Đề thi Khoa học xã hội quá dễ, nhiều thí sinh ngủ trong phòng thi

HUYÊN NGUYỄN - HẢI NGUYỄN - THẢO ANH |

Chỉ mất 20 – 25 phút để làm bài thi tổ hợp Khoa học xã hội, nhiều thí sinh ngủ trong phòng thi để chờ môn thi tiếp theo.

Mất nửa thời gian để hoàn thành bài thi

Sáng 24.6, hơn 500.000 thí sinh trên cả nước bước vào làm bài thi tổ hợp Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).

Bước ra khỏi phòng thi, hầu hết các thí sinh cho biết, đề thi dễ, gần gũi và các em hoàn thành bài thi rất sớm. Thí sinh Đinh Phạm Linh Chi (THPT Cầu Giấy) cho hay đề thi khá bình thường, những học sinh lực học trung bình có thể đạt điểm 5, 6.

"Đề dài nhưng thời gian làm bài lại không mất nhiều. Cá nhân em chỉ mất 20 phút để hoàn thành một môn thi. Em chắc chắn mình phải từ 6 điểm trở lên", thí sinh này cho hay.

Linh Chi cho biết thêm, em khá mệt mỏi bởi thời gian ngồi làm bài quá dài, thí sinh hoàn thành xong bài thi sớm mà không biết làm gì ngoài chờ đợi cả.

Cũng chỉ mất khoảng 25 phút để hoàn thành một bài thi, thí sinh Lê Huy thi tại điểm thi Trường THPT Amsterdam cho biết, thời gian làm bài thừa quá nhiều nên em cũng như hầu hết các bạn thi trong phòng đều ngủ để đợi môn thi tiếp theo.

Đề thi Địa lý và Giáo dục công dân, em chắc mình phải được 8 điểm trở lên. Đề có nhiều câu hỏi trong sách giáo khoa. Riêng môn Địa lý chỉ cần xem Alat là có thể giải quyết được khá nhiều câu hỏi.

Lịch sử vẫn là môn thi khó nhất

Hầu hết các thí sinh đều đánh giá khó nhằn nhất trong bài thi là môn thi Lịch sử. Thí sinh Nguyễn Minh Hà (Chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội) cho biết, Lịch sử là môn thi khó nhất trong cả 3 bài thi.

Em không tự tin sẽ đạt điểm cao môn thi này, còn lại các bài thi khác thì khá suôn sẻ.

Đề thi Khoa học xã hội quá dễ, nhiều thí sinh ngủ trong phòng thi - Ảnh 1.

Thí sinh Nguyễn Phương Thảo (THPT Phan Huy Chú) thở phào nhẹ nhõm khi vừa hoàn thành môn thi cuối cùng trong kì thi "vượt vũ môn". Phương Thảo thoải mái chia sẻ: "Em thi khối D thế nên bài thi tổ hợp hôm nay không liên quan đến điểm xét tuyển đại học của em.

Tương quan 3 môn tổ hợp KHXH sáng nay em đánh giá là dễ. Riêng môn Sử thì khó, môn Sử không chỉ đơn thuần hỏi về các mốc sự kiện, nhân vật lịch sử để lựa chọn.

Mà các câu hỏi chủ yếu phải tư duy và nắm thật vững lịch sử, như các câu về nguyên nhân thắng lợi. Em thấy các nguyên nhân đều hợp lý nhưng không biết cái nào mới đúng. Môn Sử em khoanh bừa rất nhiều, hi vọng chỉ tầm 5 điểm.

Môn Địa thì dễ hơn, kĩ năng quan trọng nhất là xem Atlat để tra và khoanh đáp án. Địa lý em nghĩ mình tầm 7 điểm và em chỉ làm trong vòng 35 phút. Riêng với Giáo dục công dân thì em xem là môn tặng điểm cho thí sinh, vì đề rất dễ".

Thí sinh Linh Chi chia sẻ: Trong bài thi Lịch sử có nhiều câu hỏi khó đòi hỏi thí sinh phải am hiểu kiến thức. Môn Địa và môn Giáo dục công dân bình thường.

Năm nay là năm đầu tiên thi Giáo dục công dân nhưng đề thi khá gần gũi và áp dụng nhiều trong đời sống nên không gây khó khăn cho thí sinh.

Nhận định về đề thi môn Giáo dục công dân, Tổ Giáo dục công dân – Hệ thống giáo dục HOCMAI cho hay, đề xuất hiện nhiều tình huống thực tiễn, phát huy được điểm mạnh của hình thức thi trắc nghiệm.

Đề thi được thiết kế dựa trên chủ trương bám sát chương trình SGK phổ thông lớp 12, các vấn đề và nội dung câu hỏi đều nằm trong phạm vi chương trình. Phạm vi đề thi có dạng thức tương tự đề thi minh họa, thử nghiệm và đề thi tham khảo.

Đồng thời đề cũng có sự sắp xếp theo vùng từ dễ đến khó bám sát ma trận kiến thức, tạo tâm lí thoải mái và thuận lợi cho các em học sinh làm bài. Mỗi mã đề thi đều xuất hiện các câu hỏi “khó”, “lạ”, là các câu có tính phân loại, dùng để lấy điểm 9, 10.

Riêng với đặc thù môn Giáo dục công dân, các câu hỏi có tính phân loại thường rơi vào các tình huống thực tiễn, các vấn đề liên quan đến thực hành pháp luật như các câu 117, 118, 119 và 120 của các mã đề.

Các câu hỏi này là các tình huống rất gần gũi, thú vị với các em học sinh: Vấn đề hôn nhân gia đình (câu 117, mã đề 303); vấn đề an toàn giao thông (câu 117 mã đề 311); vấn đề tự do ngôn luận trên mạng xã hội (câu 110 – mã đề 303); vấn đề bầu cử, ứng cử (câu 119 mã 304)…

Việc đưa môn Giáo dục công dân vào kì thi có tính quốc gia đã góp phần cải thiện cái nhìn của xã hội với môn học vốn bị coi là “phụ” này, đồng thời cho thấy Bộ thực sự đang từng bước thực hiện lộ trình đổi mới, kiểm tra đánh giá học sinh một cách toàn diện.

Nhìn chung, đề không quá khó so với đề thi minh họa, thử nghiệm và tương đương đề thi tham khảo. Điểm 10 về cơ bản sẽ không nhiều.



Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại