theo ma trận đề thi.

Nếu so sánh một câu này với một câu kia là hơi khập khiễng mà phải so sánh cả đề thi với nhau. Phải làm toàn bộ cả đề thi mới biết độ khó thế nào.

Theo lý thuyết khảo thí thì tính được độ khó của cả bài thi. Chỉ khi phân tích điểm trung bình của mã đề thi này thì mới chứng minh được độ khó mã đề thi này sai lệch thế nào”- ông Sái Công Hồng nói.

Cũng tại buổi họp báo, Bộ GD-ĐT cho biết, nhờ đổi mới phương thức thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, mỗi thí sinh trong cùng một phòng thi có một mã đề thi riêng nên số thí sinh vi phạm quy chế giảm đi nhiều so với những năm trước.

Trong đợt thi chỉ có 72 thí sinh bị đình chỉ thi (năm 2016 có 328 thí sinh bị đình chỉ thi). Cả đợt thi chỉ có 2 cán bộ coi thi bị nhắc nhở vì vi phạm quy chế thi.

Trước thắc mắc của phóng viên về độ tin cậy về tỷ lệ học sinh vi phạm năm nay giảm nhiều so với năm ngoái và mọi năm, ông Mai Văn Trinh, Cục trường Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) khẳng định, tỷ lệ thí sinh vi phạm giảm là hoàn toàn tin cậy.

Việc ra đề trắc nghiệm đã góp phần giảm tối đa thí sinh mang tài liệu vào phòng thi. Năm nay, mỗi phòng thi chỉ có 24 thí sinh, đa phần là không ngồi cạnh nhau và mỗi thí sinh làm một mã đề thi khác nhau nên khó có thể trao đổi bài với nhau.

Ngoài ra, Bộ GD-ĐT và Bộ Công an đã phối hợp để phát hiện, xử lý thí sinh mang thiết bị công nghệ cao vào phòng thi.

Năm nay, tỷ lệ cán bộ làm công tác coi thi được sắp xếp theo tỷ lệ 50/50 (50% giảng viên đại học và 50% giáo viên phổ thông.

Trong phòng thi có 2 giám thị, nếu giám thị làm hết mình thì hoàn toàn có thể nắm bắt được những yếu tố biểu hiện bất thường của thí sinh./.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại